Lễ ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch (HTi) tại ĐH Duy Tân
Bởi vậy, để đảm bảo phục vụ tốt nhất các hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, Việt Nam cần mở rộng và nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng nguồn lao động hoạt động trong lĩnh vực này.
Thành lập và ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch (Hospitality & Tourism Institute - HTi) vào thời điểm cả nước đang hướng đến mục tiêu trở thành một trong những quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về các chỉ tiêu phát triển du lịch, Đại học (ĐH) Duy Tân kỳ vọng sẽ tạo ra những hiệu quả đột phá trong công tác nghiên cứu và đào tạo để hỗ trợ ngành du lịch nước nhà ngày một phát triển lớn mạnh.
Vai trò của các Viện đào tạo & nghiên cứu trong phát triển du lịch quốc gia
Rất nhiều quốc gia trên thế giới phát triển lớn mạnh một phần nhờ vào du lịch. Ngoài những yếu tố khách quan do thiên nhiên ưu đãi với danh lam thắng cảnh hấp dẫn, hay các di sản thế giới thu hút du khách thì yếu tố con người cùng việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch đột phá sẽ quyết định thành công trong phát triển du lịch ở nhiều quốc gia. Không ngẫu nhiên mà ở các nước có ngành du lịch phát triển đều có các viện nghiên cứu du lịch.
Nổi bật trên thế giới là trường quản trị khách sạn & du lịch Lausanne, Thụy Sĩ, Viện quản trị du lịch Singapore, trường quản trị du lịch & khách sạn Canada, Viện du lịch Ma Cao, Viện quản trị khách sạn Ấn độ,…
Đặc biệt, nhiều các trường đại học đã tự đứng ra thành lập trường/viện và đã hoạt động thực sự hiệu quả như ĐH bách khoa Hồng Kông (Hong Kong Poly) thành lập trường quản trị khách sạn & du lịch (SHTM), ĐH Bethlehem (Mỹ) thành lập viện quản trị khách sạn & du lịch, …
Lễ ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch (HTi) tại ĐH Duy Tân
Các viện/trường nghiên cứu này đóng vai trò vô cùng quan trọng, thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu để góp sức cùng đất nước khơi dậy tiềm năng du lịch, khai thác các thế mạnh từ thiên nhiên, con người, vị trí địa lý,… một cách hợp lý nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như thu hút khách du lịch tăng nguồn thu cho quốc gia.
Ngày 31/8/2019, ĐH Duy Tân đã chính thức ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch. Chia sẻ về sự kiện này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở du Lịch Tp. Đà Nẵng, cho biết:
"Tính đến thời điểm hiện tại, ĐH Duy Tân đã cung ứng cho xã hội hơn 8.000 nhân lực ngành du lịch có trình độ với 98% sinh viên du lịch ra trường có việc làm và nhận được phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp. Bởi vậy, việc thành lập Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch là một quyết định đúng đắn góp phần hóa giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch địa phương, đồng thời mở rộng hoạt động nghiên cứu khoa học quốc tế để thúc đẩy ngành du lịch nước nhà phát triển hơn nữa trong thời gian tới."
Lựa chọn làm việc tại ĐH Duy Tân của Viện trưởng người Hàn Quốc
Ngay trong lễ ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch, Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Duy Tân chia sẻ: "Để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, đưa du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn của đất nước đòi hỏi cần phải có những giải pháp trọng tâm. T
rong đó, cần phải đề cao hơn cả là vai trò ngày càng quan trọng của đội ngũ tại các trường đại học trong việc đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao. ĐH Duy Tân ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch với việc bổ nhiệm Viện trưởng là một giáo sư người nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch châu Á cũng bắt nguồn từ ý tưởng giải pháp trọng tâm đó."
GS.TS. Lim Sang Taek - Viện trưởng Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch ĐH Duy Tân (bên trái) ký kết với GS.TS. Kaye Chon - Hiệu trưởng trường quản trị du lịch & khách sạn, ĐH bách khoa Hồng Kông
Sau một thời gian tìm hiểu đầy đủ về quá trình xây dựng và trưởng thành cũng như đầu tư phát triển ngành du lịch của ĐH Duy Tân, GS.TS. Lim Sang Taek, người Hàn Quốc, đã chính thức nhận lời trở thành Viện trưởng Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch trực thuộc ĐH Duy Tân. Đây cũng là một viện chuyên về học thuật du lịch đầu tiên của Việt Nam.
GS.TS. Lim Sang Taek đã có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò giám đốc viện nghiên cứu du lịch & giải trí, ĐH Dong-A, Hàn Quốc. Sau đó, ông trực tiếp kiêm nhiệm chức vụ Viện trưởng viện giáo dục trọn đời của ĐH Dong-A và Chủ tịch Hiệp hội tương lai du lịch Busan (BTFN). Hiện nay, GS. TS. Lim Sang Taek cũng đang đảm đương trách nhiệm là Chủ tịch Hiệp hội du lịch Châu Á - Thái Bình Dương.
Chia sẻ về vai trò rất mới của mình tại Việt Nam, GS. TS. Lim Sang Taek cho biết: "Tp. Đà Nẵng được xem là điểm đến mới nổi, đại diện cho du lịch Việt Nam trong những năm gần đây. Bởi nơi đây có lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và là cửa ngõ ghé thăm các di sản văn hóa ở khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, ở Tp. Đà Nẵng đã đạt được những hiệu quả nhất định trong chính sách ‘5 không’ gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Chính điều đó đã tạo nên nét hấp dẫn và thu hút rất đông khách du lịch quốc tế đến với Đà Nẵng.
Tôi dự đoán vòng đời phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng còn rất dài và cũng có nhiều cơ hội để cạnh tranh với các quốc gia khác đang phát triển du lịch trong vùng. Đà Nẵng cần quan tâm hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, và đặc biệt là công tác đào tạo bởi chất lượng phục vụ hiện chưa đạt chuẩn 5 sao trên bình diện chung nên việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là thực sự cần thiết".
Tăng cường các công bố ISI/SSCI cùng nhiều hoạt động đào tạo du lịch
Ban Giám hiệu ĐH Duy Tân cùng các cán bộ, giảng viên của HTi luôn nỗ lực để hoạt động đào tạo và nghiên cứu đạt hiệu quả cao nhất
Lâu nay, ĐH Duy Tân vốn đã nức tiếng trong đào tạo du lịch. Đó là kết quả của một quá trình dày công lao động cùng một hướng đi đúng đắn khi thực hiện hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong quá trình hoạt động, ĐH Duy Tân đã lựa chọn các đại học thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ có ngành du lịch phát triển nhất thế giới để hợp tác đào tạo.
Trong đó, phải kể đến các hợp tác với ĐH bang Pennsylvania, 1 trong 5 trường đào tạo du lịch lớn nhất Hoa Kỳ, 1 trong 50 trường đào tạo kinh tế - quản trị kinh doanh hàng đầu của Mỹ (theo U.S.News 2018) để đào tạo các chương trình du lịch khách sạn và du lịch nhà hàng từ năm 2010, với ĐH Taylor, Malaysia năm 2015, và ĐH Sejong, Hàn Quốc năm 2017 để đưa sinh viên đi thực tập, với ĐH Quốc gia Cao Hùng, Đài loan năm 2018 để tham khảo chương trình đào tạo và đưa sinh viên đi thực tập…
Và ngay trong lễ ra mắt Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch năm 2019, ĐH Duy Tân đã ký kết với ĐH bách khoa Hong Kong (Hong Kong Poly), trường xếp thứ nhất về đào tạo và nghiên cứu du lịch trên toàn thế giới trong 3 năm qua để đưa sinh viên tốt nghiệp cử nhân nối tiếp sang học cao học lấy bằng thạc sĩ, chỉ trong 5 năm.
TS. Bùi Kim Luận - Phó Viện trưởng Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch ĐH Duy Tân, cho biết: "Với việc thành lập Viện đào tạo & nghiên cứu du lịch, nhà trường quyết tâm đi sâu trong mảng nghiên cứu khoa học để có nhiều hơn nữa các bài báo ISI/SSCI trong lĩnh vực du lịch, các dự án hỗ trợ phát triển du lịch của Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận