Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Tiến Trường, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) kiêm phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), nói:
Phóng to |
Nguồn: Hiệp hội Dệt may VN - Đồ họa: V.CƯỜNG - Ảnh: T.V.N. |
- Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhập siêu cả nước tăng cao, giá cả nguyên vật liệu dệt may biến động thất thường thì ngành dệt may vẫn thực hiện xuất siêu khoảng 6,5 tỉ USD trong năm 2011, tăng trên 1,5 tỉ USD so với năm ngoái, đồng thời tỉ lệ nội địa hóa của ngành ước đạt 48%, tăng 2% so với tỉ lệ 46% của năm 2010.
Phóng to |
Đạt được kết quả cao như trên là do các doanh nghiệp xuất khẩu đã dự báo thị trường tốt, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, đồng thời tạo dựng được niềm tin cũng như mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng. Thứ đến, dù kinh tế vĩ mô năm 2011 gặp rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn tăng trưởng ổn định là do chọn đúng thị trường ngách để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của mình.
Đơn cử như tại Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng đến 128% so với cùng kỳ 2010, đạt 753 triệu USD. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng không kém là do hưởng lợi từ việc tăng giá bán hàng dệt may trong sáu tháng đầu năm 2011 với mức tăng trung bình 10-12%.
* Theo ông, liệu có tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng nói trên trong năm 2012 hay không khi có quá nhiều yếu tố bất ổn đang chi phối ở những thị trường nhập khẩu chính của VN?
"Phải hết sức chú trọng xây dựng chính sách đãi ngộ và tiền lương phù hợp để thu hút người lao động. Yếu tố này được cho là sẽ tác động không nhỏ đến sự thành công hoặc thất bại của doanh nghiệp trong suốt quá trình điều hành sản xuất" |
- Đây cũng là điều mà cả Vitas lẫn Vinatex đều hết sức băn khoăn. Vì thị trường xuất khẩu dệt may chính của VN trong năm 2012 vẫn sẽ là Mỹ, EU và Nhật Bản với cơ cấu chiếm dưới 80% tỉ trọng xuất khẩu chung toàn ngành. Các thông số mà chúng tôi thu thập được cho thấy xuất khẩu hàng dệt may năm 2012 của VN sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do khó khăn về vấn đề kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tại châu Âu, khi mà cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang tiếp diễn.
Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản có thể khá hơn năm 2011, nhưng sau những khó khăn về tài chính đang diễn ra thì khả năng chính phủ của các nền kinh tế này thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” là rất cao. Điều này có thể dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực, làm hạn chế thị trường tiêu dùng của các nước trên. Dự báo về số lượng đơn hàng vẫn có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2007-2011.
Tuy nhiên mặt bằng giá hàng hóa dịch vụ 2012 của toàn thế giới có xu thế giảm sẽ là áp lực lớn lên đơn giá của sản phẩm dệt may nói chung. Vấn đề là các doanh nghiệp cần bám chặt chiến lược đã lựa chọn ở các thị trường ngách bằng sản phẩm đặc thù, song hành để trở thành đối tác chiến lược dài hạn với các nhà cung cấp lớn.
* Còn trong nước, ông cho rằng những khó khăn nào sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và cần được giải quyết ngay?
- Tôi thấy doanh nghiệp lo nhất vẫn là vấn đề lạm phát. Lạm phát năm 2012 được Chính phủ công bố giữ ở mức dưới 10%, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn mức lạm phát bình quân của thế giới. Điều này có thể sẽ khiến các chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền lương... của ngành dệt may tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến sản xuất và tăng trưởng của ngành trong năm tới. Tiếp đến là vốn. Các doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất và đầu tư do lãi suất vay vốn cao. Lãi suất cho vay đang được kéo xuống mức 16-19% nhưng số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận được mức lãi suất này được dự báo là không nhiều.
Với mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm 2012 ở mức khoảng 15 tỉ USD, tăng 10-12% so với năm 2011, chúng tôi thấy một số vấn đề cần phải giải quyết ngay từ thời điểm này. Cụ thể sẽ tăng cường sử dụng xơ P.E được cung cấp bởi các doanh nghiệp nội địa. Điều này có thể tiết kiệm được khoảng 300 triệu USD/năm so với việc nhập khẩu. Tiếp đến là tăng diện tích trồng bông trong nước lên 15.000ha trong năm 2012, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sử dụng vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị sản xuất trong nước để tiết kiệm chi phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận