01/10/2017 11:11 GMT+7

Derby chính trị máu lửa ở Barcelona

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong bóng đá Tây Ban Nha, những trận đấu giữa hai đội bóng lớn Real Madrid và Barcelona luôn đầy căng thẳng. Trong chính trị hiện cũng như thế.

Derby chính trị máu lửa ở Barcelona - Ảnh 1.

Cảnh sát Tây Ban Nha canh giữ trật tự ở quảng trường Sant Jaume tại thành phố Barcelona khi người biểu tình xuống đường chống lại trưng cầu dân ý trong ngày 30-9 - Ảnh: REUTERS

Sáng nay (1-10) theo giờ địa phương, sẽ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập của vùng lãnh thổ Catalonia ở đông bắc Tây Ban Nha.

Suốt thời gian qua vấn đề này đã được xới lại không ít lần, đặc biệt kể từ sau khi người dân Anh tiến hành trưng cầu dân ý và quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà thường được gọi ngắn gọn là Brexit.

Câu chuyện Brexit đã khiến những người đòi hỏi vùng Catalonia được độc lập lại thêm động lực và họ quyết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân tương tự bất chấp việc chính quyền trung ương ở Madrid gọi đó là "bất hợp pháp".

Suốt hai ngày 29 và 30-9, nhiều người dân ở vùng Catalonia chủ trương đòi độc lập thậm chí đã đưa theo con cái đến trú đóng tại một số trường học trong khu vực để chuẩn bị cho việc tiến hành bỏ phiếu từ sáng 1-10.

Có đến 10.000 cảnh sát đã được tăng cường về khu vực Catalonia để giải tán những người này nhưng có vẻ chưa ra tay mạnh mẽ.

Không ai được phép đứng trên luật pháp. Chúng tôi chịu trách nhiệm về hành động của mình và bất kỳ ai vi phạm luật sẽ phải hứng chịu hậu quả"

Lãnh đạo lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha được tăng cường về Catalonia

Derby chính trị máu lửa ở Barcelona - Ảnh 3.

Cảnh sát đi tuần tra ở khu vực cổng trường tiểu học Reina Violant bị những người ủng hộ đòi độc lập chiếm giữ hai ngày qua để chờ tổ chức bỏ phiếu - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó những vị phụ huynh chiếm trường khẳng định sẽ "kháng cự" nếu bị cảnh sát trục xuất khỏi trường bởi họ cho rằng có quyền "tổ chức hoạt động ngoại khóa ở trường học" và họ có quyền bỏ phiếu, quyền được lên tiếng nói bởi đó là "những quyền quốc tế".

Những hành động của chính phủ vi phạm các quyền của chúng tôi. Người dân không thể đi bỏ phiếu, không được thể hiện quan điểm của mình. Các trang mạng bị đóng, các nhà báo bị đe dọa"

Một cảnh sát viên người vùng Catalonia tố cáo chính quyền

Derby chính trị máu lửa ở Barcelona - Ảnh 5.

Những người ủng hộ đòi độc lập cho Catalonia chuẩn bị bữa sáng 1-10 bên trong một trường học ở TP Barcelona bị họ chiếm giữ để làm điểm bỏ phiếu - Ảnh: REUTERS

Ở chiều ngược lại, vào ngày 30-9, hàng ngàn người dân Tây Ban Nha đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Madrid nhằm bày tỏ sự phản đối đối với cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp về vấn đề độc lập của vùng lãnh thổ Catalonia.

Những người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Plaza de Cibeles, giương cao quốc kỳ Tây Ban Nha và hô vang: "Catalonia là một phần của Tây Ban Nha!", và "Tôi là người Tây Ban Nha".

Derby chính trị máu lửa ở Barcelona - Ảnh 6.

Những người phản đối trưng cầu dân ý giương cao cờ Tây Ban Nha trong cuộc biểu tình tại trung tâm TP Barcelona ngày 30-9 - Ảnh: REUTERS

Một số người thậm chí còn kêu gọi bắt giam Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont - người đã cam kết thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập vào ngày 1-10 bất chấp Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha khẳng định một cuộc trưng cầu như vậy là vi hiến.

Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã kêu gọi lãnh đạo vùng Catalonia hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời khẳng định "vẫn còn thời gian" để tránh làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Rajoy cũng hối thúc các chính trị gia vùng Catalonia phải tuân thủ luật pháp, chấm dứt mọi hành vi bất tuân dân sự và ngừng các hành động quá khích khiến tình hình leo thang căng thẳng.

Còn Tổng Công tố Tây Ban Nha tuyên bố Thủ hiến Puigdemont có thể bị bắt giữ vì tội bất tuân dân sự, lạm dụng quyền lực và sử dụng sai công quỹ vào công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân.

Derby chính trị máu lửa ở Barcelona - Ảnh 7.

Những người chống Catalonia độc lập biểu tình tại TP Barcelona ngày 30-9 với bảng ghi "Tây Ban Nha không phải là thứ để bỏ phiếu về nó" - Ảnh: REUTERS

Bất chấp những lời kêu gọi và cảnh báo trên, tình hình tại Catalonia vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ hiến Catalonia vẫn kêu gọi người dân vùng này đi bỏ phiếu bất kể điều gì xảy ra. Chính quyền Catalonia thậm chí còn tuyên bố đã thiết lập 17.000 điểm bỏ phiếu trên khắp vùng lãnh thổ này.

Chúng tôi yêu cầu quí vị cảnh sát phải thể hiện tôn trọng. Chúng tôi yêu cầu quí vị khi giải tán các điểm bỏ phiếu ở trường học vào ngày Chủ nhật thì quí vị hãy nghĩ đến con cái mình và mẹ mình"

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont

Đây được coi là một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Tây Ban Nha kể từ sau khi nước này khôi phục nền dân chủ vào năm 1975.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên