26/11/2013 07:17 GMT+7

Dẹp tận gốc mũ bảo hiểm dỏm

LÊ SƠN
LÊ SƠN

TT - Bộ Khoa học - công nghệ vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và có văn bản hủy bỏ quyết định chỉ định chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm (MBH) đối với Văn phòng chứng nhận chất lượng - BQC (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đồng thời thu hồi một số giấy chứng nhận do BQC cấp sai quy trình.

2tVnSTY2.jpgPhóng to
Trụ sở Văn phòng chứng nhận chất lượng (BQC) tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đây được xem là giải pháp mạnh tay của bộ này trong việc lập lại trật tự đối với thị trường MBH vốn đang tràn ngập hàng nhái, hàng kém chất lượng... Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) - cho biết:

6EF4Gq9m.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Ảnh: L.S.
- Thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH trên toàn quốc và nhận thấy nhiều sai phạm trong chất lượng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH chưa thực hiện trách nhiệm của mình theo các quy định về sản xuất MBH. Ngoài việc sản xuất các MBH đạt quy chuẩn, được cấp phép nhưng do sức ép của thị trường và lợi nhuận, doanh nghiệp cũng sản xuất thêm những loại MBH không phù hợp quy chuẩn để kiếm lời.

Bên cạnh đó, có một số cơ sở nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã sản xuất MBH (có đủ ba bộ phận) và làm giả chứng nhận hợp quy kèm theo để đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tình trạng bày bán tràn lan MBH trên vỉa hè (các tổ chức, cá nhân này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chất lượng MBH...) vẫn khá phổ biến.

Để kiểm soát tình hình này, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng nhận hợp quy MBH của các tổ chức chứng nhận được chỉ định. Kết quả, tổng cục đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với BQC và Bộ Khoa học - công nghệ đã có văn bản hủy bỏ quyết định chỉ định chứng nhận hợp quy MBH đối với BQC.

Đồng thời, Tổng cục TCĐLCL đã có văn bản yêu cầu các tổ chức chứng nhận được chỉ định nghiêm túc khắc phục các vấn đề tồn tại, tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan phát hiện qua đợt thanh tra, kiểm tra. Thời gian tới, việc chứng nhận hợp quy sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt, đúng quy trình, tránh tình trạng chứng nhận sai quy trình.

* Như Tuổi Trẻ từng thông tin, trước khi bị xử phạt vi phạm hành chính đã có khá nhiều doanh nghiệp tìm đến BQC tại Hà Nội để xin chứng nhận hợp quy. Như vậy sau khi BQC bị tước quyền chứng nhận, các doanh nghiệp được BQC cấp giấy trước đó có được tiếp tục sản xuất MBH không, thưa ông?

- Qua thanh tra, Tổng cục TCĐLCL phát hiện trung tâm này mặc dù được chỉ định cấp giấy chứng nhận hợp quy nhưng đơn vị đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục đánh giá chứng nhận mà vẫn cấp giấy cho các doanh nghiệp sản xuất MBH. Tổng cục đã xử phạt vi phạm hành chính đồng thời buộc đơn vị này thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho bảy công ty gồm: Công ty TNHH SXTM kỹ thuật Á Châu, Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng, Công ty TNHH SXTM Hoa Hải Thanh, Công ty TNHH MTV SXTMDV FIFA, Công ty TNHH TMDVSX Tuấn Nhung, Công ty TNHH TMDV Lâm An và Công ty TNHH TM đầu tư Minh Nghi.

Về nguyên tắc, sau khi BQC đã bị hủy bỏ quyết định chỉ định chứng nhận hợp quy, BQC không được cấp mới giấy chứng nhận hợp quy MBH cho doanh nghiệp. Để tránh xáo trộn sản xuất của doanh nghiệp đã được BQC chứng nhận hợp quy, có chất lượng MBH ổn định trong đợt thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp vẫn được tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp này phải tiếp cận với các tổ chức chứng nhận được chỉ định khác để đăng ký chứng nhận lại theo đúng quy định. Cụ thể, tính đến thời điểm này còn bốn đơn vị có chức năng cấp chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm này bao gồm: Quatest 1, Quatest 2, Quatest 3 và Trung tâm Quacert.

* Trước tình trạng MBH kém chất lượng tràn lan, đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đưa MBH vào ngành kinh doanh có điều kiện. Việc này hiện được triển khai tới đâu, thưa ông?

- Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - trong đó đề nghị đưa việc sản xuất, kinh doanh MBH vào diện sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

Để triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Khoa học và công nghệ đã phối hợp với Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng văn bản quy định về điều kiện kinh doanh MBH. Hiện nay, để quản lý chất lượng MBH có hiệu quả, cần triển khai tốt các quy định tại thông tư liên tịch 06, trong đó cần có sự tham gia vào cuộc của chính quyền địa phương, công an phường, xã...

Làm rõ khái niệm “Mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy”

Chính phủ vừa ban hành nghị định 171/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nêu rõ việc xử phạt từ 100.000-200.000 đồng với hành vi: người điều khiển, ngồi trên xe không đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “MBH cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách. Việc xử phạt sẽ tiến hành từ ngày 1-1-2014.

Theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, điều khoản xử phạt này thực chất phân định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng. Bởi theo quy định xử phạt trước đó chỉ áp dụng đối với việc người vi phạm không đội MBH, hoặc đội không đúng quy cách, không cài quai. Do đó, một số cá nhân thiếu ý thức tìm cách chống chế khi bị xử phạt. Ví dụ người đội mũ bảo hộ lao động hoặc mũ giả mạo MBH vẫn có thể chống chế.

Việc xác định thế nào là MBH dành cho người đi môtô, xe máy đã được quy định rất rõ với các đặc điểm như mũ có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; mũ được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Vẫn tràn lan mũ... dỏm

Theo khảo sát tại TP.HCM, hiện trên thị trường vẫn tồn tại rất nhiều loại MBH kém chất lượng. Các loại mũ không phải MBH (mũ thời trang, mũ thể thao...) được bày bán lẫn lộn với loại MBH hợp quy với giá chỉ 30.000-50.000 đồng/cái. Đặc biệt, nhiều loại MBH có dấu hợp quy CR nhưng hầu hết là giả mạo, sử dụng trái phép.

Cụ thể, thông tin trên tem nhãn ghi rõ sản phẩm của Công ty Hùng Phát (155 đường Lê Bửu, P.5, Q.2, TP.HCM) và Công ty Trường Thịnh (A15/28 Lê Công Nhật, H.Bình Chánh, TP.HCM) nhưng khi chúng tôi tìm hiểu trên thực tế cho thấy tất cả địa chỉ này đều là địa chỉ “ma”, không có trên địa bàn.

Thông tư liên tịch 06, chỉ thị của Thủ tướng cũng như văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM quy định rất rõ trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh mặt hàng MBH đối với chính quyền phường, xã. Tuy nhiên, việc bày bán sản phẩm này trên các tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.5), công viên Phú Lâm (Q.6)... vẫn diễn ra công khai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một vị phó chủ tịch UBND P.3, Q.5 (TP.HCM) cho biết: “Ngày nào các đơn vị chức năng của phường cũng như quận đều thực hiện việc kiểm tra. Không chỉ trong giờ hành chính, lực lượng trật tự đô thị tiếp tục thực hiện kiểm tra từ 18g30-21g30. Tuy nhiên rất khó có thể dẹp triệt để những điểm kinh doanh này do đối tượng kinh doanh không phải người tại địa phương”.

LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên