Gói tôm sú bán trong siêu thị trên bao bì ghi rõ trọng lượng là 500 gam, nhưng khi cân còn 200 gam - Ảnh: Như Bình |
Ít ai ngờ rằng trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, chữ tín là sống còn với doanh nghiệp, vậy mà không ít nơi vẫn vô tư cân thiếu, tự rút ruột sản phẩm đóng gói sẵn để người tiêu dùng.
Từ trước đến nay, các bà nội trợ an tâm với hàng đóng gói sẵn, ghi sao tin vậy từ khối lượng, thể tích, định lượng mà nhà sản xuất in trên bao bì. Người mua tin vào những con số này mà không biết quyền lợi của mình đang bị xâm phạm.
Con số do cơ quan chức năng công bố cho thấy có hơn 20% cơ sở nằm trong đợt kiểm tra vi phạm với hàng đóng gói sẵn, trong đó 33% vi phạm thiếu khối lượng, dung tích so với công bố trên bao bì sản phẩm.
Ở các nước, người tiêu dùng khi phát hiện bị cân thiếu họ có thể kiện ra tòa và đòi bồi thường. Người tiêu dùng VN chưa quyết liệt đến như vậy, một phần do cơ chế bảo vệ họ cũng chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp làm ăn gian lận nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính, chẳng đáng bao nhiêu so với lợi nhuận thu được nhờ gian dối.
Không thể chấp nhận nạn cân thiếu. Cũng không thể bắt người tiêu dùng làm những việc trước đây đã từng làm là “cân đối chứng”. Nhưng họ sẽ quay lưng nếu phát hiện những đơn vị gian lận.
Đợt kiểm tra vừa qua của các cơ quan chức năng đã gióng lên tiếng chuông báo động để người tiêu dùng cảnh giác.
Để bảo vệ người tiêu dùng, tốt nhất là phải ngăn chặn hàng cân thiếu lọt ra thị trường. Trách nhiệm đó thuộc về cơ quan chức năng, chỉ có thường xuyên kiểm tra để phát hiện và sửa quy định để phạt nặng những cơ sở vi phạm.
Bởi lẽ nạn cân thiếu, rút ruột sản phẩm không còn là cá biệt, cũng chẳng phải do sai số đo đếm. Với công nghệ mới, các thiết bị đo lường rất ít sai sót, thậm chí còn có thiết bị phát hiện những sản phẩm bị hụt, thiếu trong quá trình sản xuất.
Do vậy, để sản phẩm thiếu trọng lượng, thể tích lọt ra thị trường chủ yếu là do nhà sản xuất cố tình gian lận.
Vì vậy, không thể phạt “phủi bụi” như đã làm. Còn duy trì mức phạt “phủi bụi” chẳng khác gì làm ngơ cho tình trạng gian lận. Với những cơ sở vi phạm lớn, cần thông tin cho người tiêu dùng biết để phòng tránh.
Người tiêu dùng cũng không thể bị móc túi nếu các điểm phân phối quyết liệt tham gia ngăn chặn nạn cân thiếu, tự rút ruột sản phẩm.
Sở hữu hệ thống phân phối rộng lớn cũng như có thể kiểm soát chất lượng, các siêu thị và cửa hàng lớn có thể loại bỏ ngay, không cho những nhà sản xuất hoặc cung cấp hàng gian dối đưa hàng vào bán ở siêu thị. Điều này giúp nhà bán lẻ bảo vệ danh tiếng, thương hiệu trước người tiêu dùng.
Chỉ có dùng giải pháp kinh tế mới có thể dẹp nạn tự cân thiếu - hoàn toàn xa lạ với thời buổi cạnh tranh và kinh doanh dựa trên uy tín, chất lượng như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận