05/08/2014 03:20 GMT+7

"Đẹp mà trật lất là cái đẹp dở"

Q.Thi
Q.Thi

TT - Mới đây, trên trang mạng cá nhân, NSƯT Thành Lộc chia sẻ về chuyện trang phục của diễn viên sân khấu truyền thống. 

Chiếc áo thiên nga - vở cải lương được đầu tư công phu về trang phục. Tuy nhiên không phải tác phẩm nào cũng có sự chuyên nghiệp như vậy - Ảnh: Gia Tiến

Theo Thành Lộc, trên sân khấu truyền thống (hát bội, chèo, cải lương...), quy định về trang phục rất rõ ràng: đào văn thì vành khăn to, đào võ thì vành khăn nhỏ.

“Vành khăn to phù hợp với những trang phục to khổ, tà dài và tay áo rộng tạo dáng thướt tha, kiêu sa. Nó phù hợp với những nhân vật quyền quý, thanh nhã, yểu điệu thục nữ. Còn vành khăn nhỏ phù hợp và đồng bộ với những bộ võ phục gọn gàng, để dễ dàng trong chuyển động với mọi thao tác võ nghệ, lâm trận, đánh nhau...” - NSƯT Thành Lộc phân tích.

1 Nghệ thuật truyền thống là một quá trình đúc kết trải qua từ ngàn đời. Những di sản hôm nay phải là những kết tinh của những gì ước lệ, tinh tế và khoa học nhất đạt đến mức độ hợp lý và hoàn hảo.

Tuy nhiên, với xu thế thời trang phát triển mạnh mẽ hiện nay, những trang phục của sân khấu truyền thống không tránh khỏi sự cách điệu.

Điều khiến NSƯT Thành Lộc phải lên tiếng là: “Các nữ nghệ sĩ trên sân khấu truyền thống dễ bị xu thế thời trang dành cho các cô hoa hậu của các nhà thiết kế thời trang áo dài phá cách, quá lố, cứ đội lên đầu những vành khăn to quá khổ nhưng lại trong trang phục võ phục nên cứ như... râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Hơn nữa, anh cũng góp ý rằng các nữ nghệ sĩ mình thường không cao, một khi đội cái vành khăn to đùng ấy trên đầu thì xem ra rất... mất cân đối hình thể.

“Đào võ mà đội cái khăn to đùng như thế thì làm sao ra trận mà đánh đấm với ai?!” - Thành Lộc nhận xét.

Vốn xuất thân từ gia đình sân khấu truyền thống, những ý kiến của NSƯT Thành Lộc được nhiều đồng nghiệp đồng tình.

Trao đổi với NSƯT Ngọc Nga, phó giám đốc Nhà hát tuồng TP.HCM, chị cho rằng nguyên do của sự phá cách này là ở các vai Hai Bà Trưng mà ra (tay áo rộng, mấn đội đầu cao). 

Nếu cái mấn đội đầu của người nữ tướng cao hơn truyền thống một chút thì đẹp, nhưng nhiều đoàn làm cao quá, thành ra nó hợp với... sân khấu thời trang hơn là trang phục võ tướng.

NSƯT Ngọc Nga lý giải: “Mấn đội đầu của võ tướng xưa nay thường chỉ cao từ 5-7 lớp là đẹp. Nhưng nhiều đoàn bây giờ phá cách quá, làm cao hơn mười mấy tầng. Cao quá nó sẽ mất cân đối, chỉ hợp với sân khấu catwalk chứ đâu còn hợp với trang phục đào võ vốn gọn ghẽ để diễn lúc lâm trận hoặc điều binh khiển tướng!”.

2 Đó là những sự cách điệu quá xa trên sân khấu truyền thống. Còn nếu xem những vở diễn trên sân khấu kịch gần đây, cũng có những lỗi về trang phục mà khiến người xem phải đặt câu hỏi: Các nghệ sĩ đang ý thức như thế nào về nghề nghiệp của mình? Có những vở diễn mà khán giả nhận ra cái áo, đạo cụ... mà diễn viên đang khoác trên người cũng đã xuất hiện trong một vai khác, ở một... vở khác (!).

Đáng buồn hơn là diễn viên không đầu tư cho trang phục, khiến khán giả không nhận ra được nhân vật mà diễn viên đang thể hiện.

Có diễn viên đóng vai trùm giang hồ nhưng cứ vô tư mặc áo sơmi trắng, quần tây của... học sinh. Hay một diễn viên vào vai một vị giáo sư nhưng áo quần anh chọn luôn ôm sát cơ thể, áo sơmi còn... thêu chim cò.

Điều đáng nói là với trang phục như vậy, người diễn viên đã tự nhận sự thất bại đầu tiên của mình trong tạo hình nhân vật, mà ở đây, mặc dù người diễn viên đã nhận ra điều đó, đạo diễn, nhà sản xuất đã góp ý nhưng diễn viên vẫn... phớt lờ.

Còn có những lý do khác để giải thích cho những lỗi trang phục như vậy trên sân khấu. Ở sân khấu truyền thống, đó là lỗ hổng kiến thức về nghề nghiệp.

Có vở diễn, diễn viên cho rằng đó chỉ là những vở diễn không quan trọng hoặc do diễn viên tham gia chỉ để có cái tên, nhưng như vậy cũng là đánh giá thấp khán giả. Một lý do nữa là họ không muốn xấu đi, già đi vì phải hóa thân vào nhân vật... khác mình. 

Lỗi về trang phục rất phổ biến

Họa sĩ thiết kế sân khấu KimB cho rằng sự cẩu thả trong trang phục là lỗi đang rất phổ biến hiện nay, cả ở sân khấu lẫn điện ảnh. Nhưng đó là vấn đề “nói không ai nghe”. Theo chị, nguyên nhân là nhiều tác phẩm diễn viên phải tự lo trang phục hay đạo diễn và nhà sản xuất lo trang phục nhưng không có sự phân tích kỹ lưỡng.

“Đối với nghệ thuật biểu diễn như sân khấu hay phim ảnh thì bề ngoài rất quan trọng. Không phải diễn viên nào cũng có đất diễn nhiều, lời thoại nhiều. Cho nên, trang phục là tín hiệu đầu tiên, là yếu tố quan trọng để tạo nên hình tượng nhân vật. Nhưng thực tế thì việc đầu tư trang phục hiện nay rất hời hợt, cả về sân khấu lẫn phim ảnh, dễ khiến tôi cảm thấy chán nản khi xem” - chị KimB ngán ngẩm cho biết.

Q.Thi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên