Người đeo bảng tên Lê Hữu Giáp nhận làm “cò” ngay bàn hướng dẫn của phòng khám Hòa Hảo - Ảnh: Hữu Chơn cắt từ clip |
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, lãnh đạo các bệnh viện, phòng khám cho biết dù có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa dẹp triệt để và “cò” khám bệnh vẫn còn lộng hành.
* Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM:
Đã có nhiều biện pháp chặn “cò”
Tuy chưa đạt được như mong muốn là triệt tiêu “cò” khám bệnh 100% nhưng bệnh viện đã có nhiều biện pháp tích cực để chặn “cò”, đem lại kết quả tốt hơn so với trước đây.
Bệnh viện ghi nhận và biết mặt gần 20 người làm “cò” khám bệnh hoạt động. Với những người này, bảo vệ không cho vào khuôn viên bệnh viện.
Chúng tôi cũng phối hợp với Công an P.11, Q.5 để mời nhiều người làm “cò” lên làm việc, lập biên bản nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để. Qua tìm hiểu, nhiều người trong số này là “giang hồ”, người nghiện, thất nghiệp...
Khi bảo vệ, nhân viên phòng khám làm căng với họ, họ còn nhắn tin đe dọa. Khi biết có công an (mặc thường phục) thì họ lánh mặt và tìm cách tiếp xúc với bệnh nhân khi xe vừa đưa bệnh nhân tới cạnh cổng bệnh viện.
Thậm chí “cò” còn in cả danh thiếp có tên, số điện thoại và ghi trong danh thiếp cần khám nhanh thì gọi số... này.
Để chặn “cò”, bệnh viện đã cải cách thủ tục hành chính bằng việc vi tính hóa và thực hiện “3 trong 1”: khai thủ tục hành chính của bệnh nhân (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại...), số thứ tự khám và đóng tiền khám bệnh ngay quầy đăng ký.
Biên lai thu tiền khám bệnh đưa cho bệnh nhân có đầy đủ các thông tin này và có thêm những thông tin khác như tên bác sĩ khám bệnh, số phòng khám, số thứ tự khám, thời gian dự kiến khám, nhân viên làm thủ tục khám bệnh, thời gian in biên lai nên “cò” không thể lấy biên lai này đi bán cho người khác.
Nếu như trước đây chỉ phát số thứ tự khám thì “cò” sẽ chen vô lấy hết những số từ 1 đến 20, 30 rồi đem bán 100.000 - 200.000 đồng cho người đi khám trễ.
Giải pháp này hạn chế tối đa được tình trạng “cò”, nhưng “cò” vẫn có cách lách là lấy thông tin trước của bệnh nhân gọi cho “cò” và “cò” sẽ đi đăng ký khám, khai các thông tin cho người bệnh.
Tuy nhiên, “cò” chỉ dẫn mối được một bệnh nhân/ngày do camera đã ghi nhận hình ảnh và không cho “cò” này đăng ký thêm cho người khác...
* Bác sĩ Lê Hoàng Minh (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Cả gia đình làm “cò”
“Cò” bệnh viện đã xảy ra từ lâu, có thể có ở phía trong và ngoài bệnh viện. Trong bệnh viện, khi họp giao ban chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở nếu nhân viên bệnh viện tiếp tay cho “cò” là chúng tôi xử lý ngay theo quy định.
Ở Bệnh viện Ung bướu TP, “cò” chủ yếu hoạt động ở ngoài cổng. Do 70% bệnh nhân đến khám ở bệnh viện chúng tôi từ các tỉnh, thành phố khác nên khi mới đến họ thường chưa biết thế nào thì bị “cò” chặn ngay phía ngoài.
“Cò” thường nói trong bệnh viện đông lắm, muốn làm nhanh (khám, chẩn đoán hình ảnh...) thì ra phòng khám bên ngoài khám, siêu âm... Bệnh nhân đồng ý phải trả cho “cò” một số tiền.
Để giải quyết được tình trạng “cò” bệnh viện, theo tôi, Sở Y tế TP.HCM cần kết hợp với chính quyền địa phương, công an địa phương, kể cả những lực lượng khác. Thường khi ra quân dẹp “cò” thì “cò” giảm hẳn, nhưng sau đó lại xuất hiện.
Thực tế có khi cả gia đình đều làm “cò” khám bệnh, từ anh em đến chú cháu đều làm “cò” hết năm này qua năm khác. Công an mời họ lên làm việc rất nghiêm khắc nhưng sau đó họ vẫn xuất hiện tiếp tục làm “cò”.
* Bác sĩ Phan Thanh Hải (giám đốc phòng khám đa khoa Hòa Hảo):
Nhân viên làm “cò” bị cho nghỉ việc
Ban giám đốc phòng khám đã kiểm tra và có đủ bằng chứng là nhân viên Lê Hữu Giáp làm “cò” khám bệnh (Tuổi Trẻ ngày 26-11). Bản kiểm điểm của ông Giáp cũng thừa nhận đã làm những việc như phản ánh của bạn đọc. Với vi phạm rõ ràng này, chúng tôi đang làm các thủ tục theo quy định và sẽ cho ông Giáp nghỉ việc cuối tháng này.
Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhưng tại phòng khám cũng có hiện tượng nhân viên y công lén làm “cò” khám bệnh với hình thức đưa vào khám nhanh.
Họ nói người bệnh A, B nào đó là “người nhà, cô chú” của họ rồi nhờ y tá đưa hồ sơ vào khám trước. Mỗi lần đưa người vào khám sớm bằng cách chen ngang, những nhân viên này nhận tiền 100.000 - 150.000 đồng/người. Phòng khám đã lập biên bản và cho nghỉ việc ba y công làm “cò” khám bệnh.
Với “cò” hoạt động ngoài cổng và trong bệnh viện, chúng tôi đã phối hợp với Công an P.4, Q.10 giải quyết nhưng chưa dẹp được do các đối tượng này được một số phòng khám tư nhân bên ngoài trả tiền để lôi kéo bệnh nhân từ phòng khám Hòa Hảo ra khám ở chỗ họ.
“Cò” lộng hành trước phòng khám Dù báo chí đã phản ánh nhiều nhưng “cò” khám bệnh vẫn ra vào tấp nập tại các phòng khám, lôi kéo bệnh nhân ra phòng khám tư. Tại khu vực phòng khám Hòa Hảo (Q.10, TP.HCM), hằng ngày có cả chục “cò” hoạt động công khai từ ngoài đường vào trong khuôn viên phòng khám. “Cò” sẵn sàng chửi bới khách nếu không chịu đi theo. “Cò” khám bệnh ra vào tấp nập trong khuôn viên phòng khám. Thấy một người đi taxi tới dừng trước cửa, nhóm “cò” bu lại mở cửa xe mời mọc khách khám nhanh không cần bốc số. Chúng tôi vừa bước vào cổng phòng khám, một “cò” đu theo nói: “Khám dịch vụ không, vô làm liền, ưu tiên luôn, chỉ trong vòng một tiếng sẽ có kết quả. Khỏi bốc số, xong xuôi mới đưa tiền. Tất cả chỉ 300.000 đồng tiền công”. Thấy chúng tôi chần chừ, ông ta nói tiếp: “Anh yên tâm, người ta dắt đi khám, xong xuôi mới trả tiền”. Chúng tôi chê mắc, “cò” tiếp tục ra giá: “Thôi giờ làm đại cho anh 200.000 đồng, sáng giờ ế quá”. Sau một hồi thuyết phục, “cò” chốt lại: “Thôi, giờ đi ra bên kia (ra phòng khám tư - PV), không phải mất tiền. Mấy thằng đó là “cò”, làm phải mất tiền. Khám xong chỉ cần bồi dưỡng mấy chục”. Thấy chúng tôi phản ứng, “cò” Thành quát: “Bây giờ anh muốn bao nhiêu? Tôi chỉ cho gặp mấy ông bảo vệ dẫn đi khám cho nhanh”. Nói rồi “cò” Thành dẫn chúng tôi tới gặp một người đàn ông đứng trong khuôn viên phòng khám tự xưng là bảo vệ phòng khám nhưng không đeo bảng tên, đồng phục. Người này nói sẽ đảm bảo khám nhanh, không cần bốc số với giá chỉ 150.000 đồng. Tại khu vực Bệnh viện Da liễu (Q.3), tình trạng “cò” chèo kéo khách khám bệnh có giảm so với trước. Ngay ngoài cổng, bệnh viện treo bảng thông báo khám bệnh đồng thời phát loa cảnh báo người dân không nên tin lời “cò”. Đội ngũ bảo vệ bệnh viện túc trực trước cổng để hướng dẫn người dân đi khám bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình “làm ăn” ngày càng khó khăn, “cò” bệnh viện đã chuyển hình thức chèo kéo sang cách chỉ dẫn. Thay vì các “cò” túc trực trước cổng, thời điểm này “cò” núp bóng dưới dạng xe ôm. Chỉ cần thấy ai lớ ngớ, những “xe ôm” này chỉ đi khám bệnh ở ngoài phòng khám tư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận