Từ nhỏ, Phùng Bá Hưng đã rất thích sách báo. Vớ được quyển sách, báo nào là Hưng đọc "ngấu nghiến". Chị cho thuê, bán sách gần chỗ Hưng ở tới giờ vẫn còn nhớ hình ảnh cậu bé Hưng "nghiện" sách ngày xưa.
Từ thư viện đầu tiên
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hưng bắt đầu dự án Thư viện Dương Liễu. Thư viện với mục đích ban đầu là tạo địa điểm cho trẻ con trong làng tới đọc sách, để chúng bớt... chơi điện tử. Địa điểm lúc đó chính là phòng khách, cùng với một số đầu sách thiếu nhi.
Những năm 2013 - 2014, thư viện tư nhân của các bạn trẻ trong vùng Hưng ở khá ít, chủ yếu là các thư viện do các giáo viên về hưu, các cựu chiến binh hoặc người cao tuổi thành lập. Vì vậy, Hưng tạo dựng một thư viện thân thiện với trẻ em, những nội dung sách gần gũi và không gian bắt mắt.
Là dân chuyên ngành báo chí - truyền thông, mọi nghiệp vụ thư viện Hưng đều phải tự mày mò từ phân loại sách, sử dụng phần mềm quản lý đến những cách làm thế nào cho thư viện hấp dẫn, thu hút được nhiều nguồn sách hơn...
"Trái lại, những kiến thức tôi được học trong ngành báo chí - truyền thông đã giúp rất nhiều trong việc lan tỏa hình ảnh dự án. Thông tin về thư viện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, được mọi người chú ý, cho tôi nhiều cơ hội mở rộng thư viện hơn" - Hưng nói.
Năm 2023 là tròn 10 năm Thư viện Dương Liễu đi vào hoạt động. Ngoài không gian đọc sách, Hưng cùng hàng chục tình nguyện viên thường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn ngay tại thư viện.
Chẳng hạn, WeWatch - dự án giáo dục thông qua hình thức chiếu phim cho các bạn đọc nhí; "Siêu sáng tạo" - dự án chuyên làm đồ chơi, sản phẩm thủ công dành cho các bạn nhỏ đang học cấp I, cấp II, hướng đến khôi phục các trò chơi truyền thống...
Hay dự án WeHere chuyên về tâm lý học đường, hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu là các bạn trẻ vị thành niên (10 - 17) và thanh niên trẻ (18 - 24). WeHere cung cấp kênh thông tin, kênh giao tiếp lắng nghe và tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm lý tinh thần cho các bạn trẻ.
"Đây cũng là một trong những điều mình hài lòng nhất khi Thư viện Dương Liễu đã thu hút được nhiều bạn trẻ tâm huyết cùng nhau thực hiện những dự án chung cho cộng đồng" - Hưng tâm sự.
Mạng lưới thư viện địa phương
Không chỉ dừng lại ở Thư viện Dương Liễu, Phùng Bá Hưng đã và đang tiếp tục nối dài chặng đường lan tỏa văn hóa đọc. Năm 2019, Hưng thành lập Local Bookable - một dự án kết nối và hỗ trợ duy trì mạng lưới thư viện địa phương ở Việt Nam.
Hưng chia sẻ ngày nay rất nhiều bạn trẻ cũng muốn lập các thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng như Hưng nhưng thiếu kinh nghiệm. Dự án sẽ tư vấn, hỗ trợ miễn phí về chuyên môn, kinh nghiệm điều hành cho các nhóm thư viện tư nhân và thư viện cộng đồng trên khắp cả nước.
Hơn nửa năm trước, khi sáng lập Thư viện 3 Gốc (Đan Phượng, Hà Nội), chị Trần Thị Ngọc Thúy nhận được rất nhiều tư vấn của Hưng thông qua dự án Local Bookable.
Chị Thúy chia sẻ ngoài khuyến khích, động viên chị theo đuổi một thư viện cộng đồng, Hưng còn giúp giải đáp những thắc mắc về nguồn lực, nguồn sách, quản lý sách, mã sách, đồng thời cho nhiều lời khuyên hữu ích về bài toán nhân sự trong việc triển khai dự án trong giai đoạn đầu.
"Mới gặp Hưng, bạn sẽ thấy Hưng khá ít nói. Nhưng làm việc lâu, bạn sẽ cảm nhận Hưng rất tâm huyết với phát triển thư viện. Hưng sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm, không giấu giếm gì, mong muốn các thư viện khác mới thành lập cũng sẽ hoạt động tốt và lan tỏa văn hóa đọc ngày càng rộng rãi", chị Thúy nói.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hương - tổng phụ trách Trường THCS Dương Liễu (Hà Nội) - cho biết nhiều năm qua cô thường kết hợp với Hưng và các tình nguyện viên triển khai nhiều chương trình cho học sinh.
Không phải chỉ là đến thư viện, thi đua đọc sách, mà còn tổ chức nhiều hoạt động để biến những gì các em đã học được trong sách thành hành động thực tế.
Chẳng hạn, sau khi đọc sách về môi trường, học sinh cùng nhóm của Hưng sẽ đến các gia đình xung quanh tuyên truyền, vận động không xả rác bừa bãi. "Tháng hành động vì Dương Liễu xanh" của các học sinh cũng được ra đời từ đó.
Đến Mỹ học chuyên sâu về thư viện
Ở Việt Nam, ngành học này cũng rất kén sinh viên theo học, gặp khó khăn trong tuyển sinh. Hưng cho biết hiện ngành thư viện ở Mỹ có phân ra nhiều chuyên ngành nhỏ, và bạn sẽ đi sâu vào chuyên ngành dịch vụ cho thanh thiếu niên và trẻ em.
Hưng giải thích các thư viện "truyền thống" chỉ là nơi đến đọc, mượn sách. Tuy nhiên, các thư viện trong tương lai sẽ là nơi phát triển được nhiều hoạt động, chương trình về văn hóa hứng thú, thu hút cho nhiều đối tượng có thể tham gia trong đó có thanh thiếu niên.
"Đó là hướng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn, về những cách để biến một thư viện thành một trung tâm văn hóa trí thức đúng nghĩa cho cộng đồng" - Hưng nói.
"Làm thư viện như thế lấy gì để sống?"
Hưng tâm sự trong hôm phỏng vấn chương trình học bổng thạc sĩ Fulbright, có một chị trong hội đồng hỏi: "Những năm qua làm thư viện như thế, bạn lấy gì để sống?".
Lúc đó, Hưng rất xúc động. Hưng nghĩ về hơn 10 năm qua đã chọn cách nhận một số công việc tự do (freelance) liên quan đến truyền thông để có thể lo cho cuộc sống cá nhân, từ đó có thể phần nào an tâm để đeo đuổi cho dự án thư viện.
"Trả lời cho câu hỏi trên và cả câu hỏi của hội đồng phỏng vấn thì tôi nghĩ rằng trong cuộc sống mỗi người có rất nhiều lựa chọn. Thư viện, với tôi, cũng là một lựa chọn như thế. Nếu đó là lựa chọn, là cuộc sống của mình thì mình cứ sống với nó thôi", Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận