26/09/2017 14:10 GMT+7

Đến Yên Tử chiêm bái 'đại lão vàng mai'

NGUYỄN QUANG HÒA
NGUYỄN QUANG HÒA

TTO - Cái se lạnh trong những ngày này gợi lại cảm xúc bâng khuâng tiết cuối năm, nhớ thời khắc mai vàng nở nụ.

Đến Yên Tử chiêm bái đại lão vàng mai - Ảnh 1.

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử

Đến Yên Tử chiêm bái 'đại lão vàng mai'

Tương truyền khoảng 1285-1288 sau khi vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc, người truyền ngôi cho con và lên Yên Tử tu hành. Cảm xúc trước cảnh sắc non thiêng kỳ vĩ giữa đại ngàn thanh khiết, người chợt nghĩ đến mai và tìm trồng. 

Với người, mai là loài hoa biểu tượng của sự thanh bạch với hồn cách thanh khiết, tâm con người sớm hướng thiện. Những gốc mai đầu tiên người trồng giờ đã là "đại lão vàng mai". (Mai vàng Yên Tử cùng loài với hoàng mai, tên khoa học là Ochna integerrina - Lour Merr).

Theo mốc thời gian, "đại lão vàng mai" đã gần 800 tuổi. Giờ rừng "đại lão vàng mai" được phân bổ quanh Yên Tử, nơi các kiểng chùa như: chùa Đồng Tử, chùa Thác Vàng, chùa Thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Triều, chùa Bảo Sái. Cụm chùa tạo nên nét đẹp thuần khiết giữa tinh túy của đất trời, dắt dìu tâm linh con người hướng thiện.

Mai vàng Yên Tử vừa là biểu tượng của thanh bạch, vừa là biểu tượng của sức sống bền bỉ và còn là biểu trưng chân tâm, hướng thiện của người Việt. Yên Tử với "đại lão vàng mai" thanh khiết, độc nhất vô nhị, ngoài tính đặc trưng bền bỉ dù giữa gió núi giá lạnh của đại ngàn còn là minh chứng lịch sử văn hóa tâm linh, gắn liền với lịch sử lâu đời của thiền phái Trúc Lâm, gốc nhân tâm, bản sắc dân tộc Việt.

Mai vàng Yên Tử khác biệt với mai vàng nơi khác. Nhân tố khác biệt là hình thái thân cây xù xì như cổ thụ. Đặc trưng hoa kết từng chùm, khi nở bung ra nhiều hoa. Mai Yên Tử có mùi thơm nhẹ, màu hoa vàng sáng. Những gốc cổ mai cao dong dỏng, đường kính thân 40-50cm.

 Vào tiết xuân mai khoe sắc rực vàng, tỏa hương thanh khiết cả một vùng trời, tạo nên nét đẹp vừa hoang sơ vừa kỳ vĩ với rừng thiêng núi thẳm. Mai Yên Tử gần với đạo, với thiền.

Và, cũng tự đặc tính khác biệt bền bỉ nơi non thiêng, hương thơm thanh khiết mà người dân đem mai về với "đất thiêng" Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nơi những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống khi tuổi đời trắng trong mười tám, đôi mươi.

Giờ Đồng Lộc đã có vàng mai Yên Tử, gốc ở am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn cách đây 700 năm. Mai Yên Tử được trồng nơi cụm đài các cô gái thanh niên xung phong. Mai Yên Tử không chỉ làm đẹp thêm khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, mà như còn muốn gợi ý nhắc nhở với thế hệ thanh niên ngày nay về ý chí kiên trung dám chết cho Tổ quốc của thế hệ thanh niên ngày ấy.

Nghĩ và tìm về chiêm bái "đại lão vàng mai" là để không quên cội nguồn phát khởi trồng mai nơi non thiêng và còn là tìm về với chứng tích lịch sử sáng lập thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ.

Đến Yên Tử chiêm bái đại lão vàng mai - Ảnh 2.

Yên Tử là nơi nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp, những báu vật mang giá trị lịch sử và những ngôi chùa cổ - Ảnh: quangninh.gov.vn

Chốn bồng lai...

Nhưng, về Yên Tử không chỉ có chiêm bái "đại lão hoàng mai".

Yên Tử là ngọn núi cao ở dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi Bạch Vân sơn.

Về với Yên Tử của hôm nay là về với khắc khoải nao nao của những di tích phảng phất tính sử thi vừa kỳ vĩ, vừa kỳ thú với thoang thoáng hoang sơ. Yên Tử là nơi gắn liền với di tích chùa Yên Hoa, chùa Đồng cùng quần thể kiến trúc thiêng liêng Yên Tử.

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự. Chùa nằm chênh vênh ở đỉnh cao, với độ cao 1.068m. Theo sử liệu, chùa Đồng là ngôi chùa Việt Nam nằm ở độ cao cao nhất. Nét kỳ vĩ của chùa đã làm nên một kỳ quan cho thắng cảnh Yên Tử.

Xưa kia lên Yên Tử cũng đồng nghĩa với lên đỉnh phù vân. Đường cheo leo với lối mòn và cùng bạt ngàn cây cỏ và kỳ thú là được đi dưới bóng râm tán trúc rừng. Nhọc nhằn thì có nhọc nhằn, nhưng bù lại ta có được cảm xúc lãng mạn khi lãng đãng tiếng nước non vẳng về từ suối Giải Oan.

Lên càng cao, Yên Tử càng như chốn bồng lai. Lên với Yên Tử như đồng hành về với linh thiêng của trời đất và lòng người hòa hợp. Càng kỳ thú khi đến với Yên Tử là đến với những ngỡ ngàng cảnh quan như chùa Một Mái, am Ngọa Vân... Đặc biệt Ngọa Vân am địa thế nằm tựa sườn núi, mây như sương mỏng vô hình, tạo thành nét thủy mạc lãng đãng.

Chừng ấy cảm xúc bềnh bồng khi về với Yên Tử của hôm nay thì không chắc gì trong lòng du khách không đọng lại cùng tâm thức góc ký ức về nét kỳ thú của một non thiêng kỳ vĩ.

NGUYỄN QUANG HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên