Đến xứ hạnh phúc tìm bình an

LÊ NGUYÊN MINH 27/09/2016 02:09 GMT+7

TTCT - Đến xứ sở hạnh phúc nhất thế giới nhưng vẫn băn khoăn về giá trị hạnh phúc. Người bạn đồng hành đã tâm sự như vậy sau năm ngày rong ruổi ở Bhutan.

Tiger's Nest hiện rõ dần sau làn mây mù -L.N.M.
Tiger's Nest hiện rõ dần sau làn mây mù -L.N.M.

 

Có nghịch lý gì ở đây chăng khi chỉ số hạnh phúc của Bhutan được không ít cư dân thế giới tán thưởng và không ít quốc gia phải nghiêm túc xem lại chỉ số GDP của mình, khi người dân của họ bảo rằng giàu mà không hạnh phúc thì ích gì.

Bạn đồng hành nói đặt chân đến đây, quan sát xã hội, nói chuyện với vài người... vẫn chưa cảm nhận được giá trị hạnh phúc rõ ràng bởi theo lập luận của bạn, người Bhutan còn vất vả quá, cuộc sống vật chất của nhiều người na ná vùng Tây Bắc của Việt Nam.

Cung đường chúng tôi đi từ Paro đến Thimphu, Punakha rồi ngược lại Paro trùng trùng đồi núi, thấp thoáng những bản làng nép mình bên triền rừng xanh thăm thẳm. Ngôn từ đôi khi bất lực trước cảnh đẹp, nhưng cuộc sống người dân vẫn còn lam lũ.

Những em bé trên đèo Dochula-L.N.M.
Những em bé trên đèo Dochula-L.N.M.

 

Trên con đèo nổi tiếng Dochula nối Thimphu với Punakha (khoảng bốn giờ đi xe vì đường khá xấu), khách lữ hành có thể dừng xe mua các loại rau quả tươi do người dân bản địa trồng đem ra bán. Bắp tươi nướng tại chỗ ngọt lịm, ớt, dưa leo tươi rói bán từng bịch... Những nông dân trông “chân lấm tay bùn” này có thể giao tiếp tiếng Anh không mấy khó khăn.

Tenzin Wangchuk, tổng giám đốc Công ty Bhutan Endless Journey, đoan chắc với chúng tôi rằng tất cả trẻ em đều được học tiếng Anh bắt buộc từ nhỏ, nên những nông dân này dễ dàng giao tiếp tiếng Anh với du khách là điều dễ hiểu.

Một buổi sớm mai ở Paro kiểm chứng một lần nữa với các em lứa tuổi tiểu học trên đường cắp sách đến trường, tôi hiểu những điều Tenzin nói là chính xác. Bằng thứ tiếng Anh rõ ràng, các em mạnh dạn trả lời các câu hỏi và cười đùa tự nhiên với một du khách người Úc.

Ở đây ít thấy các em đi xe đến trường mà toàn cuốc bộ, lưng đeo balô, tay xách cặp lồng cơm cho buổi trưa, cứ thế thong dong đến trường. Khí hậu mát mẻ, môi trường an toàn, trong khung cảnh nên thơ như vậy trẻ được đi bộ đến trường, có mấy nơi trên hành tinh này được thế?

czowOiIiOw==
Những em bé hồn nhiên nói cười với một du khách người Úc. LNM

 

Du lịch là một trong những nguồn lợi chính của Bhutan, nhưng đất nước rồng sấm này không thu hút du khách bằng mọi giá. Không hề dễ dàng có được mảnh visa trên tay bởi bạn phải thông qua một công ty du lịch Bhutan đăng ký cho mình một hành trình, tiền phải được chuyển vào tài khoản công ty này trước và tài khoản này được cơ quan chức năng quản lý nghiêm túc.

Tiền đã vào tài khoản, phần nghĩa vụ cho nhà nước sau khi được cắt, số còn lại mới trả về cho công ty du lịch. Lúc đó bạn đã được chấp nhận. Nhưng vấn đề còn lại không hề nhỏ: vé máy bay cực hiếm vì Bhutan chỉ có một sân bay quốc tế ở Paro và số lượng máy bay không bao giờ đủ so với nhu cầu du khách.

Đặt câu hỏi Bhutan có hạn chế du lịch, giám đốc marketing của Tổng cục Du lịch Bhutan Damcho Rinzin cười: “Tôi có thể trả lời “có” hoặc “không” đều ổn”. Ông Rinzin không nói nước đôi, mà kỳ thực chiến lược của họ là “không muốn để du khách đến đây hạnh phúc mà người dân địa phương không hài lòng và ngược lại.

Các sư trẻ đá bóng ở Punakhan Dzong -L.N.M.
Các sư trẻ đá bóng ở Punakhan Dzong -L.N.M.

 

Tất cả đều phải hài lòng và hạnh phúc khi ở đây”. Bhutan đã đón 150.000 du khách trong năm ngoái và với cơ sở vật chất hiện tại, họ chỉ đề ra mục tiêu khoảng 200.000 khách đến năm 2018. Không chỉ là câu chuyện kiểm soát số khách trong chừng mực, ngành du lịch Bhutan đã hướng người dân, hướng dẫn viên và tài xế ứng xử với du khách như họ đã ứng xử với mẹ thiên nhiên.

Nhìn những cánh rừng bạt ngàn xanh, dòng suối trong vắt, hoa cỏ bên đường và trái trên cây có thể hái xuống cắn ăn ngay, chúng tôi hiểu chúng hạnh phúc nhường nào vì chưa hề biết đến mùi hóa chất.

Buổi chiều sau giờ tan học, nhiều em học sinh thường đến đền chùa cầu bình an -L.N.M.
Buổi chiều sau giờ tan học, nhiều em học sinh thường đến đền chùa cầu bình an -L.N.M.

 

Du khách đến đây có thể không ưng ý với những bữa ăn có thực đơn đơn điệu bởi người dân nuôi bò nhưng không giết thịt (nhập khẩu thịt từ Ấn Độ), nuôi gà để lấy trứng, ra suối câu cá nhưng không phải đem về nấu canh chua, mà chỉ để biết là cá gì rồi thả về với thiên nhiên.

Thậm chí khi thấy quá nhiều muỗi, chúng tôi thắc mắc thì được hướng dẫn viên cười nói: người dân không giết muỗi, người theo đạo Phật không sát sinh!

Người Bhutan xem con người, các loài thú và cây cỏ như nhau, cùng hòa thuận sống giữa lòng mẹ thiên nhiên, họ hạnh phúc với sự hòa hợp đó.

Chuyện kể rằng có lời đồn trong một khu rừng phía bắc Bhutan có người tuyết, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã đến nghiên cứu và phát hiện một sợi lông lạ, qua xét nghiệm ADN, các khoa học gia bảo rằng đó là một loài vật chưa từng được xác nhận trong danh mục thế giới rồi đề nghị chính phủ nước này cho nghiên cứu thêm. Nhưng các nhà lãnh đạo Bhutan quyết định ngưng cuộc tìm kiếm vì không muốn làm xáo động thiên nhiên...

Đôi chân khỏe thì sợ gì độ cao 3.000m-L.N.M.
Đôi chân khỏe thì sợ gì độ cao 3.000m-L.N.M.

 

Bhutan nổi tiếng không chỉ vì nhờ vào sự độc đáo ở vị trí treo lơ lửng giữa lưng chừng mây của Tiger's Nest, sự lạ mắt trong kiến trúc đền, chùa hay những câu chuyện cứu nhân độ thế huyền bí của các đại thiền sư ẩn mình trong các Thimphu Dzong, Punakha Dzong hay thiền viện Tango... Bhutan hấp dẫn du khách có lẽ ở lối sống thuận thiên nhiên của mình.

Ông Damcho Rinzin thừa nhận thật sự khó khi quảng bá cho du khách về chỉ số hạnh phúc, chỉ có cách mời họ đến trải nghiệm thực tế. Bạn đồng hành của tôi băn khoăn liệu người Bhutan có thật sự hạnh phúc không cũng là điều bình thường, bởi anh đang nhìn họ qua lăng kính hạnh phúc của người ngoài.

Nhưng một khi được sống thong dong êm ả với thiên nhiên, tin tưởng vào sự độ trì của Phật và hài lòng với điều đó thì hạnh phúc đâu cần tìm kiếm ở đâu xa nữa? ■

Một cảnh đẹp dọc đường đi -L.N.M.
Một cảnh đẹp dọc đường đi -L.N.M.

 

Số lượng du khách Việt Nam đang tăng lên ở Bhutan
Số lượng du khách Việt Nam đang tăng lên ở Bhutan

 

Đến Bhutan bạn phải chuẩn bị cho mình một đôi chân khỏe, bởi hành trình thường là những chuyến leo núi, chinh phục độ cao, điển hình là Tiger's Nest ở độ cao trên 3.000m so với mực nước biển, hay thiền viện Tango khoảng 2.000m.

Đường lên Tiger's Nest có hai chặng, chặng đầu du khách có thể chọn cách leo lưng ngựa, trải nghiệm cảm giác thú vị, hoặc đi bộ. Với những người chưa từng cưỡi ngựa có thể hơi lo lắng vì ngựa thường “quen lối cũ” hay men theo sát rìa đường cheo leo.

Nài ngựa luôn đi bên cạnh để xử lý sự cố. Nhưng quãng đường thật sự không quá nguy hiểm như một số người mô tả. Đoạn đường còn lại thoai thoải, một số đoạn gần đến Tiger's Nest mới dốc đứng, vừa thư thả đi bộ vừa hít thở khí trời trong lành, ngắm nhìn khung cảnh bao la trời đất, cũng là lúc chiêm nghiệm những lời dạy của kinh Phật được viết trên những tấm bảng nhỏ treo trên thân cây dọc đường đi. Đoạn đường chinh phục Tiger's Nest cả đi lẫn về khoảng 11km.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận