Thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng hơn 20%/năm
Ông Trần Văn Dũng - phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết như vậy tại tọa đàm ứng dụng công nghệ phát triển thương mại điện tử do Tập đoàn công nghệ Excedo phối hợp Viện Phát triển dữ liệu và công nghệ số tổ chức ngày 1-9.
Theo ông Dũng, trước đây nói đến thương mại người ta hay nghĩ đến thương mại truyền thống, có cửa hàng cửa hiệu, trưng bày hàng hóa. Tuy nhiên mấy năm gần đây thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Trong đó Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với trên 20% mỗi năm.
Nhiều mặt hàng phức tạp trước đây người ta nghĩ chỉ có thể mua trực tiếp nay vẫn bán được trên sàn, như vàng.
"Lý do thương mại điện tử có tốc độ phủ rộng, tiếp cận được rất nhiều đối tượng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Logistics lại phát triển nhanh, giao hàng nhanh và nhiều tiện lợi khác giúp thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, bên cạnh đó thương mại điện tử cũng bộc lộ một số nhược điểm. Nhiều đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, kém chất lượng. Do vậy thương mại điện tử phát triển vừa là thuận lợi vừa là thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tất cả người tiêu dùng.
Mới chỉ có 70.000 doanh nghiệp có đăng ký mã vạch
Theo thống kê Việt Nam đang có khoảng 1 triệu doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ có 70.000 doanh nghiệp có đăng ký mã vạch.
Tỉ lệ doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch rất thấp 1,2% là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Theo đánh giá của GS1 Global (hệ thống tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng), hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức "Gray Zone". Việc bị liệt vào vùng xám làm ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất trong nước.
Theo TS Bùi Văn Quyền, viện trưởng Viện Chống gian lận thương mại và hàng giả, có một thực tế là có sản xuất hàng hóa thì có hàng gian hàng giả. Từ đó khiến người tiêu dùng luôn băn khoăn đâu là thật, đâu là giả. Thực tế kiểm tra vừa qua, số sàn giao dịch thương mại vi phạm chiếm hơn một nửa.
"Tỉ lệ vi phạm nhiều quá, đến mức độ báo động, do vậy cần có giải pháp để phân biệt. Đã có nhiều biện pháp xác thực bằng tem, mã vạch, QR code nhưng vẫn cần giải pháp hiệu quả hơn. Song song đó, phải có bàn tay hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý nhà nước", ông Quyền nhận định.
Làm sao để tránh gặp tình huống dở khóc dở cười khi mua hàng trên mạng?
TS Phạm Sỹ Chung, chủ tịch trọng tài thương mại quốc tế Việt - Trung, cho biết ông là tín đồ mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nên đã gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Quảng cáo nói rất hay nhưng khi giao hàng thì khác rất xa.
"Vậy cơ chế nào để kiểm tra, giải quyết tranh chấp, những văn bản quy định hiện tại chưa đủ để xử lý vướng mắc?", ông Chung đặt câu hỏi.
Ông Kiều Hoàng Đạt, phó tổng giám đốc Excedo, cho biết nơi này vừa phối hợp Viện Phát triển dữ liệu và công nghệ số ra mắt nền tảng tra cứu, truy xuất và xác thực hàng hóa ECheck.
ECheck là nền tảng kết nối nguồn dữ liệu cư dân, địa lý, hàng hóa, pháp lý... để đưa ra kết quả nhanh chóng và chính xác, cập nhật các mặt hàng cũng như chủ thể sản xuất, phân phối hàng hóa. Từ đó biết được nguồn gốc sản phẩm như thế nào, thật giả ra sao… kết nối người tiêu dùng để đánh giá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
ECheck có ba sản phẩm cốt lõi: ECheck Verified, NCheck Verified và GCheck Trust. Trong đó ECheck Verified giúp xác thực thông tin doanh nghiệp, tình trạng hoạt động dựa trên thông tin công khai từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Cổng tra cứu thông tin người nộp thuế thuộc Tổng cục Thuế.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20 - 25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỉ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.
Thực tế, thương mại điện tử tại Việt Nam phải đối mặt ba thách thức, cũng là ba vấn nạn lớn: người tiêu dùng đối mặt với mất dữ liệu cá nhân, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng.
Riêng trong năm 2023, Bộ Công Thương đã tiếp nhận, gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Vấn nạn thứ 3 là thất thu thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận