21/09/2024 11:50 GMT+7

Đến từng nhà vận động học sinh đi học sau bão số 3

VŨ TUẤN
và 1 tác giả khác

Những trận mưa xối xả sau bão số 3 khiến đất đá sạt xuống khắp nơi ở xã biên giới Nậm Chạc, huyện Bát Xát (Lào Cai). Nơi được cho là an toàn nhất là trường học của xã cũng bị đất đá tràn xuống làm hỏng nhà bán trú.

Đến từng nhà vận động học sinh đi học - Ảnh 1.

Một phòng ở bán trú của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai) bị ảnh hưởng nặng nề do sạt lở đất sau bão số 3 - Ảnh: VŨ TUẤN

Cha mẹ học sinh không dám cho con đi học, thầy cô phải đến từng nhà vận động, lấy nhà đa năng làm chỗ ngủ cho các em.

Không dám ở nhà bán trú

Ngày 20-9, ông Tẩn Lá Ú, thôn Nậm Giang 2, xã Nậm Chạc (Bát Xát), chạy xe máy đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở tìm thầy giáo để "hỏi cho ra nhẽ" chuyện thầy cô để các em ngủ ở nhà bán trú.

Ông Ú không có con học ở trường mà có hai người cháu học tại trường này. Nghe tin khu nhà bán trú bị ta luy sau trường sạt xuống làm hỏng hai lớp học, ông Ú không yên tâm.

Đến nơi, biết được cháu mình không phải ở dãy nhà bán trú mà ngủ ở nhà đa năng của nhà trường cách đó hơn trăm mét, ông Ú mới tạm yên tâm.

"Sạt thế này không thể ở được! Nếu để cháu tôi ngủ ở nhà này thì tôi bảo anh em không cho cháu đi học, bao giờ có nhà mới thì đi học. Sạt lở chết người sợ lắm!" - ông Ú nói.

Dãy nhà bán trú 7 phòng đã bị đất đá trên đồi sạt xuống làm hỏng mất hai phòng. Khu nhà vệ sinh và cả dãy nhà cũng nằm trong vùng nguy hiểm. Phía sau dãy nhà, mái ta luy cao quá nóc đã nứt nẻ, một góc tràn xuống làm bức tường của hai phòng học bị nứt vỡ, nước chảy vào trong phòng.

Thầy Phương Việt Cường, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Chạc, cho hay rất may hôm ấy là ngày nghỉ, không có học sinh ở bán trú. Đất đai sạt xuống như vậy mà có nhiều học sinh ở trường thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Thầy Cường cho biết cả người dân trong xã và giáo viên chưa từng chứng kiến một trận thiên tai nào lớn đến vậy. Lở đất khắp nơi, con đường chính vào xã không chỗ nào không có bùn đất. Nhà hỏng, cây đổ, mất điện, mất sóng liên lạc, thiếu lương thực... cả tuần trời. Đến nay nhiều người vẫn chưa hết hoảng loạn. Cứ thấy cây đổ, nước chảy xiết là giật mình bỏ chạy.

Khi có thông báo đưa học sinh trở lại trường học, nhiều cha mẹ học sinh đến tận trường phản đối. Họ lo lắng khi các em phải ở căn nhà bán trú mà phía sau đồi đất đã "há mồm", có thể tràn xuống vùi lấp căn nhà cấp bốn bất cứ lúc nào.

Chúng tôi phải giải thích rất nhiều để bà con yên tâm. Hiện tại chúng tôi chuyển học sinh ra ngủ ở nhà đa năng. Các em cứ tối đến là mang chăn, chiếu, đệm trải ra nền nhà ngủ. Sáng dậy lại dọn dẹp để lấy chỗ học tập.
Thầy PHƯƠNG VIỆT CƯỜNG

Thầy cô vượt núi vận động học sinh đi học

Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Chạc có khoảng 600 học sinh, trong đó có 400 em ở bán trú. Một số thôn đến giờ vẫn không liên lạc được, nhà trường cử các thầy cô đi bộ, vượt qua các điểm sạt lở đến từng nhà vận động học sinh.

Những năm trước, cứ vào tháng 8 là thầy cô phải đến tận các thôn, lên tận các lán trên nương của bà con để thống kê, vận động học sinh tới lớp. Năm nay, đây là lần thứ hai thầy cô phải vượt núi, lội suối, qua các đoạn sạt lở để vận động học sinh đi học.

Phụ huynh luôn muốn con em mình được đến trường. Đi học có chế độ bán trú, ăn no hơn đi nương. Nhưng họ lại sợ quả đồi sau trường đã "há mồm" có thể sạt xuống vùi lấp dãy nhà ký túc xá nên nhiều phụ huynh phản đối hoặc ngần ngại cho con đi học.

Thậm chí nhiều nhà không dám ngủ ở nhà mà chuyển đến nhà văn hóa thôn để ngủ. Ban ngày đi làm, về nhà dọn dẹp, chăn gà, chăn lợn. Tối đến lại bồng bế nhau ra nhà văn hóa thôn ngủ vì sợ sạt đất, lũ quét.

Thầy cô họp bàn, lấy nhà đa năng để làm chỗ ngủ cho học sinh. Căn nhà rộng thường ngày dùng làm nơi học thể chất, hội trường, diễn văn nghệ... tối đến cho học sinh trải chiếu ra ngủ. Dãy nhà an toàn vì xa ta luy, mái chắc chắn là chỗ ở an toàn duy nhất lúc này.

Anh Thào Láo Sang (ở thôn Suối Thầu, xã Nậm Cang) có một con đang học lớp 5 ở Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Chạc. Anh Sang cứ đến thứ sáu chạy xe máy đến trường đón con về nhà, chiều chủ nhật lại đưa con đi học.

Anh Sang cũng đến trường, trèo lên quả đồi sau trường xem xét. Chỉ khi biết được con mình không phải ngủ ở dãy nhà ký túc sát ta luy anh mới tạm yên tâm.

"Mình muốn con mình được học cái chữ để sau này không phải khổ như mình. Nhưng cho đi học thì sợ sạt lở, mà đưa đón con thì đường xa quá. Chỉ mong được Nhà nước quan tâm xây cho cái nhà mới cho các con mình được ở để yên tâm đi học" - anh Sang nói.

Theo thầy hiệu trưởng Phương Việt Cường, toàn bộ khu nhà vệ sinh và dãy nhà bảy phòng học bị ảnh hưởng. Biện pháp trước mắt là để học sinh ngủ ở nhà đa năng, nhưng về lâu dài phải kè ta luy, xây sửa lại dãy lớp học.

"Nếu xây mới, để chuyển học sinh ra ở chỗ khác thì rất khó vì xã miền núi thiếu đất ở. Quy hoạch của địa phương cũng khó tìm nơi có mặt bằng đủ rộng. Theo tôi thì tốt nhất là hạ cấp và xây kè để quả đồi phía sau trường không bị sạt.

Vừa kè, vừa xây lại hai phòng đã hỏng, vẫn sử dụng được các phòng khác cho học sinh ở. Kinh phí của địa phương không đủ để làm việc này, chúng tôi không biết học sinh còn phải ngủ ở nhà đa năng đến bao giờ" - thầy Cường chia sẻ.

Cao Bằng: còn 3 trường chưa thể cho học sinh đi học lại

Đến từng nhà vận động học sinh đi học - Ảnh 2.

Điểm trường tại huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tan hoang sau bão số 3 - Ảnh giáo viên cung cấp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 20-9 vẫn còn 3 trường tại huyện Hà Quảng chưa thể cho học sinh đi học lại là Trường mầm non Bình Lãng, Trường TH & THCS Bình Lãng và Trường TH & THCS Thanh Long.

Đây là các trường bị thiệt hại nặng do sạt lở, bị nứt, sập không đảm bảo an toàn cho học sinh.

Hiện có 473 học sinh ở Hà Quảng và 50 học sinh thuộc huyện Nguyên Bình chưa quay lại trường học.

Bão số 3 gây mưa lũ đã làm gần 20 trường học ở Cao Bằng bị thiệt hại. Những nơi chịu tổn thất nặng là huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình...

Nhiều phòng học tại các trường, điểm trường, nhà công vụ bị sạt lở đất, ngập nước, sập toàn bộ sau trận bão và mưa lũ.

Riêng ở huyện Nguyên Bình, núi sạt lở vùi lấp nhiều ngôi nhà trong đó có 4 học sinh thiệt mạng, một số học sinh bị thương. Huyện này cũng có 2 giáo viên thiệt mạng trong vụ sạt lở làm xe chở khách và xe con bị vùi lấp.

Theo cô Vi Thị Hương, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nguyên Bình, hiện có điểm trường bị sập, học sinh từ lớp 3 trở lên phải chuyển về học ở trường chính, còn học sinh lớp 1 bố trí học tại phòng công vụ của giáo viên.

Nguyên Bình có gần 20 học sinh tình cảnh rất đáng thương như bé Hoàng Tiến Dương, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nguyên Bình, nhà bị sập hoàn toàn, mẹ mất, bà bị thương đang phải điều trị. Em Triệu Thị Phương, học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ca Thành, bố mẹ đều mất, đang ở với bà nhưng nhà đã sập hoàn toàn trong trận bão lũ...

21 trường ở Hà Nội vẫn phải đóng cửa

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến ngày 20-9 vẫn còn 21 trường học phải đóng cửa, chưa thể đón học sinh trở lại học trực tiếp. Cụ thể có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 7 trường THCS.

Trong số này có 16 trường thuộc huyện Chương Mỹ - nơi được đánh giá là "rốn lũ" của Hà Nội. Còn lại có 2 trường thuộc huyện Mỹ Đức, 2 trường thuộc thị xã Sơn Tây và 1 trường ở Ba Vì.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường chưa thể cho học sinh trở lại học trực tiếp nếu có điều kiện thì dạy học trực tuyến hoặc có hình thức như giao bài tập, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà...

Đến từng nhà vận động học sinh đi học - Ảnh 3.Mưa lớn gây sạt lở đất đá vào trường học, hơn 260 học sinh phải sơ tán

Mưa lũ gây sạt lở công trình hai tầng 8 phòng học Trường THCS Lâm Phú, buộc hơn 260 học sinh phải sơ tán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên