Những ngày nghỉ học, Khương vào rẫy phụ cha mẹ cắt cỏ và mang về chuồng cho bò ăn - Ảnh: A LỘC
Suốt 8 năm học, Lê Văn Khương, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đồng Nai) đã quen với việc mặc lại đồ của anh trai, học sách anh trai để lại, kể cả đôi giày. Năm học này, Khương không mua áo mới mà mặc lại 2 bộ đồng phục cũ của năm trước.
Sống chật vật lo cho con đi học
"Bộ đồ nó đang mặc đi học là đồng phục cũ của trường trước kia anh trai nó mặc, tôi sửa lại cho vừa đó. Chỗ cổ áo hay chà nhiều bị rách, tôi vừa vá lại rồi", bà Lê Thị Phúc (65 tuổi, bác của Khương) cho biết.
Nhà Khương có 4 anh chị em, Khương là con út. Bà Phúc chia sẻ, do nhà xa trường nên từ năm lớp 1, Khương đã dọn lên ở cùng bà để tiện đi học. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, các anh em đều hiếu học.
Gia đình Khương sống dựa 5 sào điều cằn cỗi, nằm sâu trong khu vực giáp ranh với lòng hồ Trị An. Năm trúng thì thu được 40-50 triệu đồng, còn năm thất chỉ được 10-15 triệu đồng, mà phải nuôi 5 miệng ăn. "Muốn thay đổi cây có giá trị hơn thì phải đầu tư cây giống, thuốc men, phân bón, cao quá. Không có tiền nên gia đình chỉ có thể trồng điều vậy thôi", ông Lê Văn Khang (61 tuổi, cha của Khương) phân trần.
Ngoài làm rẫy, vợ chồng ông Khang vay tiền nhà nước mua bò về nuôi, đồng thời đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Thậm chí, lúc còn khoẻ, bà Nguyễn Thị Hà (55 tuổi, mẹ Khương) còn dẫn các con đi làm thuê, ai trả công bao nhiêu thì trả. Hình ảnh 4-5 mẹ con bà Hà đi làm cỏ thuê vẫn được nhiều người dân xã Phú Cường nói đến. Còn những ngày không ai thuê, vợ chồng ông Khang ra lòng hồ lưới cá để cải thiện bữa ăn.
Khoảng 3 năm trước, bà Hà đi khám phát hiện bị ung thư khiến kinh tế gia đình lâm vào kiệt quệ, nợ nần. Giấy tờ nhà đất ông Khang thế chấp ngân hàng để vay tiền, cả cặp bò đẻ - tài sản có giá trị nhất cũng phải bán đi để chữa trị cho vợ. Sau các đợt hoá trị, bà Hà dần khoẻ lại nhưng không còn làm việc được như trước, gánh nặng dồn hết lên vai ông Khang.
Trong căn nhà gỗ mái tôn thủng lỗ chỗ được dựng lên từ hàng chục năm trước, vợ chồng ông Khang sống hết sức đơn giản. Vách nhà được dựng hờ bằng tôn cũ và vải nên cứ mưa lớn, nước tạt hết vào nhà. Cả căn nhà không có món gì giá trị hơn chiếc ti vi cũ được người khác cho. Bữa ăn thường chỉ có cơm với ít măng xào, cá khô, rau dại.
Khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng ông Khang vẫn quyết tâm cho các con đến trường. "Chúng tôi già rồi, ăn gì cũng được, gắng sống chật vật chút ráng lo cho con. Đời ba mẹ nó khổ quá rồi, chỉ mong tụi nó được học hành đến nơi đến chốn để sau này đỡ cực hơn mình", ông Khang bộc bạch.
Muốn được học đại học
Thấm thía hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ nhỏ Khương đã chăm chỉ học tập và thường xuyên phụ giúp cha mẹ. Sau khi tan trường, Khương về nhà phụ bác dọn dẹp nhà cửa, quét dọn, nấu ăn. Những dịp hè hay ngày nghỉ, Khương đạp xe hơn 4km vào rẫy phụ ba mẹ hái điều, chăn bò, cắt cỏ cho bò ăn…
Từ nhỏ Khương đã quen với việc chăn bò ngoài bãi cỏ ven hồ Trị An - Ảnh: A LỘC
Mặc dù không đi học thêm, suốt 8 năm, em đều là học sinh khá giỏi. Khi được hỏi sao không đi học thêm, Khương cười đáp: "Học ở trường hiểu là được rồi, không cần đi học thêm. Mà cũng không có tiền đi học thêm đâu ạ".
"Em mong được học lên đại học. Sau này em sẽ thi vào ngành điện tử hoặc công nghệ thông tin như anh trai em. Còn trước mắt, em sẽ cố học thật giỏi. Năm sau, em sẽ xin đi làm thêm ở các quán nước hoặc tiệm tạp hoá để có tiền đi học, phụ giúp một phần cho cha mẹ", Khương chia sẻ thêm.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Vàng, giáo viên tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nguyễn Trãi - cho biết gia đình Khương có 4 anh chị em. Mẹ Khương bị bệnh ung thư đang chữa trị, cha là lao động chính trong gia đình. Tuy hoàn cảnh khó khăn, vừa đi học vừa chăm sóc mẹ, em rất cố gắng trong học tập, luôn đạt thành tích khá giỏi. Ở lớp, em rất ngoan, được thầy cô và bạn bè quý mến.
“Tôi mong em Khương sẽ cố gắng, vượt qua tất cả để đạt được nhiều thành công. Nhà trường và tập thể lớp sẽ luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ em”, cô Vàng chia sẻ.
Trao 65 suất học bổng “Chắp cánh ước mơ” 2019
Nhằm hỗ trợ kịp thời các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và sinh viên vùng Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Tổng công ty Tín Nghĩa cùng phối hợp tổ chức trao 65 suất học bổng Chắp cánh ước mơ 2019.
Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tài trợ 500 triệu đồng trao 65 suất học bổng cho học sinh - sinh viên thuộc địa bàn 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có 30 học bổng dành cho sinh viên năm 1, năm 2 (mỗi tỉnh thành 5 học bổng).
Riêng tỉnh Đồng Nai có 30 học bổng cho học sinh và 5 học bổng cho sinh viên. Mỗi học bổng cho học sinh là 5 triệu đồng, sinh viên là 10 triệu đồng. Lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ 2019 sẽ tổ chức tại Trường Đại học Đồng Nai vào ngày 25-9-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận