Đỗ đại học, Thanh nói đây là món quà lớn nhất cô tặng cho dì dượng - Video: CÔNG TRIỆU - HUỲNH VY - TRINH TRÀ
Chị Hiền luôn bảo bọc, yêu thương Thanh như con đẻ của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ngày nhận giấy báo nhập học, Thanh vừa mừng vừa tủi: "Bố mẹ ơi! Con đã đỗ đại học!". Đi học là cách để cô thoát khỏi lối mòn "đủ 18 tuổi thì xin vào nhà máy" như các anh chị mình.
Không biết được ngày mai sẽ ra sao nhưng em sẽ luôn cố gắng hết sức.
Nguyễn Thị Thanh
Phận mồ côi
Con hẻm ngoằn ngoèo dẫn vào nơi Thanh đang ở trên đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình, TP.HCM) vắng lặng. Thanh trầm tư khi nghĩ về khoản học phí bốn năm đại học, tiền sách vở...
Sinh ra trong một gia đình đầm ấm, niềm vui đón thêm thành viên mới kéo dài chẳng bao lâu thì người cha qua đời do bệnh gan, khi Thanh tròn 10 tháng tuổi. Mất đi trụ cột gia đình, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của người mẹ. Mẹ của Thanh lúc đó phải quần quật làm ngày làm đêm mới đủ bữa ăn cho bốn đứa con.
Nỗi đau mất chồng, mất cha chưa nguôi thì nghiệt ngã một lần nữa ập tới. Hôm ấy, mẹ của Thanh quần quật làm việc từ sớm đến hơn 22h vẫn chưa nghỉ tay. Đến gần 23h, mẹ đột ngột qua đời. Bác sĩ nhận định mẹ cô mất vì đột quỵ, có thể do quá lao lực.
Bệnh tật cướp đi người cha thì giờ đây chính nghèo khó đã cướp đi chỗ dựa cuối cùng của bốn chị em. Tất cả trở thành trẻ mồ côi! Lúc đó Thanh chỉ mới vừa lên 4 tuổi. Ký ức về mẹ cha mà Thanh có được là nhờ vào những lần kể lại của anh chị hay bức di ảnh trắng đen trên bàn thờ.
Thương cảnh côi cút, Thanh lúc đó được dì ruột là chị Trần Thị Hiền (45 tuổi) đón lên ở cùng. Dì dạy bảo mọi việc, nuôi ăn học cho tới ngày nay. Chị Hiền kể ngoài hai đứa con ruột đang tuổi ăn tuổi lớn, sau có thêm cháu nên thời điểm đầu cũng đầy gian nan. Chị xoay xở đủ nghề, phải học thêm cách nấu mì Quảng để bán. Thanh lớn hơn một chút, mỗi sáng hai dì cháu đẩy xe mì ra chợ, sau khi bày biện xong thì Thanh đến trường, chiều lại về phụ dì dọn dẹp.
Tâm nguyện của người dì
"Ngày mẹ nó mất, tôi đã nguyện lòng là phải nuôi Thanh ăn học tới nơi tới chốn", chị Hiền vừa nói vừa chảy nước mắt. Hàng quán khang trang, sạch sẽ mọc lên như "nấm sau mưa" khiến xe mì Quảng của chị ế ẩm, càng bán càng lỗ nên phải dẹp bỏ. Ba năm trở lại đây, công việc thầu xây dựng của anh Nhuận (chồng chị Hiền) cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Hơn 1 năm rồi anh Nhuận không có công trình nào.
"Hai thằng con tôi đang học đại học mà một năm nay tôi chưa biết sẽ làm sao khi dịch bệnh thế này", chị Hiền tâm sự khi cảm thấy quá bất lực vào thời điểm này.
Trong nhà chỉ có Thanh được đi học. Do cha mẹ qua đời sớm nên các anh chị của Thanh phải bỏ dở giữa chừng. Tất cả đều làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở Đồng Nai, nhưng dịch bệnh khiến họ thất nghiệp đã hơn 3 tháng nay.
Thanh quan niệm chỉ có học mới giúp cô thoát khỏi lối mòn như anh chị mình. Không ít lần vì tự ti mà cô gái 18 tuổi từng muốn dừng bước. Cô muốn kiếm một công việc nào đó để có thể làm ngay, kiếm tiền, hoặc học một nghề chắc chắn tự lo cho bản thân. Lần duy nhất được nghe về tâm nguyện của dì, Thanh bảo đó cũng là lần cuối cùng bản thân nghĩ về chuyện mình sẽ nghỉ học.
Cô gái tự động viên phải suy nghĩ tích cực, nhất là việc phải học thật tốt để cha mẹ, dì dượng và những người kỳ vọng cô được yên lòng. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên trường, đêm về Thanh tự học đến 11h, 12h khuya. Có hôm bắt đầu chợp mắt lúc hơn 2h sáng.
Những trái ngọt đã đến khi Thanh trúng tuyển vào ngành marketing của Trường ĐH Gia Định. Cô nói rằng đây là món quà lớn nhất muốn dành tặng cho dì dượng để báo đáp lại những ân tình của họ. "Không biết được ngày mai sẽ ra sao, nhưng em sẽ luôn cố gắng hết sức" - Thanh quả quyết.
Ngày nhận được điện thoại từ chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường", Thanh mừng lắm. Cô nói nếu may mắn được tặng học bổng thì khoản nợ mà dì đã mượn để đóng học phí trước đó sẽ không còn phải lo nữa. "Em có xin anh hai rồi, trong lúc học cần máy tính em sẽ dùng ké máy tính của anh" - Thanh cười.
Chạy vạy kinh phí đầu năm học mới
Để lo đủ số tiền học phí cho cháu, mấy hôm nay chị Hiền đã phải chạy vạy khắp nơi. Người thân, rồi hàng xóm thương tình cũng gom góp giúp đỡ Thanh. Thanh kể đường đến trường của cô đầy ắp những ân tình. Khi Thanh không có xe thì bạn bè ghé nhà cho đi nhờ. Sách vở, giày dép đầu mỗi năm học sẽ được người thân, hay thậm chí những người không quen mua tặng. Thanh bảo mình không bao giờ quên những tình cảm đó.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận