01/12/2020 11:06 GMT+7

Đến trường bằng những ân tình

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Khi còn là học sinh trung học, Đỗ Thanh Duy (xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đã đạp xe quanh thành phố để bán từng tấm vé số, theo xe tải bốc vác kiếm tiền ăn học.

Đến trường bằng những ân tình - Ảnh 1.

Duy phụ quán khi lên TP.HCM học - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Vượt gian khó, cậu học trò nay đã là tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn.

“Với Duy, tôi khen nhất là sự tự học và nghị lực vượt khó vươn lên của em.

Thầy NGUYỄN HOÀNG MINH (giáo viên chủ nhiệm của Duy tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh)

Nước mắt nhớ mẹ

Căn nhà trống huơ trống hoác mà ba cha con cậu đang ở do một người họ hàng cám cảnh cho ở tạm, nằm khuất sâu giữa rừng cao su, ẩm thấp, dột nát khắp nơi. Cha của Duy, ông Đỗ Thanh Sang (40 tuổi), làm đủ nghề tay chân quanh năm suốt tháng nhưng cũng chỉ đủ ăn. 

Có nhiều tuần liền mấy cha con không có một bữa cơm chung, bởi khi ông Sang đi bốc vác về giữa đêm thì hai đứa con cũng đã say giấc. Sáng ông lại đi sớm, hai anh em Duy thức dậy rồi chuẩn bị tới trường. 

"Cha vẫn thường thở dài tâm sự rằng cả đời cũng chỉ mong có một căn nhà nhỏ của chính mình" - Duy nói.

Duy đi bán vé số, phụ cha tiền cơm gạo. Khi có chút sức khỏe, cậu theo các xe tải, nhà kho trong vùng làm bốc vác. Tuần làm 3 buổi, mỗi buổi 6 tiếng, Duy được trả khoảng 150.000 đồng, đắp đổi tiền ăn học cho hai anh em.

Một sáng cách chừng 2 năm trước, mẹ của Duy bảo là đi làm nhưng từ đó bặt vô âm tín. Lâu lâu nhớ mẹ, Duy vẫn thường lấy điện thoại gọi. Hàng ngàn cuộc được gọi đi nhưng đáp lại chỉ là tiếng "bíp bíp" vô vọng từ nhà mạng. Suốt cả buổi gặp mặt, trăm chuyện đói khổ cũng không làm Duy khóc. 

Thế nhưng khi nhắc về mẹ, cậu rơm rớm nước mắt: "Có lẽ mẹ đã đổi số. Vì quá nghèo nên mẹ mới chọn cách đó".

Duy nói rằng hai anh em cậu được đến trường là nhờ những ân tình của làng xóm xung quanh. Đó là khi thương cảnh ông Sang chật vật "gà trống nuôi con", gia đình bà Tám - một người họ hàng xa - ngày ngày nấu ăn giúp ba cha con. 

Đó còn là ân tình của nhiều gia đình chẳng thân thiết trong vùng lâu lâu cũng ghé thăm, dúi cho Duy ít tiền. Nhờ đó, cuối cùng Duy cũng thi đỗ đại học, em trai cậu nay cũng đã học tới lớp 9. "Mọi người bảo cha cực nhiều rồi, nên hai anh em phải gắng học sau còn lo lại" - Duy tâm sự.

Sẽ không bỏ cuộc

Ngày giấy báo nhập học gửi về, Duy vẫn còn theo xe đi bốc vác. Cầm giấy báo trên tay, cậu nghẹn ngào lo lắng khi không biết lấy đâu ra tiền để lên thành phố nhập học. 

Tối hôm đó ông Sang về sớm, nhưng cả bữa cơm Duy không hề nhắc tới tờ giấy báo. Cậu nói rằng không muốn cha lo lắng, và cũng muốn đi làm nghề sớm để phụ nuôi em. Nhưng sâu trong thâm tâm, Duy vẫn khao khát được đi học hơn bao giờ hết. 

Và cậu cũng không hề biết rằng cha mình vẫn mong ngóng từng ngày đứa con trai trở thành chàng sinh viên thành phố. "Mình thấy cha khóc. Cha bảo khóc vì mừng, và dặn cứ yên tâm lên nhập học, học phí cha sẽ lo liệu" - Duy kể.

Lời căn dặn "gắng học con nhé" cùng số tiền gần 6 triệu đồng có được do ông Sang vay mượn, làng xóm gom góp và bản thân dành dụm cộng lại là tất cả những gì Duy có để mang theo khi lên thành phố nhập học. Chi phí đi lại, đóng hơn 5 triệu đồng tiền học phí là hết tiền, Duy chỉ ăn mì gói qua bữa.

Trường học ở quận 5, nhưng Duy và hai người bạn trọ ở quận Bình Thạnh, giáp ranh Thủ Đức cho rẻ. Mỗi ngày sau giờ học, Duy mượn chiếc xe máy cũ của bạn chung phòng sang quận 1 làm thêm tại một quán lẩu. 

Mỗi tuần 4 ngày, mỗi ngày 4 tiếng, lương học việc của Duy là 17.000 đồng/giờ. Dù khó khăn nhưng Duy nói vẫn tin vào tương lai, tin vào sau này, khi được học nhiều kiến thức mới thì cuộc sống sẽ không còn quá khó khăn. 

"Hi vọng những năm sau mình có thể tìm việc làm thêm liên quan ngành học, chắc thu nhập sẽ cao hơn. Dù thế nào mình cũng không bỏ cuộc" - đôi mắt Duy sáng lên.

Tân sinh viên được tiếp sức ở miền Tây: Hãy học cho ước mơ của mình và người thân Tân sinh viên được tiếp sức ở miền Tây: Hãy học cho ước mơ của mình và người thân

TTO - Năm 2020 đầy biến động, người dân vùng ĐBSCL hứng chịu ảnh hưởng kép của dịch COVID-19 và xâm nhập mặn, khiến cuộc sống thêm phần khó khăn.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên