10/05/2016 07:20 GMT+7

Đèn tín hiệu giao thông mấy pha thì hợp lý?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng tại một số ngã đường ở TP.HCM, xe đi thẳng và xe rẽ trái cùng lúc dẫn đến những hiểm nguy cho người đi đường.

Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) - Ảnh tư liệu

Nhiều ý kiến cho rằng nên thiết kế lại hệ thống đèn giao thông để giảm thiểu kẹt xe và giúp người lái xe an toàn hơn khi di chuyển.

Đèn xanh cùng lúc, vừa rẽ trái vừa run

Việc xe được đi thẳng, rẽ trái cùng thời điểm đèn xanh, cắt mặt nhau tại những giao lộ là điều rất nhiều người lo ngại.

Một bạn đọc của TTO chia sẻ việc cho phép xe đi thẳng và rẽ trái cùng lúc chỉ chấp nhận được ở những đường nhỏ, chứ đường lớn, nhiều làn xe chạy như ngã tư Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Thị Thập thì rất nguy hiểm."Xe máy không thể nào rẽ trái trong khi làn xe ô tô đang chạy thẳng. Toàn chạy cắt đầu xe ô tô”.

Chị Vân Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mỗi lần đi ngang đoạn giao nhau giữa đường Chu Văn An, Nơ Trang Long và Phan Văn Trị, chị đều phải chạy thật chậm để quan sát vì khu vực này luôn đông xe, đèn xanh bật lên cùng lúc ở cả hai ngã Chu Văn An và Phan Văn Trị.

“Từ đường Chu Văn An rẽ trái, hướng về Nơ Trang Long thì bắt buộc phải đi ngang đường Phan Văn Trị ngay thời điểm xe đang di chuyển cả hai hướng trên đường này. Có lần mình từ đường Chu Văn An rẽ trái hướng về Nơ Trang Long thì bất ngờ có một xe tải nhỏ từ phía Phan Văn Trị lao về phía mình”- chị Vân Anh kể.

Một bạn đọc khác cũng bày tỏ sự bức xúc khi di chuyển qua đoạn ngã tư đường Nguyễn Thị Nghĩa-Phạm Ngũ Lão và ngã tư Cách Mạng Tháng 8-Võ Văn Tần.

“Ngã tư Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão cực kỳ bất hợp lý: một hướng chỉ đi thẳng, một hướng chỉ quẹo trái. Đèn xanh bật lên là cả hai hướng lao thẳng vào nhau. Ngã tư Cách Mạng Tháng 8-Võ Văn Tần cũng thế, người rẽ trái thường phải lấn hết sang lề trái mới đi kịp nếu không muốn phải chờ thêm một lần đèn đỏ nữa”, bạn đọc chia sẻ.

Nhiều ý kiến đề xuất nên áp dụng đèn tín hiệu phân làn giao thông ba pha (mỗi pha ưu tiên cho một chiều đi) tại những nút giao thông có lưu lượng phương tiện đông trong thành phố để giảm tải kẹt xe và tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Với đèn tín hiệu giao thông ba pha, thời gian chờ đèn tín hiệu giao thông sẽ lâu hơn đèn hai pha thường thấy ở các ngã tư hiện nay nhưng “được cái lợi là thời gian giải phóng xe nhanh hơn, xe không bị ùn tắc do vướng xe ngược chiều, lượng xe qua. Có thể lâu hơn một chút nhưng không gây kẹt vì xe không giao cắt nhau”, bạn đọc Nguyên Khang đề xuất.

Thiết kế lại đèn xanh đỏ?     

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, chuyên gia giao thông, việc đặt chu kỳ đèn cố định chỉ chấp nhận được khi mật độ giao thông còn thấp. Khi lượng phương tiện tăng lên thì phải rà soát và cân chỉnh lại chu kỳ đèn, dựa vào điều kiện thực tế của từng hướng đi tại các nút giao thông.

“Có khi năm nay thì lượng phương tiện rẽ phải nhiều nhưng sang năm, đường mới mở ra theo hướng ngược lại thì người ta lại di chuyển sang phía trái nhiều hơn. Do đó, phải kiểm tra và thay đổi chu kỳ đèn xanh-đèn đỏ tùy theo tình hình thực tế và sự biến đổi của mật độ giao thông của từng hướng đi, không thể cứ áp dụng một chu kỳ cố định từ năm này qua năm khác”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ khẳng định.

“Chu kỳ đèn tại các thời điểm khác nhau trong ngày nên có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo chu kỳ đèn theo lưu lượng vào từng thời điểm (cao-trung-thấp điểm). Nhiều nước đã áp dụng đèn giao thông thông minh, tự điều chỉnh thời gian của đèn xanh-vàng-đỏ theo lưu lượng xe di chuyển”- TS Đinh Thị Thanh Bình, trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, ĐH GTVT Hà Nội cho biết.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, việc điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trên cơ sở phân tích mật độ xe trong từng thời điểm không đòi hỏi khoa học kỹ thuật cao và hoàn toàn nằm trong khả năng.

Tối đa là đèn tín hiệu phân làn giao thông 3 pha

Việc áp dụng đèn tín hiệu giao thông kiểu 4 pha (1 đèn xanh, 3 đèn đỏ) tại các ngã tư, theo TS Đinh Thị Thanh Bình là không hợp lý bởi thời gian di chuyển được của một hướng (đèn xanh) là rất thấp và thời gian chờ đợi sẽ tăng lên rất nhiều.

“Thông thường, người ta thiết kế hai pha, hai pha chính cộng một pha phụ hoặc tối đa là ba pha. Việc đặt pha phụ (như pha rẽ trái) áp dụng tại các nút giao thông có lưu lượng rẽ trái nhiều và dễ gây xung đột nếu dùng chung đèn tín hiệu đèn xanh với lưu lượng xe đi thẳng. ”, TS Đinh Thị Thanh Bình nói.

Đối với những nút giao thông mà lượng xe di chuyển qua vượt quá năng lực vận hành của đèn tín hiệu giao thông thì bắt buộc phải tìm kiếm những giải pháp khác như cầu vượt.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực điều tiết của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng vấn đề quan trọng vẫn là nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Người tham gia giao thông tại Bangkok luôn phải dừng đèn đỏ rất lâu (hai phút hoặc hơn) vì Thái Lan sử dụng hệ thống đèn báo hiệu giao thông thông minh. Những đèn tín hiệu này được thiết kế để "giao tiếp" với nhau nhằm điều tiết luồng giao thông và để ngăn chặn kẹt xe.

Hệ thống thông minh này sử dụng 2 phương pháp chính:

- Thời gian dừng ngắn, thay đổi tín hiệu nhanh, cho phép mỗi lần chỉ khoảng 10 phương tiện đi qua.

- Lâu thay đổi tín hiệu, cho phép từ 200-300 xe qua 1 lượt để ngăn chặn kẹt xe ở đường chính và các tuyến đường phụ.

Tại Bangkok thì phương pháp số 2 được chứng minh là có hiệu quả hơn.

MAI NGUYỄN

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> PGS.TS Nguyễn Văn Thụ

>> TS Đinh Thị Thanh Bình

>> TS Nguyễn Hữu Nguyên

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục