26/08/2018 11:25 GMT+7

Đèn pha - 'sát thủ' trong đêm

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

TTO - Đèn pha - “sát thủ” không để lại dấu vết trong nhiều vụ tai nạn giao thông ban đêm. Nhiều lái xe sử dụng đèn không đúng luật hoặc vì tính hơn thua mà gây họa.

Đèn pha - sát thủ trong đêm - Ảnh 1.

Ôtô bật đèn pha khi tham gia giao thông có thể gây nguy hiểm cho các xe khác đi hướng ngược lại - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ban đêm người ta chỉ xem xét tình trạng phương tiện (mất phanh, mất lái), tài xế buồn ngủ, lấn đường... mà quên mất một "kẻ thủ ác" thầm lặng thường trốn sâu, ẩn kỹ trong tay, trong mắt, trong đầu, trong lương tâm của mỗi lái xe. 

Rất khó có chứng cứ về việc ai đó sử dụng đèn pha gây lóa mắt người lái xe chiều ngược lại, đây có thể là nguyên nhân tai nạn nhưng không để lại dấu vết.

Luật Giao thông đường bộ quy định: ban đêm xe cơ giới đi chiều ngược lại gặp nhau phải chuyển từ đèn chiếu xa (pha) sang đèn chiếu gần (cốt), gặp mưa to hay sương mù phải bật đèn chiếu gần và đèn vàng, không được sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư... 

Trong đời lái xe của mình, tôi đã nhiều lần bị xe đi chiều ngược lại bật đèn pha gây lóa mắt. Lúc ấy, tôi đã giảm tốc độ, tắt đèn để xe họ đi qua, có khi phải dừng xe hẳn sau đó mới tiếp tục hành trình để tránh tai họa.

Trên thực tế, nhiều người lái xe chỉ lo ôm vôlăng chứ không thực hiện thao tác đổi đèn pha (xa) sang cốt (gần). Có anh ỷ xe mình to, cao, đèn pha sáng hơn, có anh "độ, chế" lắp thêm đèn siêu sáng, đèn vàng trên đầu xe cùng lúc bật lên khiến tài xế xe chiều ngược lại tối tăm mắt mũi. 

Nhiều vụ tai nạn nguyên do lỗi sử dụng đèn pha mà chỉ người trong cuộc mới biết. Việc sử dụng đèn kiểu này đôi khi lại bị "gậy ông đập lưng ông" khi gặp những anh lái xe liều lĩnh, pha ngược, lao thẳng vào và cái kết thì ai cũng hiểu...

Những lái xe giỏi, lái xe có tâm còn tùy những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trên đường mà ứng xử. Đôi khi đèn xe chiều ngược lại bị hỏng không chuyển về chiếu gần được, nếu lái xe nổi nóng kiểu "mày pha, tao pha cho mày xem" dẫn đến nguy hiểm cho cả hai. Trường hợp này nên giảm tốc độ, đi sát vào lề phải và chủ động tắt đèn xe mình để xe chiều kia đi qua sau đó bật đèn trở lại (nếu biết xe mình hỏng đèn cốt cũng có thể chủ động tắt đèn kiểu này).

Hiện chưa thể xử lý, ngăn chặn hành động sử dụng đèn pha vô tội vạ, gây mất an toàn, ý thức tuân thủ luật pháp và ý thức nhường nhịn còn yếu kém. Chi bằng mỗi người ý thức đi tốc độ hợp lý và chủ động tránh hoặc nhường đường để an toàn. Dùng đèn xe ban đêm, tưởng là chuyện "nhỏ như con thỏ" nhưng sử dụng đèn đúng để an toàn cho chính mình, không gây khó chịu hoặc nguy hiểm cho người khác thì còn tùy ý thức người lái xe.

Hãy để đèn pha soi sáng tâm mình, gạn đục khơi trong, bỏ bớt nóng nảy và những toan tính hiểm ác. Những người mới tập lái hay biết mình còn yếu nên để ý rèn luyện cho thật tốt thao tác bật và chuyển đèn pha - cốt, đừng để sự yếu kém của mình gây họa cho chính mình và người khác, đừng để mình cũng trở thành “sát thủ” vì không biết sử dụng đèn vào ban đêm.

Án mạng từ việc bật đèn pha làm chói mắt nhau

TTO - Bị anh Nguyễn Hữu Nhân yêu cầu dừng xe "nói chuyện" vì bật đèn pha làm chói mắt người khác, Lê Phát Đạt rút con dao thủ sẵn đâm anh Nhân chết tại chỗ.

TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên