Nhờ ánh sáng đèn, tài xế xe tải dễ phát hiện có xe máy đang đi tới nút giao thông (ảnh trái) hoặc xe máy cùng chiều phía sau (ảnh phải) để giảm tốc độ, tránh va chạm - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường đại học Việt Đức.
"Nhìn nhưng không thấy"
Đến cuối năm 2019, nước ta có khoảng 62 triệu xe máy (640 xe/1.000 dân), trong đó có khoảng 47-50 triệu đang lưu hành (hơn 12 triệu xe nhiều xe đã hư cũ).
Khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến người đi xe máy, tuy nhiên tỉ lệ người đi xe máy bị thương vong lên đến 90%.
Các nghiên cứu về an toàn giao thông (ATGT) xe máy tại châu Á cho thấy khoảng 60% các vụ TNGT xe máy xảy ra vào ban ngày và khoảng 80% xảy ra trong điều kiện dòng giao thông hỗn hợp, xe máy đi chung làn đường với ôtô...
Nhiều tình huống va chạm do người lái ôtô không kịp thời nhận ra sự hiện diện của xe máy.
Cái gì "bảo hộ" người đi xe máy ngoài đường? Chỉ có mũ bảo hiểm.
Trong bối cảnh giao thông hỗn hợp còn phổ biến, ngoài các giải pháp hiện có, Việt Nam cần thúc đẩy triển khai các giải pháp hướng tới phương tiện an toàn, bao gồm trang bị đèn nhận diện ban ngày, hệ thống cảnh báo nguy hiểm... để tránh va chạm, nâng cao mức độ an toàn cho người đi xe máy.
Do xe máy có kích thước nhỏ, người điều khiển ôtô có thể không phát hiện kịp thời xe máy đi ngược chiều, đi cùng chiều phía sau hoặc tại các giao lộ, trên đường cong gắt (bán kính nhỏ), tầm nhìn hạn chế. Các va chạm này xảy ra nhiều hơn so với các nguyên nhân thời tiết xấu và do phương tiện hư hỏng.
Người điều khiển các loại xe lớn khó phát hiện được xe máy đang đi vào điểm "mù" của mình, ngay cả vào ban ngày. Hiện tượng "nhìn nhưng không thấy" được đề cập nhiều để nói về các vụ TNGT.
Các nước đã làm từ lâu
Để nâng cao khả năng nhận diện xe máy, thế giới đã áp dụng một số giải pháp như thiết kế xe máy với màu sắc sáng, người lái xe mặc đồ bảo hộ có màu sáng, phản quang và trang bị đèn nhận diện ban ngày.
Phân tích các vụ TNGT xe máy ở các nước cho thấy các xe không có đèn nhận diện ban ngày gặp tỉ lệ TNGT cao hơn 2,6 lần so với các xe có bật đèn.
Đèn nhận diện ban ngày có thể giúp tránh va chạm. Ví dụ, người điều khiển ôtô khi đi vào nút giao khuất tầm nhìn sẽ chú ý và giảm tốc độ khi phát hiện có xe máy đang đi vào (theo hướng vuông góc) thông qua ánh sáng đèn.
Người lái ôtô sẽ phản ứng nhanh hơn để tránh va chạm xe máy chạy lấn làn ở hướng ngược chiều hay ở hướng cùng chiều nhưng từ phía sau. Người đi bộ qua đường có thể phát hiện xe máy sớm khi xe có bật đèn ban ngày.
Các loại đèn nhận diện hiện nay có hai loại chính: đèn chạy xe ban ngày (DRL) và đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO).
Thụy Điển là nước đầu tiên triển khai giải pháp đèn này vào năm 1977. Sau đó, các nước có điều kiện thời tiết tương đồng đã áp dụng do tính hiệu quả của đèn này giảm số vụ TNGT. Canada làm từ năm 1990, người dân từ trạng thái trung lập sang tích cực ủng hộ.
Ở châu Á, đèn nhận diện ban ngày đã được quy định áp dụng. Cụ thể là Malaysia (1992), Thái Lan (2003), Indonesia (2009), Đài Loan và Ấn Độ (2017).
Hiện nay Trung Quốc cũng đã nghiên cứu để đề xuất triển khai trong thời gian sắp tới. Theo Luật giao thông đường bộ năm 2009 của Indonesia, người điều khiển phương tiện giao thông phải bật đèn chiếu sáng phía trước cả ngày và đêm.
Việt Nam: tại sao không?
Công nghệ đèn LED đã làm cho giải pháp đèn nhận diện ban ngày của xe máy trở nên rất hiệu quả và tác động môi trường rất nhỏ. Ít tiêu hao nhiên liệu, mức độ ảnh hưởng tới nền nhiệt độ đô thị gần như không đáng kể.
Các thiết kế đèn này đã được tính toán không gây lóa mắt, không gây khó chịu cho người đối diện. Chi phí phát sinh khi có đèn gần như không đáng kể.
Một xe máy, với giả định đi lại 10km/ngày vào ban ngày, giá xăng 20.000 đồng/lít, chi phí năng lượng tiêu hao cho đèn chỉ 5.000 - 10.000 đồng/năm (tùy loại đèn). Hiện nay một số mẫu xe lưu hành tại Việt Nam đã có trang bị đèn nhận diện ban ngày và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna quốc tế về giao thông đường bộ. Điều 32 khoản 6 công ước yêu cầu tất cả người đi xe môtô, xe gắn máy luôn cần phải bật một đèn nhận diện phía trước và một đèn đỏ phía sau xe máy. Điều này đang được nghiên cứu sửa đổi trong Luật giao thông đường bộ Việt Nam.
Nhiều người sẽ phản ứng với việc mở đèn nhận diện ban ngày, tuy nhiên phản ứng này sẽ qua đi rất nhanh nếu thực hiện tốt chương trình truyền thông về dự báo hiệu quả của giải pháp. Kinh nghiệm các nước cho thấy các phản ứng trái chiều sẽ lắng xuống khi người lái xe trải nghiệm lợi ích ATGT khi có đèn.
Xe máy vốn yếu thế trên đường, người trên xe dễ bị tổn thương khi có va chạm giao thông, giải pháp đèn nhận diện ban ngày trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện là rất cấp thiết.
Giảm tai nạn
Luật bắt buộc xe môtô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1978 ở bang California, Mỹ đã cắt giảm được 20-25% các vụ TNGT ban ngày với xe hai bánh. Ở Úc, tỉ lệ này là 16% vào năm 1982. Tại châu Âu, cắt giảm được gần 7%.
Ở Đông Nam Á, năm 1992 sau hai tháng sau khi có luật về đèn nhận diện đã giảm được 29% các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày. Ở Thái Lan, áp dụng từ năm 2005 tỉ lệ giảm tới 20%, Malaysia giảm 29%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận