15/06/2022 17:02 GMT+7

Đến năm 2030, sản lượng khai thác sâm Việt Nam đạt 500-700 tấn

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Đến năm 2030 có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với khoảng 200.000ha tại 7 tỉnh, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tại 4 tỉnh với diện tích 27.000ha, sản lượng khai thác sâm đạt 500-700 tấn.

Đến năm 2030, sản lượng khai thác sâm Việt Nam đạt 500-700 tấn - Ảnh 1.

Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Đó là mục tiêu được đặt ra tại hội thảo xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 15-6.

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án về phát triển sâm trong thời gian qua, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo báo cáo dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Tổng cục Lâm nghiệp, sâm Việt Nam là loại dược liệu quý, hiếm. Hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích 6.000ha. Một số doanh nghiệp đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ.

Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vũng tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đến năm 2030, có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200.000ha tại 7 tỉnh.

Đến năm 2030, sản lượng khai thác sâm Việt Nam đạt 500-700 tấn - Ảnh 2.

Cây sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG

Về giống, cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, trong đó có ít nhất 50% cây giống được nhân từ mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.

Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tại 4 tỉnh với diện tích 27.000ha. Sản lượng khai thác sâm đạt 500-700 tấn đảm bảo chất lượng được phân cấp rõ ràng.

Thời gian thực hiện chương trình giai đoạn 1 từ năm 2022 đến hết 2030, giai đoạn 2 từ năm 2031 đến 2045 tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển các loài sâm như Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lai Châu. 

Tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện chương trình là 70.600 tỉ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 60.154 tỉ đồng. Các dự án thành phần gồm điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm gắn với bảo vệ, phát triển rừng, phát triển vùng nguyên liệu, nghiên cứu, phát triển, chọn giống. 

Bên cạnh đó thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam bền vững, xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng vùng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Ông Phạm Viết Tích - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - kiến nghị Trung ương sớm ban hành chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), có cơ chế, chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đầu tư trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác. 

Bên cạnh đó có những cơ chế thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT hỗ trợ địa phương xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tiếp cận thị trường thế giới.

Ấn tượng với miền Ấn tượng với miền 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Hàng trăm khách mời từ các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia hành trình Caravan “Về miền quốc bảo” vừa được khám phá vườn sâm 700ha của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum).

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên