Với chi phí vật tư nông nghiệp tăng mạnh, hiệu quả sản xuất lúa không cao và nông dân trồng lúa mãi vẫn không thoát nghèo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sáng 13-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Theo đó, đến năm 2030 sẽ giảm gần 350.000ha đất lúa, trong đó có khoảng 174.000ha đất chuyên trồng lúa. Giai đoạn 5 năm từ 2021 - 2025, đất trồng lúa giảm 184.000ha, trong đó có 90.000ha đất chuyên trồng lúa.
Giải trình về chỉ tiêu đất trồng lúa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nghị quyết quy định cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi tối đa 300.000ha đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết.
Trong các chỉ tiêu đưa ra, đáng chú ý đến năm 2030 diện tích đất phi nông nghiệp tăng hơn 965.000ha. Trong đó tăng 120.000ha đất khu công nghiệp, 412.000ha đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia và đất đô thị tăng khoảng 925.000ha.
Riêng giai đoạn từ 2021 - 2025, đất phi nông nghiệp tăng 473.000ha, trong đó tăng 62.000ha đất khu công nghiệp, 225.000ha đất phát triển hạ tầng tăng và đất đô thị tăng 532.000ha.
Một số đại biểu cho rằng quy hoạch chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 rất cao (tăng 120.000ha so với năm 2020) trong khi giai đoạn 2011 - 2020 tỉ lệ đất này chỉ đạt hơn 47%. Việc tăng chỉ tiêu này là quan trọng nhưng cần tính toán kỹ lưỡng, có quy định chặt chẽ để không lạm dụng việc quy hoạch gây lãng phí đất đai.
Theo UBTVQH, dự báo trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế thời gian tới, dòng vốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam có xu hướng gia tăng, hệ thống hạ tầng giao thông được hoàn thiện.
Mặt khác, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỉ trọng khu vực công nghiệp đạt trên 40% GDP vào năm 2030. Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu này đã được tính toán khoa học.
UBTVQH đề nghị Chính phủ gắn quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, mạng lưới dịch vụ thương mại, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong sinh hoạt và sản xuất.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý có kế hoạch cụ thể để phân bổ đất khu công nghiệp, tránh hiện tượng hợp thức hóa các dự án của nhà đầu tư.
Trước ý kiến cho rằng các khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy thấp không được mở mới các khu công nghiệp, UBTVQH đề nghị Chính phủ lưu ý việc phân bổ đất khu công nghiệp giữa các địa phương cho phù hợp.
Có chính sách thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, tránh để lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Tổng kết, đánh giá chính sách phát triển khu công nghiệp, để thực hiện hiệu quả hơn hoạt động của khu công nghiệp thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận