Ngay sau khi TTO đăng tải thông tin về đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, khá nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về việc này. Dưới đây TTO trích đăng một số ý kiến của bạn đọc liên quan đề xuất này.
Phóng to |
* Với mức độ lạm phát như hiện nay thì liệu đến năm 2014, một người có thể sống với 6 triệu đồng/tháng không? Hiện nay 6 triệu đồng với một người độc thân tại thành phố là vừa đủ ăn, chưa kể đau ốm bệnh tật.
* Nghe tin nhà nước đang chuẩn bị nâng mức thu nhập chịu thuế và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên thấy mừng quá, nhưng đọc kỹ lại thì... ơi là buồn!!! Ngay thời điểm này áp dụng mức này còn thấy có ý nghĩa, đợi đến 2014 thì vật giá leo thang đến cỡ nào.
Mới rục rịch tăng cái gì thôi là ở ngoài chợ, thị trường đã nhanh chân tăng trước rồi. Một bên là thu chỉ được tăng có một, còn một bên là chi đủ thứ, so ra càng tăng bên thu thì bên chi sẽ ngày càng lệch nhiều hơn. Sao không áp dụng năm 2012 cho mọi người nhờ? Hay vì vấn đề này thuộc tầm vĩ mô nên phải kéo dài đến mấy năm?
* 2 năm nữa thì 6 triệu đồng có bằng 4 triệu bây giờ không? Thật khó hiểu khi thời gian áp dụng thuế thu nhập cá nhân sang năm 2014. |
Thuế TNCN áp dụng với những cá nhân có mức thu nhập cao. Ở nước ta, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, nhà ở cho người có thu nhập thấp đã 7-8 trăm triệu đồng, thử hỏi với người có mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng, sau khi chi tiêu hàng ngày thì bao nhiêu năm mới có nhà (với tiêu chuẩn người thu nhập thấp), vậy mà đã phải nộp thuế TNCN? Cứ như vậy thì sao người ta không trốn thuế?
Bây giờ lại nói đến cải cách, đáng lẽ ra phải thực hiện mức đó từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới đưa ra, và càng không phải đợi đến 2014 mới thực hiện. Đến khi đó không biết 6 triệu có bằng 3 triệu bây giờ không. Lạc hậu!
* Dám nhìn nhận chính sách thuế “không còn phù hợp với thực tiễn”, nhưng giải thích là đến 2014 áp dụng thì phù hợp “mức thu nhập trung bình của xã hội”. “Thực tiễn” của Vụ Chính sách thuế là 2012 hay 2014? Dù phân tích của Vụ Chính sách thuế về thu nhập bình quân đầu người và mức giảm trừ có tính khoa học nhưng cũng rất khó hiểu khi nhìn vào thực tế hiện nay. Với một đất nước đang phát triển như VN ta, trong những năm qua, chính sách thường đi sau đời sống là điều dễ hiểu, chưa kể độ trễ tác dụng khi áp dụng chính sách. Đất nước ngày càng phát triển, chắc chắn sẽ phải tới lúc chính sách đi trước thực tiễn. Nếu hôm nay Vụ Chính sách thuế nhận định được đến 2014 thì đề xuất thay đổi với thời điểm áp dụng như thế là rất tốt. Hy vọng cái “thực tiễn” mà Vụ Chính sách thuế nhận định là của 2014. Nếu được như vậy, chúng ta hoàn toàn yên tâm khi đã xuất hiện những nhà làm chính sách đủ trình độ để nhìn xa. Khi đó “nồi cơm” của mỗi gia đình sẽ đầy hơn.
* Sửa luật là cần thiết, nhưng chỉ có rất ít nội dung không phải to tát, nghiên cứu gì sâu xa mà phải mất gần 2 năm mới được quyết định và được thực hiện. Buồn quá vì khi đó giá cả thị trường phải thay đổi đến cả chục lần rồi, số nghèo vẫn nghèo. Tôi đang mừng hụt vì thiết nghĩ chỉ cùng lắm hết quí II này là luật này được thực hiện. Chậm thế thì đừng thay đổi, người dân cảm thấy dễ chịu hơn.
* Tôi nghĩ, đối tượng có thu nhập càng cao thì càng phải đánh thuế nhiều, nay lại giảm thuế suất, không tương quan với xu thế hiện đại. Tại các nước phát triển, số thuế thu được chủ yếu từ những người có thu nhập cao, trong khi nước ta (có lẽ) thuế thu được chủ yếu từ những người có thu nhập thấp hơn. Tại sao không áp dụng mức khởi điểm chịu thuế mới sớm hơn. Vì liệu đến năm 2014, mức khởi điểm chịu thuế này có còn phù hợp?
* Nhìn vào đây mới thấy sự phản hồi chậm trễ của chính sách cải cách. Năm 2011 đã thấy sự bất cập của thuế thu nhập cá nhân. Vậy mà đến năm 2014 mới thay đổi. Cái gì cũng tính đến rủi ro, vậy xin phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế hãy cho biết rủi ro để cách tính này trở nên lỗi thời vào năm 2014 là bao nhiêu phần trăm? Có khi nào đến năm 2014 thì nó lại lỗi thời và...tiếp tục đề xuất để năm 2017 chúng ta có một chính sách mới?
Tôi thấy chuyện này nó giống như chuyện xăng thế giới giảm giá và xăng trong nước vẫn giữ nguyên và nhân dân thì khắc khoải chờ đợi. Xin hãy tăng nguồn thu ngân sách bằng cách giảm bớt tham nhũng và nâng cao năng suất hoạt động của bộ máy nhà nước chứ đừng giữ kiểu tận thu như thế này.
* Nếu được áp dụng từ 2013 thì còn có ý nghĩa giảm bớt gánh nặng thuế, đến năm 2014 ai biết lạm phát ở mức nào!
* Bộ tài chính họp về sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân ngày hôm qua (8-3-2012), biểu thuế mà bộ tài chính đưa ra là hợp với tình hình hiện tại. Nhưng mãi tới tận 1-1-2014 luật mới được áp dụng, như vậy có phải thời điểm mới áp dụng luật thì luật đã trở nên lạc hậu? Còn từ bây giờ tới 31-12-2013 thì sao? Với mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng như hiện nay, làm sao đủ sống? Trong khi đó lạm phát năm 2011 của chúng ta là 18% và 2012 tối thiểu cũng là 10%.
* Đại diện Bộ Tài chính cho rằng áp dụng mức thuế khởi điểm 6 triệu đồng kể từ 2014 vì để: hợp lý với các Luật, với Chiến lược cải cách thuế, tuyên truyền cho người nộp thuế về chính sách mới... Cách giải thích như vậy là không hợp lý. Bởi lẽ, Luật thuế thu nhập cá nhân và các luật khác điều chỉnh các đối tượng nộp thuế là khác nhau. Nếu có sự trùng nhau giữa các đối tượng nộp thuế (Doanh nghiệp tư nhân....) thì chỉ có một số trường hợp đặc biệt thì có thể có một quy định điều chỉnh khác.
Còn về Chiến lược cải cách thuế thì xem xét lại, nếu Chiến lược lạc hậu, không phù hợp thì phải điều chỉnh lại. Không thể để vì một vài vướng mắc nhỏ mà lấy đó làm cái cớ để kéo dài thời gian áp dụng được. Còn lý do: để có thời gian tuyên truyền cho người nộp thuế về chính sách thuế mới thì càng không đúng, bời vì, chỉ cần nhà nước áp dụng chính sách thuế mới có lợi cho hàng triệu người dân này thì chỉ cần thông báo hôm nay, ngày mai hàng triệu người đều vui mừng và biết rồi.
Đến năm 2014, với mức độ tăng giá của hàng hóa, chi phí dịch vụ và tình hình lạm phát, mức độ tác động của nền kinh tế thế giới như hiện nay thì mức thuế TNCN khởi điểm 6 triệu đồng sẽ không còn phù hợp nữa (lạc hậu lắm). Khi đó, mức khởi điểm phải là 8-10 triệu mới phù hợp. Tuy nhiên, điều mà hàng triệu người nộp thuế TNCN hiện nay ở Việt Nam ta đang trông chờ đó là phải điều chỉnh ngay trong năm 2012 này chứ không phải chờ đến 2014.
* Giá trị đồng tiền luôn thay đổi, nhất là trong bối cảnh lạm phát luôn ở mức 2 con số. Mức khởi điểm chịu thuế 6 triệu đồng áp dụng từ năm 2014 chắc chắn sẽ không còn phù hợp. Rất buồn khi những người làm luật xa rời thực tế và không nghĩ nhiều đến quyền lợi của người dân mà chỉ chăm chăm vào việc thu càng nhiều càng tốt.
Thực trạng ở VN cho thấy tình trạng thất thu thuế thu nhập không nằm ở mức thuế khởi điểm mà nằm ở khâu quản lý. Một ca sĩ mỗi năm thu nhập tiền tỉ nhưng chỉ đóng thuế tiền triệu. Một giáo viên văn cấp 2 dạy thêm 12 suất/tuần thu nhập một tỉ đồng/năm đôi khi chẳng phải nộp thuế đồng nào. Một người buôn bán tự do, ví dụ kinh doanh bất động sản, thu nhập vài tỉ năm, cũng chỉ đóng một vài đồng thuế.
Trong khi những người làm ở các tổ chức chi trả thu nhập qua tài khoản một cách nghiêm túc phải đóng thuế không chừa khoản nào. Nếu có cơ chế quản lý tốt, Nhà nước có thu thuế nhập nhiều gấp chục lần mức thu hiện nay.
* Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy tiếp tục gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc qua email [email protected]. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận