Trong khi chờ Bộ Công thương ban hành kết luận cuối cùng có áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ kẽm nhập khẩu hay không, vốn được khởi xướng điều tra hồi tháng 3-2016, các doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước tiếp tục được cơ quan chức năng ủng hộ bằng cách chấp thuận điều tra thêm một sản phẩm khác của ngành tôn trong một thời gian tương đối ngắn.
Ngày 7-7, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-bộ Công thương) cho biết Bộ Công thương chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu sau gần hai tháng nhận đơn đề nghị từ Công ty luật hợp danh Nghiêm và Chính - đại diện cho nhóm các công ty: Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Công ty CP Đại Thiên Lộc và Công ty CP Nam Kim.
Giai đoạn điều tra để xác định thiệt hại được tính từ 1-1-2013 đến 31-12-2015.
Theo cáo buộc của nguyên đơn, nếu năm 2013 lượng tôn mạ màu nhập khẩu ước gần 130.000 tấn thì đến năm 2015 đã nhảy vọt lên xấp xỉ 240.000 tấn, tăng khoảng 84,5%.
Điều này dẫn đến lượng tôn mạ màu sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng do chịu sức ép nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, trong đó hơn 80% lượng tôn mạ nhập khẩu là của Trung Quốc.
Nguyên đơn cũng đề xuất áp thuế đối với tôn mạ màu nhập khẩu ở mức 30% theo giá CIF trong thời gian bốn năm, tính từ thời điểm nộp hồ sơ đến tháng 4-2019.
Như vậy, chỉ tính riêng đối với ngành sản xuất thép đã có bốn sản phẩm thép nhập khẩu, gồm thép dài (thép cây, cuộn), phôi thép, tôn mạ kẽm và tôn mạ màu chính thức được Bộ Công thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu trên tinh thần bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Trong đó, hiện chỉ có sản phẩm thép dài và phôi thép đang được áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời trong vòng 200 ngày (tính từ ngày 23-3-2016) ở mức 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận