Được đề xuất từ hồi tháng 4 (để phản ứng việc Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở biển Hoa Đông), nghị quyết được cập nhật tình hình biển Đông sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào Hoàng Sa để rồi phê duyệt ngay trong tuần. Thời điểm của phê duyệt nhấn mạnh lại xu thế trái ngược của quan hệ Mỹ - Trung: nồng ấm về kinh tế, lạnh về chính trị. Kết thúc đối thoại SED, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ca ngợi việc Bắc Kinh minh bạch hóa hơn về tiền tệ nhưng Ngoại trưởng John Kerry thì luôn cảnh báo Trung Nam Hải không thể hành động đơn phương và không được tạo hiện trạng mới trên biển. Quan hệ song phương Mỹ - Trung vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng quan hệ chính trị thì đã xấu đi rất nhiều - tuyên bố của quan chức Mỹ ngày càng căng thẳng hơn, những lời lẽ ngoại giao có cánh ngày càng thưa đi.
Tại hội thảo biển Đông của CSIS ở Washington trong tuần, tiến sĩ Chu Shulong của Đại học Thanh Hoa một lần nữa quy kết Mỹ đã làm quan hệ khu vực xấu đi, đặc biệt là từ sau phát biểu của ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội năm 2010 khẳng định biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ. Tình hình thực tế thì đã nóng dần lên với việc Trung Quốc chiếm bãi ngầm Scarborough, Bắc Kinh đơn phương áp đặt ADIZ và mới đây nhất là ngoại giao “giàn khoan” với giàn khoan 981 và một loạt giàn khoan nhỏ hơn khác hăm he vào biển Đông.
Lo ngại lớn nhất của các nước trong khu vực lúc này là việc Mỹ thiếu kiên quyết sẽ khiến Trung Quốc ngày càng lấn tới. Thông điệp về chuyện Washington phải mạnh mẽ hơn được chính Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mike Rogers tuyên bố. “Giờ là lúc thay đổi cách đối thoại và không nên quá lịch sự” trong đối thoại ngoại giao với Bắc Kinh, ông nói. Tuyên bố không lựa chọn bên của Washington thực tế đang làm khó chính các nước bạn bè và đồng minh của họ tại khu vực khi phải đối đầu với một cường quốc ngạo ngược và hung hăng trong hành xử như Trung Quốc. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của CSIS, chỉ rõ trong hội thảo: “Trung Quốc nghĩ Mỹ sẽ không hành động và các nước láng giềng còn lại sẽ phải nhượng bộ”.
Phó đô đốc Yoji Koda của Nhật tại hội thảo nêu ra thực tế là cả Mỹ và Nhật đã tính toán sai thế nào về mục đích thật sự của Bắc Kinh. Theo ông, sau khi chiếm Gạc Ma năm 1988 và Scarborough năm 2012 thì chỉ đến cuối năm 2013 Washington và Tokyo mới hiểu được ý đồ thật sự của Trung Quốc: các bãi san hô ngầm ở Gạc Ma và bãi cạn Scarborough là lý tưởng để xây dựng các sân bay trên biển. Vị trí của Gạc Ma là tâm điểm đi tới các cực đông - tây - nam - bắc ở biển Đông cùng trong khoảng cách từ 650-900km. Xây dựng được căn cứ quân sự ở đây sẽ giúp giấc mộng độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh.
Những bước xẻo trên biển rất mỏng kiểu “salami” của Bắc Kinh đã khiến Mỹ và các cường quốc không lường và khó trở tay. Giờ là lúc Washington cần một chính sách rõ ràng, mạnh mẽ thật sự hơn nữa đối với Bắc Kinh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận