31/10/2016 09:25 GMT+7

Đến lúc bỏ lệnh cấm quán bar, nhà hàng hoạt động sau 0g

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên Lửa Việt Tour, cho rằng đã đến lúc phải dỡ bỏ lệnh cấm các quán bar, vũ trường, nhà hàng hoạt động sau 0g.

Một quán bar tại TP.HCM hoạt động sau 0g ngày 19-10 - Ảnh: Ngọc Hiển

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 28-10 đăng bài “Cần xem lại quy định “cấm giờ” quán bar, Internet”, đề cập quy định các quán bar, vũ trường ở TP.HCM phải đóng cửa sau 0g, đại lý Internet không được hoạt động sau 22g, nhiều ý kiến muốn được tiếp tục tham gia đóng góp.

Tuổi Trẻ trò chuyện với một người đã từng nhiều lần lên tiếng về việc này: ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên Lửa Việt Tour.

Đáng ra phải bỏ từ rất lâu

* Được biết ông đã nhiều lần góp ý về việc cần phải dỡ bỏ lệnh cấm các quán bar, vũ trường, nhà hàng hoạt động sau 0g. Hiện Hà Nội đã thí điểm bỏ lệnh cấm còn TP.HCM thì chưa, ông cảm thấy thế nào?

- TP.HCM là một trọng điểm du lịch nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào để dỡ bỏ “giới nghiêm”.

Đã đến lúc phải bỏ quy định này, mà đáng ra phải bỏ từ rất lâu rồi. Nhiều lần tôi đã lên tiếng là vì sự phát triển của du lịch, phát triển của TP.

* Có lẽ quy định này nhằm đến bảo vệ trật tự trị an, hạn chế những biến tướng tiêu cực...

- Biến tướng tiêu cực có thể diễn ra bất cứ lúc nào, không đợi sau 0g.

Trật tự trị an lúc nào cũng cần được giữ gìn, bảo vệ, nên những lý do đó là không hợp lý. TP.HCM quyết tâm xây dựng TP thông minh thì lại càng cần phải thay đổi tư duy, trước hết là cái tư duy “khó quản thì cấm”.

* Theo ông, nhu cầu vui chơi, giải trí sau 0g của khách du lịch và người TP có cao không?

- Khách du lịch nước ngoài có nhu cầu ăn uống, khiêu vũ, shopping... ban đêm là đương nhiên, vì họ đi du lịch, đến TP không phải để ngủ mà để trải nghiệm, để thỏa mãn bản thân, chưa kể đến việc trái múi giờ khiến họ thức đêm một cách tự nhiên.

Rất nhiều khách đã rút ngắn thời gian lưu trú vì đến VN mà ban đêm không có chỗ nào để đi, để xem, để sống cả.

Người TP chúng ta cũng ngày càng có nhiều nhu cầu: người đi làm ban ngày muốn hội họp bạn bè ăn uống, giải trí ban đêm; người đi làm ban đêm cũng có nhu cầu hội họp, gặp gỡ...

Các công ty nước ngoài đặt ở TP ngày càng nhiều, xu hướng liên kết với các đối tác Tây bán cầu cũng ngày càng phát triển, lượng người trẻ đi làm ban đêm càng nhiều, nhu cầu hoạt động về đêm càng cao.

“Sài Gòn không ngủ” lẽ nào chỉ ở chợ đầu mối?

* Trên thực tế là những nhu cầu ấy vẫn đang được đáp ứng, bất chấp quy định không được hoạt động sau 0g đến 8g sáng của nghị định Chính phủ...

- Theo quy luật có cầu thì có cung. Và chính vì thế mà quy định này càng cần phải bãi bỏ càng sớm càng tốt.

Nếu không, không chỉ là thiệt thòi cho ngành du lịch, dịch vụ, cho đời sống người dân mà còn là tạo điều kiện cho cán bộ tiêu cực. Vì sao tôi mạnh dạn nói điều đó? Vì quy định cấm vẫn trên giấy và khách vẫn ngồi ở quán bar hằng đêm trong nhà, cả ngoài đường.

Chúng ta thường tự hào giới thiệu một bộ mặt của Sài Gòn ban đêm: “Sài Gòn không ngủ”, và tương lai cần xây dựng một “Sài Gòn không ngủ” thật sự với những hoạt động về đêm thật sự sôi động, phong phú, không chỉ để thu hút khách du lịch mà còn để xứng tầm phát triển.

Sài Gòn không thể chỉ không ngủ ở các khu chợ đầu mối lam lũ, nhọc nhằn.

* Kinh nghiệm quản lý những khu phố, con đường không ngủ của các TP du lịch khác như thế nào?

- Không cần nhắc đến Thái Lan, Singapore vì họ quá chuyên nghiệp, chỉ nhắc đến khu Pub Street ở Siem Reap, Campuchia thôi. Khu phố nằm trong khu chợ đêm, hoàn toàn tách biệt khỏi khu dân cư, hoạt động nhộn nhịp suốt 24/24 giờ, là điểm không khách du lịch nào không ghé đến.

Ở đây du khách hoàn toàn tự do, chỉ có một yêu cầu là buộc phải đi bộ, vì đi bộ mới có thời gian mua sắm. Hoạt động quản lý hoàn toàn qua camera chứ không có cảnh sát, cán bộ nào lập đoàn đến kiểm tra bao giờ.

* Ông cũng đề xuất TP.HCM thành lập những khu phố như thế?

- Tôi đề nghị lấy khu Phạm Ngũ Lão (Q.1) để thực hiện tiên phong. Hiện ở đây đã được mệnh danh “phố Tây”, hầu hết các nhà đều kinh doanh du lịch, mở khách sạn, quán bar.

Giờ hãy quy hoạch nơi đây thành phố đi bộ, cho hoạt động cả đêm, dân cư sinh sống trong khu vực nếu cảm thấy không phù hợp có thể di chuyển ra ngoài, nhà cho thuê hoặc bán lại cho những người kinh doanh. Chúng ta có thể cho thời hạn hai năm để thực hiện hoàn toàn kế hoạch này.

Chúng ta có mạng lưới chính quyền chặt chẽ, có lực lượng an ninh, cảnh sát mạnh, dày, không có gì để lo lắng.

Có vấn đề phát sinh, chúng ta sẽ có phương pháp quản lý mới: qua camera, qua cán bộ đến dự như khách để kiểm tra, qua những phản ảnh của khách hàng qua đường dây nóng... Vấn đề của chúng ta hiện giờ là cần có tư duy mới.

* Tư duy để sửa chữa điều bất hợp lý này?

- Để sửa chữa một cách thật lòng, vì một TP có đời sống sinh hoạt lành mạnh, phát triển.

Đã có nhiều du khách bỏ đi vì ban đêm không biết làm gì, thì khi có những sinh hoạt giải trí ban đêm như nhà hàng, quán bar, vũ trường, thêm những sinh hoạt đặc thù văn hóa, văn nghệ,... tôi tin họ sẽ quay lại, người dân TP cũng có nhiều cơ hội để sống với TP của mình hơn.

Tôi không chỉ mong TP.HCM dỡ bỏ lệnh cấm, mà mong quy định này được sửa chữa ở tất cả các TP trên toàn quốc.

Quy hoạch lại, tạo không gian “sống về đêm”

Ông Nguyễn Hữu Chiến, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng, cho biết theo quy định hiện nay, các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng trước 24g nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cuộc sống cộng đồng dân cư.

“Thế nhưng du khách khi đi du lịch thường tận dụng, tranh thủ thời gian vào ban đêm để vui chơi, nhất là khách quốc tế vì múi giờ bị lệch so với Việt Nam nên họ không muốn ngủ mà muốn ra đường để vui chơi.

Du khách đến TP được vui chơi thâu đêm suốt sáng họ mới có điều kiện tiêu tiền và ngành du lịch mới có cơ hội thu được tiền” - ông Chiến nói.

“Theo tôi nên khoanh vùng một số địa điểm để du khách vui chơi thâu đêm suốt sáng nhằm kích thích hoạt động du lịch, đương nhiên phải đảm bảo an toàn cho cuộc sống bình yên của người dân” - ông Chiến cho biết.

Ông Diệp Bảo Hưng, phó trưởng Phòng văn hóa thông tin TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết có quy định cụ thể cho từng loại hình, vị trí của các loại hình vui chơi, giải trí.

Cụ thể, với vũ trường, quán bar, karaoke, hát với nhau, beer club ở xen trong khu dân cư phải chấm dứt hoạt động trước 24g.

Với vũ trường hay quán bar đặt trong các khách sạn 4, 5 sao thì được hoạt động đến 2g sáng.

Với loại hình Internet, nếu là điểm truy cập Internet công cộng được hoạt động từ 6g-23g còn kinh doanh các trò chơi điện tử chỉ được hoạt động từ 8g-22g.

Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương lập quy hoạch để những loại hình như quán bar, vũ trường, beer club ở một khu riêng, tách biệt với khu dân cư. Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang lấy ý kiến.

“Ở những TP lớn, TP du lịch không nên cấm hoạt động sau 24g. Vì như thế sẽ không thu hút được du khách” - ông Hưng đề xuất.

HỮU KHÁ - ĐÔNG HÀ

Thí điểm tại Q.Hoàn Kiếm

Theo UBND TP Hà Nội, việc nới giờ “giới nghiêm” từ 24g trước đây đến 2g sáng mới chỉ thí điểm trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm từ ngày 1-9 và gắn liền với việc tổ chức phố đi bộ vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Nhưng việc thí điểm nới giờ “giới nghiêm” đến 2g sáng tại Q.Hoàn Kiếm cũng chỉ thực hiện vào ba ngày cuối tuần từ thứ sáu đến chủ nhật.

Còn theo ông Dương Đức Tuấn - chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, trong lĩnh vực du lịch, việc nới thời gian "giới nghiêm" từ 24g đến 2g sáng rất quan trọng, vì với khách quốc tế đến tham quan thì thời gian đó vẫn đang thuộc vào múi giờ người ta tham quan du lịch, vui chơi giải trí.

Ông Đào Thanh Hải, phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết việc triển khai thí điểm sẽ kéo theo tình hình trật tự xã hội phức tạp.

Tuy nhiên, lường trước vấn đề này, Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng công an hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và các lực lượng có liên quan như cảnh sát trật tự, cơ động, giao thông cùng tham gia xây dựng kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự.

Còn theo Sở Du lịch Hà Nội, chỉ tính riêng trong tuần đầu tổ chức phố đi bộ, kết hợp nới giờ “giới nghiêm” đến 2g sáng (từ ngày 2 đến 4-9), khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 72.603 lượt, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015.

Doanh thu từ du lịch trong tuần đầu thực hiện đạt 526 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015.                              

 XUÂN LONG

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên