Nhiều người khấp khởi khi bánh mì Phượng nổi tiếng Hội An mở bán lại.
Dù khởi động quy trình nhưng nghe nói quán thiết kế lại mới hoàn toàn từ nội dung đến hình thức tổ chức, bài bản từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến.
Vậy mà mọi rắc rối mới chỉ bắt đầu. Rõ ràng, việc không ai mong muốn đã đến một cách bất ngờ.
Từ một thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Hội An, Việt Nam mà bay xa khắp thế giới, là một phần trong danh sách món ngon khiến thực khách phải móc hầu bao khi đến Hội An, nay bánh mì Phượng đang từng bước phải khập khiễng đứng lên như một người già trở bệnh.
Phố cổ Hội An nhỏ bé về diện tích nhưng là người khổng lồ về thương hiệu du lịch.
Hội An đẹp mong manh như cọng rêu mọc trên tường cũ, một sự kiện chút xíu ở phố cổ này cũng có thể bay vòng Trái đất trong nửa giây.
Một thương hiệu ẩm thực lớn như bánh mì Phượng khiến nhiều người ngộ độc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thực khách, mà ngay cả chủ quán, công ăn việc làm của công nhân, và cả ngành du lịch của Hội An ít nhiều cũng tổn hại.
Tất nhiên, điều đó không ai mong muốn.
Việc ngộ độc thực phẩm ở quán ăn rình rập chúng ta bất cứ lúc nào. Tương tự như tai nạn giao thông có thể xảy đến bất cứ khi nào và ở đâu.
Nhưng làm sao để tránh tai nạn đó?
Phải lái xe cẩn trọng, tập trung tuyệt đối là điều mọi người thường dặn dò nhau trước khi ra đường. Ở quán ăn cũng vậy, chúng ta nấu như nấu cho chính gia đình mình ăn thì sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro đáng tiếc.
Một quy trình chế biến bài bản với sự kiểm soát nghiêm ngặt là hàng rào, là luật để các tai nạn không xảy ra.
Ở Đà Nẵng có một quán phở treo trên tường câu khẩu hiệu: "Chúng tôi nấu như nấu cho cha mẹ mình ăn!".
Đọc lời cam kết này, không ít người dị ứng, rằng sự cam kết đó rất to tát, rất kêu và… rất nổ!
Nhưng có người lại cho rằng đó là cam kết đầy thành tâm mà chủ quán dành cho thực khách. Nấu cho cha mẹ mình ăn tất nhiên không còn gì để nói, ai cũng làm được thế thì tuyệt nhiên cuộc sống này quá đẹp.
Người viết bài này hay ăn cơm trưa ở một quán nhỏ trong con hẻm gần cơ quan. Quán đơn sơ của hai vợ chồng già, khách không nhiều, giá bình dân.
Cô chú bảo chúng tôi ăn cùng với khách. Tôi nấu cho khách món gì, vợ chồng tôi ăn cùng món đó. Tôi không nấu riêng cho khách và riêng cho mình.
Chúng tôi không giỏi để làm ông này bà nọ, nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể làm một người tốt, người lương thiện bằng cách nấu ăn.
Quay lại ổ bánh mì Phượng ở Hội An, mới mở cửa chạy thử hôm qua nay tạm dừng bán.
Hơn 3 tháng ngừng hoạt động, bài học về sự rủi ro có lẽ không ai thấm hơn chủ quán lúc này.
Bánh mì Phượng chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng ẩm thực phong phú ở Hội An, bài học cho bánh mì cũng là bài học cho các món ăn, những cái tên ẩm thực ít nhiều góp phần vào sự phồn thịnh, làm nên hồn cốt đô thị du lịch này.
Không ai mong mỏi một thương hiệu nào phải mất đi hoặc hoen ố vì rủi ro ngoài ý muốn.
Và hẳn ai cũng mong ước ở sự trở lại của một thương hiệu nổi tiếng là trở lại của sự tử tế để vì mình, cũng là vì người. Cả vì một thương hiệu du lịch nổi tiếng bậc nhất hành tinh.
Thế nên, đến Hội An, tôi sẽ lại mua bánh mì Phượng, khi tiệm bánh mì lại mở ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận