Triệu chứng này xuất hiện khoảng 1 tuần trước khi có “nguyệt san” và nặng dần lên, cho đến khi dứt kinh thì… đâu lại về đấy. Tại sao vậy?
150 triệu chứng xảy ra trong "ngày ấy"
Theo thống kê, có đến khoảng... 150 triệu chứng làm khổ “phe ta” trong những ngày ấy. 90% phụ nữ trên hành tinh phải chịu đựng từ một cho đến hàng chục triệu chứng từ nhẹ, vừa vừa đến trầm trọng. Từ nặng bụng, đau đầu, tức ngực, đôi gò căng, nhức lưng, bồn chồn, nóng nảy, bứt rứt đến nổi điên không kiềm chế được…
Có chị không làm gì được ai, chỉ cần con khóc là lôi con ra đánh, khiến đám trẻ không đoán được ngày mẹ cháu nổi cơn điên mà tránh xa “hòn tên mũi đạn”. Nhiều chị biết là sai mà không sao ngăn được cơn nóng giận.
Thế thì có phải là bệnh không? Không phải mới khổ chứ, bởi khi bạn hết kinh mọi thứ lại trở về trạng thái bình thường, cứ y như tạo hóa thử thách sự chịu đựng của phái yếu. Nhiều chị “chổng chừa” còn bị gieo tiếng “ác”: “Chắc tại bả bị mất cân bằng âm dương nên khó tính vậy, cứ lấy chồng rồi sẽ hết”. Đừng dại dột mà nghĩ thế, bởi khi bạn lập gia đình những khó khăn, rắc rối của cuộc sống gia đình có khi còn làm tình trạng nặng thêm...
Bởi, tại, bị...
Ngày xưa các bác sĩ cho rằng chị em nhức đầu, khó chịu là do lượng estrogen và progesteron của buồng trứng đột ngột giảm thấp. Progesteron có tác dụng an thần, trấn kinh nên khi nó giảm, lập tức chị em thấy lo lắng, bồn chồn...
Còn estrogen làm khí sắc tươi tắn, tinh thần sảng khoái, hồ hởi, yêu đời. Đầu chu kỳ kinh nó tiết ra nhiều, nên chị em khoái gần gũi ông xã. Đến giữa chu kỳ là đỉnh điểm nên ngực căng, đau. Khi estrogen bị sụt giảm, một số chị em bị đau đầu, ủ rũ, có người thậm chí có cơn bốc hỏa như thời kỳ tiền mãn kinh.
Lý luận thì vậy, nhưng khi định lượng hormon của những người “khó chịu” so với những người “êm ru” thì không có gì khác biệt. Các nhà nội tiết đành trả lời “không hiểu”. Còn Đông y cho rằng: Có thể do âm hư, can vượng, kinh mạch không thông, tâm thần suy yếu, suy chỗ nào “bổ” chỗ đó, “yếu” nơi nào thì “kích” nơi ấy sẽ ổn, giống như ta “vá” cầu rồi xe lại chạy rầm rầm. Khổ nỗi, các cơn đau đầu, nhức lưng, đau ngực… của chị em trước và trong những “ngày ấy” không tìm thấy tổn thương thực thể để mà mổ máy hay cho uống thuốc.
Các nhà tâm thần học thấy “đau và nóng giận” thường xảy ra ở những phụ nữ có loại hình thần kinh yếu, rối loạn tâm thần kiểu Hysteria; hay ở những cô gái bị chấn thương tâm lý, bị stress. Xét toàn cảnh thì đúng là vấn đề tình cảm quả là có liên quan đến những triệu chứng khó chịu của chị em, thế là họ đề nghị dùng nhóm từ “Hội chứng cuồng - trầm uất”. Nhưng lại rối rắm ở chỗ khi dùng thuốc chống trầm uất cho nhóm đối tượng này thì chẳng mang lại kết quả gì. Phụ nữ quả là sinh vật bí hiểm.
Cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng, vận động
Nghe khó tin nhưng lại là chuyện thật 100%. Một chế độ ăn ít thịt, ít chất béo, ít đường, không rượu bia, ít cà phê, chỉ ăn ngũ cốc, rau, củ quả, thường xuyên vận động... lại giảm hẳn những triệu chứng khó chịu trước và trong kỳ kinh, khiến chị em tươi tỉnh hẳn lên.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã định lượng và thấy nếu ăn như vậy thì serotonin ở não sẽ tiết ra. Nó là chất làm nâng cao khí sắc, giúp bạn tươi tắn, yêu đời. Việc tập luyện giúp cơ thể giải phóng một lượng ma túy nội sinh (endorphin) khiến bạn sảng khoái, yêu đời và các triệu chứng đau cứ gọi là hô biến. Tất cả những yếu tố trên cộng với một không khí gia đình đầm ấm, yêu thương, một tình bạn hiểu biết và chia sẻ, là thần dược chữa trị “hội chứng khó chịu của phụ nữ khi có chu kỳ”.
Nếu bạn lỡ làm biếng thì có thể mời kỹ thuật viên đến massage toàn thân cũng làm dịu thần kinh, và các triệu chứng khó chịu phần nào tan biến. Mong các đấng mày râu hiểu biết về phụ nữ để chia sẻ, thông cảm yêu thương phái đẹp nhiều hơn và đừng cho là chị em “lên cơn” bất tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận