Uber sẽ phải rời Đông Nam Á sau khi bán lại cho Grab - Ảnh: TL
Theo quy định của Bộ Công thương, trước ngày 3-4, phải phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại của Grab và Hợp đồng Grab mua lại Uber Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trưa ngày 3-4, trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác nhận cơ quan này vẫn chưa nhận được báo cáo về thương vụ này.
Ông Tuấn cho biết, Bộ Công thương đang tiếp tục làm văn bản nhắc nhở phía Grab nghiêm túc chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ (chiều ngày 2-4), ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết mặc dù Grab và Uber thực hiện việc mua bán ở nước ngoài tuy nhiên do hoạt động tại Việt Nam nên vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật sở tại.
Luật Cạnh tranh 2004 quy định, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng đến mức độ cạnh của thị trường sẽ bị hạn chế.
Cụ thể, nếu thị phần sau khi Grab mua Uber trên 30% thì doanh nghiệp phải gửi báo cáo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán.
Trường hợp thị phần sau sáp nhập trên 50% thì thương vụ sẽ thuộc diện bị hạn chế, trừ trường hợp miễn trừ mới được phép.
"Sau khi nhận được báo cáo của Grab, Bộ Công thương sẽ có cơ sở đánh giá quá trình mua bán ở mức độ nào, có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không? Việc mua bán có được phép hay không. Trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho lái xe và người dùng Việt Nam", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một luật gia xin giấu tên cho biết, về lý thuyết cơ quan quản lý Việt Nam có quyền yêu cầu phía Grab báo cáo về thương vụ, đồng thời, phía Grab phải có nghĩa vụ báo cáo lại.
Theo vị chuyên gia này, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng có quyền tiến hành điều tra độc lập, yêu cầu Grab hợp tác nếu xét thấy thương vụ trên có dấu hiệu độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh.
"Cơ quan quản lý nhà nước có quyền đưa ra các quyết định hành chính. Nếu thấy không hợp lý, doanh nghiệp có quyền khởi kiện", vị này nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức của công ty BASICO, hiện nay cả Grab và Uber đều không có trụ sở chính ở Việt Nam, vì vậy trong quá trình điều tra chỉ những hoạt động kinh doanh nào có liên quan tới VN, cơ quan quản lý mới có quyền yêu cầu phía họ hợp tác.
Đặc biệt, nếu điều tra có kết quả, theo ông Đức, Việt Nam cũng khó có cơ sở đưa ra kết luận thương vụ mua bán giữa Grab và Uber có vi phạm Luật Cạnh tranh.
"Nhiều cái chúng ta đang còn lúng túng như định danh Grab, Uber tại Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, là hãng taxi truyền thống hay chỉ là dịch vụ kết nối vận tải theo hợp đồng. Vì vậy, việc xem xét xác định thị phần và quy mô doanh thu của 2 công ty này vẫn chưa có cơ sở", ông Đức nói.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp tạm thời cho Uber và Grab, yêu cầu hai công ty này không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận