04/06/2024 20:56 GMT+7

Đến Chèo méo, triển lãm của trẻ tự kỷ, để được ôm

Triển lãm những tác phẩm của trẻ tự kỷ đang diễn ra tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội không chỉ lạ ở cái tên ‘Chèo méo’, đến đây, người xem còn được khám phá bao điều lạ lùng khác như được ôm, được thử làm diễn viên ballet.

Người lớn, trẻ con thích thú đến với triển lãm Chèo méo để được ôm - Ảnh: Tòhe

Người lớn, trẻ con thích thú đến với triển lãm Chèo méo để được ôm - Ảnh: Tòhe

Đây là triển lãm nằm trong khuôn khổ chương trình nâng cao nhận thức về phổ tự kỷ do Tòhe tổ chức thường niên từ nhiều năm nay.

Về cái tên lạ của triển lãm, nhà tổ chức cho biết "Chèo méo" là phiên âm tiếng Việt của âm thanh mà một bạn trẻ tự kỷ phát ra tại lớp thực hành nghệ thuật ở Tòhe.

Chèo méo giới thiệu tác phẩm của 18 em có hội chứng tự kỷ, một em thể chậm phát triển, cùng sự đồng hành của bốn cô giáo lớp đào tạo nghệ thuật chuyên sâu Tòhe, gia đình các em và giám tuyển Trịnh Ngân Hạnh.

Triển lãm gồm đa dạng các loại hình, từ tranh vẽ, sắp đặt, video, sách ghi lại các cuộc phỏng vấn với bố mẹ của những em có hội chứng tự kỷ…

Triển lãm thu hút nhiều người xem, cả người Việt và khách du lịch nước ngoài - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm thu hút nhiều người xem, cả người Việt và khách du lịch nước ngoài - Ảnh: T.ĐIỂU

Những kỳ lạ đẹp đẽ trong thế giới của trẻ tự kỷ

Chèo méo không chinh phục người xem bởi những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mà nó nuôi dưỡng trong tình cảm của người xem rất nhiều sự sẻ chia, thấu hiểu và yêu thương dành cho những điều khác biệt.

Mỗi tác phẩm được trưng bày không đơn thuần là một tác phẩm của trẻ tự kỷ, mà hơn hết chúng chia sẻ với cộng đồng về thế giới của người tự kỷ, những đặc tính của họ, những khó khăn của họ khi là những người khác biệt, tâm hồn trong trẻo của họ, những vất vả mà cha mẹ các em tự kỷ đang phải gánh…

Người xem được bước vào khám phá vô vàn những điều kỳ lạ đẹp đẽ trong thế giới của người tự kỷ.

Đó là cậu bé Vũ Nhật Tiến - cậu bé có mối quan tâm đặc biệt tới công an. Gần đây, tất cả bức tranh mà Tiến vẽ đều có mặt của công an, bất kể em đang vẽ chủ đề gì.

Thì ra là do việc vẽ những nhân vật yêu thích giúp em tập trung hơn và giảm căng thẳng.

Trong bức tranh của Tiến bày ở triển lãm, Tiến dường như vẽ những quân lính thời phong kiến xa xưa đang đi trên cánh đồng bát ngát, nhưng lại xen kẽ rất nhiều chú công an của thời đương đại.

Trong khi đó Đinh Đăng Long lại "chung thủy" với niềm đam mê với logo các kênh truyền hình.

Triển lãm năm 2023, Đăng Long xuất hiện với tác phẩm sắp đặt là một chiếc giường đầy logo các kênh truyền hình mà Long ghi nhớ và vẽ.

Năm nay là các bức tranh Long vẽ người thân, nhiều trong số tranh ấy xuất hiện những logo của các kênh truyền hình.

Phạm Đức Việt khi vẽ tranh thì từng nét bút đặt xuống đòi hỏi phải có sự chính xác cao. Nếu có chi tiết nào không vừa ý em sẽ đánh dấu X vào đó.

Việt đã được cô giáo yêu cầu sửa những dấu X thành những bông hoa. Kết quả là thay vì những bức tranh đầy dấu X của sự không hài lòng là những bức tranh đầy những bông hoa nhỏ xíu xinh xắn được bày triển lãm cho mọi người cùng ngắm.

Việt hay thổi phù phù khi bị người khác đụng phải. Ba tác phẩm của Đức Việt trong triển lãm được đặt luôn theo thanh âm quen thuộc này. Một cái tên nghe thật "chữa lành".

Nhân viên của Tòhe (trái) giúp một vị khách nước ngoài trải nghiệm đi trên đôi guốc đặc biệt như cách mà một số trẻ tự kỷ đi - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhân viên của Tòhe (trái) giúp một vị khách nước ngoài trải nghiệm đi trên đôi guốc đặc biệt như cách mà một số trẻ tự kỷ đi - Ảnh: T.ĐIỂU

Xem tranh và được… ôm

Tại triển lãm Chèo méo, không chỉ có những bức tranh ôm lấy bạn, mà còn có hẳn hình nhân nhồi bông ôm bạn thực sự.

Tác phẩm là tác phẩm sắp đặt do Mai Chi sáng tạo từ những bức Nguyễn Khánh Huyền vẽ những cái ôm của hai cô trò.

Mai Chi cho biết, trong bảy tháng đồng hành cùng Khánh Huyền tại lớp vẽ, cô nhận ra Huyền rất thích những cái ôm ghì chặt và sử dụng rất thường xuyên từ "ná" giống như từ "nhé" mà mọi người dùng, như "vui ná", "vẽ ná", "ôm ná"…

Khách nước ngoài trải nghiệm được ôm với tác phẩm tương tác Ná - Ảnh: T.ĐIỂU

Khách nước ngoài trải nghiệm được ôm với tác phẩm tương tác Ná - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngoài tác phẩm dán tường gồm những bức vẽ cái ôm của Khánh Huyền, Mai Chi tạo thêm một sắp đặt với vải, hình nhân nhồi bông để tương tác với người xem.

Công chúng xem triển lãm được mời gọi bước vào bên trong tác phẩm này và ngồi trong vòng tay hình nhân để được ôm ấp.

Tác phẩm tương tác Bồng bồng của Lê Tú Anh thì mời gọi người xem tháo giày ra, xỏ chân vào những đôi guốc gỗ bọc vải được thiết kế đặc biệt, để được trải nghiệm đi lại hết sức chênh vênh rất khó giữ thăng bằng như cách mà một diễn viên ballet tập đi trên những đầu ngón chân…

Tác phẩm của Lê Thùy Dung - Ảnh: T.ĐIỂU

Tác phẩm của Lê Thùy Dung - Ảnh: T.ĐIỂU

Đây chính là cách mà một số trẻ tự kỷ hay làm. Chứng rối loạn tiền đình ở một số trẻ tự kỷ khiến các em thích đi nhón nhón trên những đầu ngón chân, có bạn thì nhảy lên liên tục, có bạn thì như đang lướt trên mặt sàn.

Các tác giả muốn mọi người hãy một lần đi như cách mà một số trẻ tự kỷ đi, nhìn kỹ vào thế giới của người tự kỷ, để hiểu hơn về thế giới khác lạ của các em, để rộng lòng yêu thương với những điều khác biệt vẫn hiện diện rất nhiều bên chúng ta.

Đến Chèo méo, triển lãm của trẻ tự kỷ, để được ôm- Ảnh 9.
Đến Chèo méo, triển lãm của trẻ tự kỷ, để được ôm- Ảnh 10.

Từ trái qua: Tác phẩm của Văn Minh Đức và Trần Nguyên Bình - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong thế giới của những khác biệt dễ thươngTrong thế giới của những khác biệt dễ thương

Giống như nhiều triển lãm tranh của những em có hội chứng tự kỷ khác, triển lãm "Nhiều hơn một ánh nhìn" đang diễn ra tại Complex 01 (quận Đống Đa, Hà Nội) mang đến cho người xem những khám phá bất tận...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên