TTCT - Du khách tới Ai Cập hầu như ai cũng muốn mua ít nhất một bức tranh Papyrus làm kỷ niệm. Nhưng khả năng bị mua phải tranh Papyrus in bằng máy hàng loạt trên bẹ chuối khô, vỏ bắp (ngô) là rất cao... Papyrus (Cyperus Papyrus) là tên loài cói giấy (giống thủy trúc) mọc nhiều bên bờ sông Nile. Trong điều kiện khí hậu thích hợp, cây này có thể cao tới 5m và đường kính thân là 5cm. Ngoài kỹ thuật làm giấy đã có từ thời Ai Cập cổ đại, người ta còn dùng cây này để đan lát và làm thuyền. Tên của loại giấy làm từ thân cây cói giấy thực ra là Pa-Per-aa, Pa nghĩa là sở hữu, Per-aa nghĩa là Pharaoh, mang nghĩa rằng chỉ có vua mới là người được sở hữu loại giấy này. Tên Papyrus là do người Hi Lạp đọc trại đi, và từ “paper” trong tiếng Anh, “papier” trong tiếng Đức cũng có nguồn gốc từ đây. Những bức tranh luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Nguyễn Thu Hậu Giấy của sự chết Cuộn giấy Papyrus không có chữ được tìm thấy lần đầu trong một lăng mộ thuộc vương triều thứ 1 (khoảng 3.000 năm trước CN). Cuộn giấy Papyrus có chữ tượng hình đầu tiên có niên đại của vương triều thứ 4. Tại khu vực kim tự tháp Saqquara (khoảng 2.400 năm trước CN), chúng tôi đã nhìn thấy một phù điêu chạm khắc hình hai người đàn ông đang xẻ thân cây Papyrus để làm giấy. Và trong một xưởng sản xuất chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến quy trình làm giấy Papyrus. Quy trình làm giấy được truyền lại cho thế hệ sau Trước hết người ta tước lớp vỏ xanh bên ngoài của thân cây, sau đó xẻ phần ruột trắng thành những sợi mỏng dài, đập giập và ngâm trong nước. Thời gian ngâm từ 3-7 ngày, càng ngâm lâu giấy càng sẫm màu. Những sợi dài được vớt ra sau khi ngâm và đặt chồng ngang dọc, lồng vào nhau giống như ta đan một tấm nan tre. Dùng một chiếc búa lớn người ta đập những sợi cói thật mỏng để chất keo trong sợi cói tiết ra như một chất kết dính thành một tờ giấy phẳng. Tấm giấy này sau đó được ép nhiều ngày dưới một phiến đá nặng và sau cùng họ dùng một con lăn nặng đè qua tờ giấy giúp cho bề mặt được nhẵn hoàn toàn. Giấy này xưa được sản xuất dùng cho các ghi chép được đóng thành cuốn “Tử thư” (Book of Death) gồm những chỉ dẫn và hình vẽ cho các Pharaoh về những điều cần làm trong cuộc sống sau cái chết. Cây Papyrus và cách làm giấy này chỉ được khôi phục vào năm 1969 nhờ nhà khoa học Dr. Hassan Ragab, người đã mang cây Papyrus từ Sudan về Ai Cập trồng ở gần Cairo, nghiên cứu và từ đó cách làm giấy Papyrus tưởng thất truyền đã được khôi phục. Người Ai Cập cổ đại dùng cọ sậy để viết chữ tượng hình, nhìn hình dáng cũng tương tự như bút lông thời nay, cho phép thay đổi độ đậm nhạt của nét. Họ dùng bột than đốt từ gỗ trộn cùng nước và dầu cây keo (Acacia) để viết lên giấy Papyrus. Những màu sắc dùng trên các trang viết của Book of Death trên giấy Papyrus là những pigment có từ đất hoặc đá tự nhiên vùng sa mạc, thường gặp là đỏ, đen, trắng, xanh lá, xanh trời và vàng đất. Màu xanh trời đặc trưng đến nay vẫn có tên là xanh Ai Cập được hình thành từ cát thạch anh, đồng từ đá malacite, calcium oxide và natron, là những chất có trong nguồn nước của Ai Cập. Người Ai Cập cũng chế ra được pigments màu xanh lá mà nay ta gọi là Acient green bằng cách kết hợp xanh Ai Cập với màu vàng đất. Màu vàng đất hình thành nhờ sự kết hợp giữa các loại đá chứa chất sắt, bao gồm đất sét và silica. Còn họa sĩ ngày nay có thể sáng tác bằng mọi chất liệu như bột màu, sơn dầu, màu nước, mực... trên giấy Papyrus. Giải thích cách làm giấy Papyrus. Ảnh: Đông Thuỷ Cuộc chơi của du khách Nếu như xưa kia người Ai Cập cổ đại chủ yếu viết chữ tượng hình (mà trên thực tế cũng là vẽ) trên giấy Papyrus với nội dung là những câu bùa chú, những lời dặn dò cho người chết về cách ứng xử trong thế giới vĩnh hằng, thì ngày nay tranh Papyrus chủ yếu dành cho khách du lịch. Môtip của những tranh này thường mô phỏng những tác phẩm chạm khắc, những bức tranh tường nổi tiếng trong các lăng mộ của các Pharaoh, các vị thần cùng những linh vật tượng trưng cho họ, các biểu tượng theo đức tin của người Ai Cập cổ đại, hay trích đoạn những câu chuyện theo truyền thuyết Ai Cập... Tranh Papyrus cổ có bố cục khá chặt, ở một số bức tranh, bố cục nhiều tầng và cách tạo hình cơ thể, những động tác của nhân vật, vị trí các linh vật... đã tạo nên nhịp điệu khá sinh động cho tranh. Những họa tiết gạch ngang, chéo, chấm và nhiều chi tiết trên quần áo, tóc, thân thể nhân vật cũng khá tinh tế khiến bức tranh Papyrus cổ dù kiệm màu vẫn mang tính trang trí cao. Chúng tôi ít nhìn thấy sáng tác mới với những chủ đề hiện đại của các họa sĩ ngày nay trên giấy Papyrus tại các gallery hay bảo tàng. Tại phòng tranh thuộc các xưởng sản xuất giấy Papyrus mà chúng tôi có dịp ghé thăm, môtip phần lớn là truyền thống. Họa sĩ thời nay sử dụng nhiều màu sắc và chất liệu hơn, nhưng phần lớn vẫn là bột màu, bởi đặc tính trơn láng, dễ dàn trải, trong và ít pha tạp trong hòa sắc của nó. Du khách tới Ai Cập hầu như ai cũng muốn mua ít nhất một bức tranh Papyrus làm kỷ niệm. Nhưng khả năng bị mua phải tranh Papyrus in bằng máy hàng loạt trên bẹ chuối khô, vỏ bắp (ngô) là rất cao, nhất là khi bạn mua tại những cửa hàng nhan nhản tại các điểm du lịch. Để phân biệt được tranh giả, tranh thật là rất khó và không có nhiều tiêu chí để có thể dựa vào.■ Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu bạn thực sự muốn sở hữu một bức tranh Papyrus thật vẽ bằng tay, nên lưu ý tới những điều sau: Chỉ mua tại các tiệm uy tín, khi bán có giấy chứng nhận, dấu in trên tranh hoặc/và có chữ ký của họa sĩ (gần Bảo tàng Ai Cập có một số cửa hiệu bán giấy thật). Hai tiêu chí cơ bản nhất khi chọn một tác phẩm nghệ thuật Papyrus là chất lượng giấy và chất lượng tranh vẽ. Giấy Papyrus thật thường nặng, chắc, dai và đục. Giấy Papyrus thật loại sáng màu vẫn có nhiều sắc độ của màu nâu và khi soi lên ánh sáng có thể nhìn rõ xớ giấy. Những sợi Papyrus nếu được ngâm lâu tới một tháng và ép trong hai tháng sẽ cho ra loại giấy màu nâu sậm, có những đường xơ ở cạnh viền giấy, trông rất cổ và cũng mắc tiền hơn giấy sáng màu. Kể cả giấy Papyrus thật cũng có rất nhiều loại chất lượng khác nhau. Loại tốt nhất là giấy làm từ lõi trong cùng của thân Papyrus. Cách làm giấy khác nhau cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấy. Cách làm thứ hai là đặt toàn bộ các sợi theo chiều ngang rồi theo chiều dọc, chứ không đan qua đan lại giống như cách nêu bên trên. Cách này tạo ra một mặt giấy mịn và phẳng hơn, được các họa sĩ ưa thích hơn. Tranh cao cấp nhất là tranh vẽ tay hoàn toàn trên giấy Papyrus thật. Nhưng ngày nay nhiều người cũng dùng máy in nét lên, rồi sau đó mới vẽ. Những tranh in trên giấy “dỏm” là loại phổ biến nhất và rẻ tiền nhất, thường không sắc nét, nhìn dại và màu in có thể bong ra từng mảng. Tranh thật vẽ tay có giá từ vài chục tới vài trăm hoặc vài ngàn USD tùy kích cỡ. Tags: Giấy PapyrusTranh Papyrus
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng mở cửa 7 ngày Tết cho người dân vào tham quan KHẮC TÂM 27/01/2025 Đây là Tết Nguyên đán thứ ba liên tiếp, Trụ sở UBND tỉnh Sóc Trăng được trang trí đẹp với nhiều tiểu cảnh bắt mắt để người dân vào tham quan, chụp hình.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.