Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ngày 1-5, các tổ làm đền bù cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn xuống địa bàn các phường Phước Tân, Tam Phước họp dân, công khai đơn giá đền bù đất, tài sản trên đất để ghi nhận tâm tư ý kiến của người dân.
Ăn cơm hộp, làm việc xuyên lễ
Để thực hiện "chiến dịch" 30 ngày đêm theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Quế - phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai - cho biết: Những ngày nghỉ lễ, nghỉ bù, nhân viên của ban cùng các sở ngành, chính quyền địa phương vẫn làm làm việc xuyên suốt.
Trong ngày 1-5, các tổ công tác vẫn đang thực hiện các công việc quy chủ, đối soát thực địa, niêm yết, công khai phương án đền bù, xử lý sai lệch bản đồ, ranh giới, xác nhận nguồn gốc đất, thẩm định, lập phương án bồi thường...
Ông Quế cho hay trong những ngày qua, các tổ công tác vẫn bám trụ đi thực địa bất kể trời nắng nóng để kiểm tra dữ liệu đất đai tại hai phường Phước Tân, Tam Phước, nhằm khẩn trương thu hồi đất làm dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu như chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
"Anh em tập trung ở khu vực dự án, tranh thủ làm việc. Đến giờ ăn thì ăn cơm hộp, rồi tranh thủ làm việc tiếp để tận dụng thời gian", ông Quế chia sẻ.
Trước 30-6 phải phê duyệt được phương án bồi thường
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã phát động chiến dịch 30 ngày thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn, trong đó có dự án trọng điểm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ông Võ Tấn Đức, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết việc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm chính thuộc người đứng đầu chính quyền các cấp.
Để việc tổ chức thực hiện hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị liên quan.
Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu đến ngày 20-5-2024 phải thực hiện được việc "lấy ý kiến người dân trong khu vực có đất thực hiện dự án" cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và "niêm yết công khai về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư".
Đến trước ngày 30-6-2024 phải phê duyệt được phương án bồi thường, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Thời gian giao mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa cũng là cột mốc UBND tỉnh Đồng Nai cam kết với Thủ tướng Chính phủ, sau khi bị phê bình giải phóng mặt bằng quá chậm.
Theo ông Đức, trong 'chiến dịch' 30 ngày đêm cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho chính quyền và các đơn vị liên quan lộ trình thực hiện.
Cụ thể, trong tháng 5-2024, phải hoàn thành các công việc như kiểm đếm, thống kê nhà ở, tài sản gắn liền với đất, xác nhận nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp… Sau đó, lấy ý kiến người dân, niêm yết công khai phương án bồi thường.
Tương tự, đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn huyện Long Thành, có 2.238 trường hợp đã kiểm đếm cũng phải thẩm tra về nhà ở, công trình trên đất, họp dân, niêm yết công khai phương án bồi thường trước 20-5 tới…
Phải công khai khu tái định cư ở dự án cao tốc cho dân biết
Ngoài dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu trong 'chiến dịch' 30 ngày đêm, lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa tập trung nguồn lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông Cái từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản (hoàn thành việc thẩm tra về đất, nhà ở, công trình trên đất, phê duyệt phương án bồi thường…), và dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa để có mặt bằng thi công cầu Thống Nhất.
Tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối để theo dõi chung tiến độ thực hiện tại các dự án. Hằng tuần, phải rà soát lại tiến độ khối lượng công việc đã hoàn thành để tính tiếp công việc cho tuần tiếp theo.
UBND tỉnh Đồng Nai lưu ý "phải xác định cụ thể các khu tái định cư được bố trí cho từng dự án để công khai đến người dân phải di dời biết". Trước ngày 1-5-2024 phải xây dựng được phương án bố trí tạm cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận