18/04/2023 13:45 GMT+7

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 8: Lên Bamyan, chiêm bái Phật tích bị Taliban bắn phá

Như những người hành hương thành tâm, chúng tôi xúc động lẫn xót xa đến ngây người khi đứng trước dãy núi đá ở thung lũng Bamiyan miền trung Afghanistan và tận mắt thấy tàn tích hai tượng Phật khổng lồ trên con đường tơ lụa cổ đại ngàn xưa.

Trẻ em địa phương trước tàn tích tượng Phật khổng lồ 1.500 tuổi ở Bamiyan đã bị Taliban bắn phá - Ảnh: L.K.G.

Trẻ em địa phương trước tàn tích tượng Phật khổng lồ 1.500 tuổi ở Bamiyan đã bị Taliban bắn phá - Ảnh: L.K.G.

Dọc ngang những cung đường lịch sử

Thật vui khi các công chức ở Bộ Thông tin và Văn hóa nhiệt tình giúp đỡ để đơn của chúng tôi được ký, đóng dấu qua nhiều cấp. 

Sau đó, chúng tôi phải đi đến phòng quản lý du lịch ở quận khá xa trung tâm, nơi cuối cùng có trách nhiệm cấp giấy thông hành với phí hành chính "rất mềm" là 300.000 đồng/du khách, cho phép du lịch đến nhiều thành phố cụ thể như Bamiyan, Mazar-i-Sharif, Kunduz... Mỗi nơi này đều có chi nhánh văn phòng du lịch để chúng tôi liên hệ hướng dẫn viên.

Chúng tôi lập tức đổi thêm tiền cho hành trình cả ngàn km dọc ngang Afghanistan phía trước. Bạn đỏ mắt tìm trụ rút tiền ATM ở Kabul, song bù lại, việc đổi tiền trực tiếp lại cực kỳ thuận tiện "trong vòng 1 nốt nhạc" ngay trên hè phố. 

Tại nhiều tủ đổi tiền "dã chiến" lề đường, cứ mỗi tờ 100 USD bạn đưa là người đổi tiền đếm loẹt xoẹt trả lại 8.800 AFN cho khách nhét túi tiêu xài. Tiền giấy ở Afghanistan đa số đều rất cũ, rách nát, vá víu nhưng người dân vẫn lưu hành khắp chốn. 

Đầu năm 2023, ngân hàng trung ương nước này bắt đầu lần lượt đưa vào thị trường 100 triệu AFN tiền mới tinh do một công ty của Ba Lan thầu in tiền, gồm đủ loại tiền 10, 20, 50 và 100 AFN để thay thế bớt tiền nát.

Chặng đường từ thủ đô Kabul đi lên tỉnh Bamyan dài 176km tuyệt đẹp với cảnh quan địa hình, địa chất trong tầm mắt ngoài cửa kính xe thay đổi liên tục. 

Trời tối, xe đến thành phố Bamiyan ở độ cao khoảng 2.550m so với mực nước biển và dân số chỉ tầm 100.000 người. Đây là một tỉnh có tư duy rất cởi mở khi ở thời chính quyền cũ từng có thống đốc Habiba Sarabi - người phụ nữ duy nhất làm lãnh đạo một tỉnh trong số 34 tỉnh trên toàn quốc.

Bác tài dừng lại tại một nhà trọ bình dân kiêm nhà ăn ngay bến xe. Hơn 22h là đèn đóm ở đây tắt phực vì cúp điện cho tới 18h hôm sau. 

Đành chịu, chúng tôi tranh thủ ngủ vùi trong giá lạnh để sáng mai có sức đi sâu vào thung lũng nghìn năm Bamyan - được UNESCO công nhận là Di sản thế giới kể từ ngày 11-3-2003.

Cận cảnh tàn tích tượng Phật 38m ở di sản Bamyan hiện nay - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Cận cảnh tàn tích tượng Phật 38m ở di sản Bamyan hiện nay - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Chiêm bái Thánh tích Phật

Từ con phố trung tâm thành Bamiyan, chúng tôi cuốc bộ vài cây số thì dãy núi đá sa thạch màu vàng sẫm hiện ra trên nền trời xanh biếc, sừng sững và tuyệt mỹ. Trên vách đá, những hốc lốm đốm được khoét sâu chính là các tu viện có từ 1.500 năm trước trường tồn đến nay. 

Tôi không khỏi thắc mắc vì sao ở một quốc gia theo Hồi giáo tới 99,7% như Afghanistan lại có những tàn tích di sản vật thể và phi vật thể Phật giáo cổ xưa đang hiện ra ngay trước mắt mình?

Cho đến thế kỷ thứ 9, Bamiyan là một đô thị Phật giáo thịnh vượng. Nét đẹp và sự hiện diện kỳ vĩ của tượng Phật được lưu lại trong các văn bản cổ xưa. 

Nhiều bức tượng Phật được chạm khắc vào các mặt của vách đá, trong đó hai bức tượng nổi bật nhất là tượng Phật đứng hướng đông cao 38m mà dân địa phương gọi là Shahmama. 

Tượng Phật đứng hướng tây cao 53m tên Salsal, nghĩa là "ánh sáng xuyên vũ trụ" - một thời là tượng Phật khắc đá cao nhất thế giới. 

Cả hai được xây dựng vào khoảng năm 570 và 618 sau CN, đều đẽo trực tiếp sâu vào lòng sa thạch theo phong cách điêu khắc cổ điển của dòng nghệ thuật cổ đại Gandhara và mất vài thập niên để hoàn thành.

Khi chui vào các cầu thang nhỏ hẹp được đục ẩn sâu bên trong lòng vách đá để leo lên cao, tôi còn thấy một vài dấu tích hoa văn, bích họa trang trí màu còn sót lại trên các bức tường, trong các hốc cheo leo lớn nhỏ.

Khi đứng từ các "ban công ẩn" hàng chục mét trên cao để đưa tầm mắt nhìn ra không gian Bamyan xa thẳm với cánh đồng cỏ khô, phế tích bụi mù và cuối cùng là những dãy núi tuyết hùng vĩ ngoạn mục, lòng du khách bỗng dậy lên niềm cảm phục khó tả cho bàn tay, khối óc, sự nhẫn nại của người xưa đã biến vách đá vô tri này thành chốn tu hành, giữ đạo thiêng liêng có một không hai.

Vào tháng 3-2001, chính quyền Taliban ra lệnh phá hủy hai biểu tượng của tôn giáo lẫn nghệ thuật này bằng chất nổ, mìn và đạn pháo, xóa sạch những khối đá, thạch cao, bùn rơm và vữa còn lưu lại trên hai tượng Phật nghìn năm, khiến dư luận thế giới rúng động, lên án mạnh mẽ, song sự đã rồi. 

Tôi cũng thấy trên vách đá Bamyan một tượng Phật ngồi vị trí nằm giữa và nhỏ hơn hai tượng chính cũng đã biến mất, chỉ còn tàn tích dạng hốc đá lõm sâu vào trong.

Dù đã đọc và biết khá nhiều thông tin, hình ảnh trước đây, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi cảm giác đau xót, tiếc nuối khi đứng trước tàn tích tượng Phật nghìn năm bị hủy hoại này. 

Có một khu vực có mái che người ta thu gom nhiều phiến đá, mảnh vỡ to nhỏ còn sót lại từ vụ phá hủy hai tượng Phật hơn 20 năm trước, chúng tôi đi ngang qua nhìn càng xót xa hơn.

Một phế tích cổ xưa bị tàn phá ở Bamyan Ảnh TRUNG NGHĨA

Một phế tích cổ xưa bị tàn phá ở Bamyan Ảnh TRUNG NGHĨA

Buổi sáng hôm đó, chúng tôi thấy một số người địa phương chơi cưỡi ngựa, nhiều người đi ngang chào hỏi vui vẻ. Abdul, một người ăn mặc lịch sự, nhiệt tình tiếp chuyện du khách bằng tiếng Anh trước tàn tích tượng Phật Salsal 53m, bày tỏ sự tiếc nuối và lắc đầu than thở "không biết bao giờ bức tượng mới được phục hồi nguyên trạng". 

Có lẽ mong đợi thiết thực hơn là chính quyền đương nhiệm trân trọng những gì còn sót lại của quần thể di sản này, có biện pháp bảo vệ khỏi cướp bóc, hoang tàn. Phần còn lại, hãy để lịch sử cất lên tiếng vọng thời gian...

Đến quần thể di tích Bamiyan, chúng tôi mua chiếc vé tham quan giá 300 AFN (80.000 đồng) từ Phòng Thông tin và Văn hóa.

Từ hai thập niên qua, rất nhiều nguồn lực, kinh phí từ trong và ngoài Afghanistan đã được sử dụng để khôi phục và bảo vệ khu vực di tích được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới đang bị đe dọa này.

Không chỉ có hai tàn tích tượng Phật nổi tiếng và quần thể tu viện cổ độc đáo trên vách đá sa thạch, chúng tôi còn thấy thung lũng chứa những tòa thành kiên cố từ thế kỷ 6-10 sau CN với kho đồ vật cổ đã khai quật. Có cảm tưởng nơi đây, chỗ nào cũng vang vọng dấu ấn hoài niệm tịch dương.

Những phát hiện khảo cổ học ngày nay cho thấy nền văn minh đô thị ở Bamyan bắt đầu từ năm 3000 trước CN và làn sóng bộ lạc bán du mục di chuyển qua đây sau năm 2000 trước CN. Lịch sử cũng truyền rằng nhà sư Huyền Trang của Trung Hoa cổ đại từng ghi chép rằng các tu viện Phật giáo đã xuất hiện trên dãy núi đá Bamyan từ thế kỷ 3-5.

Nằm dọc theo tuyến thương mại nổi tiếng Con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc, Trung Á và châu Âu, khu vực này thường xuyên có nhiều thương gia đi qua.

--------------------------

Từ Bamiyan lãng mạn tuyết rơi đến Mazar-i-Sharif đền đài xanh như ngọc rồi Kunduz thảo nguyên mênh mông, Afghanistan như một nàng công chúa xinh đẹp nhưng quá khứ chịu nhiều đau khổ và tương lai vẫn khó định.

Kỳ cuối: Du lịch Afghanistan góp xóa đói giảm nghèo?

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 7: Người Việt lang thang chiến địa AfghanistanĐến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 7: Người Việt lang thang chiến địa Afghanistan

Bị bắt, lục tung đồ đạc khi nhập cảnh vì visa không thuộc phe đương quyền cấp. Được hộ tống chở đi thẩm vấn. Bị nhốt và cho xem các đoạn clip tra tấn. Được mời dùng bữa trà bánh ngon ngọt và ân cần tiễn biệt...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên