Camille Huyền cất tiếng hát thơ trong khu vườn Bến Xuân - Ảnh: MINH TỰ
Nhà hát được đặt tên là Bến Xuân, và người nữ chủ nhân của nhà hát ấy là nghệ sĩ Camille Huyền.
Đêm ấy, Bến Xuân tổ chức chương trình Hòa nhạc Mùa Xuân "Cho Huế mãi xanh và dòng Hương mãi sạch", hát thơ Hàn Mặc Tử và hòa nhạc Đông Tây cổ điển, với sự có mặt của nghệ sĩ piano đến từ nước Nga - Vassily Shcherbakov - giáo sư của Nhạc viện Tchaikovsky ở Moscow, cùng các nghệ sĩ của Học viện âm nhạc Huế.
Mảnh sân hình bán nguyệt cạnh bờ sông Hương trở thành một nhà hát ngoài trời, và ngôi nhà rường cổ kính với hai vọng lâu phía sau tạo thành một sân khấu hòa nhạc quá đẹp. Không gian gợi nhớ đến thú chơi ca nhạc cổ của giới tao nhân mặc khách xứ Huế một thời.
Nghe Camille Huyền Hát thơ Hàn Mạc Tử ở Bến Xuân - Video: MINH TỰ
Có mặt tại Bến Xuân không chỉ có các nghệ sĩ âm nhạc, thi ca xứ Huế mà cả giới kinh doanh du lịch, giảng viên và sinh viên. Ông chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có mặt và vui mừng khi có một chương trình hòa nhạc đưa hẳn một slogal lên đầu: "Cho Huế mãi xanh và dòng Hương mãi sạch".
Nhà phê bình văn chương Đặng Tiến từ Pháp về cũng có mặt ở Bến Xuân để phát biểu mở đầu cho chương trình thơ - nhạc sang trọng này. "Được có mặt và đứng trước những người tao nhân mặc khách xứ Huế để nói về thơ Hàn Mặc Tử là một hân hạnh đối với tôi!" - ông Đặng Tiến nói.
Đêm nay, Camille Huyền đã trở thành "người trăng" - Ảnh: MINH TỰ
Camille Huyền rất mê thơ Hàn Mặc Tử - nhà thơ siêu thực hàng đầu Việt Nam, một thi nhân có nhiều duyên nợ với xứ Huế. Đêm nay, Camille Huyền hát bốn bài thơ của Hàn Mặc Tử "đậm đặc trăng".
Cô chia sẻ rằng thi sĩ ngày xưa dường như ai cũng viết về trăng, nhưng trăng của Hàn Mặc Tử thì khác hẳn, nó vừa thơ mộng vừa rất kỳ lạ, như một nỗi ám ảnh khủng khiếp. "Ở trên kia, có một người/Ngồi bên sông Ngân giặt lụa chơi/Nước hoá thành trăng, trăng hóa nước…". Camille Huyền cũng hóa thành trăng khi cô cất giọng hát "liêu trai" của mình.
Thơ Hàn Mặc Tử do Camille Huyền soạn nhạc theo giai điệu cổ điển Tây phương, hát trên nền piano của nghệ sĩ thượng thặng đến từ nước Nga Vasily Shcherbakov, trong một khu vườn đêm thấp thoáng những hàng cau. Một cảm xúc ngất ngây dâng ngập cả đất trời. Và dòng sông thơ nhạc cứ trôi bên dòng Hương dùng dằng như không chảy.
Ông Trương Đình Ngộ - chủ nhân của nhà hát Bến Xuân - chia sẻ rằng vợ chồng ông tổ chức những concert thế này với mong mỏi làm sống lại thú chơi tao nhã của người Huế một thời, nhưng bây giờ đã trở nên hiếm hoi. Và không chỉ người Huế chơi với nhau mà cho du khách thập phương cùng thưởng lãm, như là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế.
Thơ nhạc đã khiến khu vườn đêm trở nên huyền ảo - Ảnh: MINH TỰ
Ông Ngộ đồng thời là người đã lập ra nhóm thiện nguyện nhặt rác "Cảm ơn dòng Hương". Ông cho biết toàn bộ tiền ủng hộ của khách dự đêm thơ nhạc được sử dụng cho việc làm sạch đẹp dòng sông Hương.
Ngoài Bến Xuân - nhà hát, ông Ngộ sẽ tạo thêm một bến tắm sông Hương ở ngay vị trí làng Kim Long, để cho mỗi sáng xuân, mỗi chiều hè, người Huế cùng du khách ra đó mà bơi lội tung tăng với làn nước sông Hương mà không e ngại nước bẩn. "Khi họ đã tắm dòng sông thì tất nhiên họ sẽ bảo vệ dòng nước đó!" - ông Ngộ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận