16/10/2013 08:07 GMT+7

Đêm vượt bão...

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Trong đêm bão càn quét, những người dân ở nơi xung yếu phải tập trung về nơi trú ẩn an toàn. Ở đó có tình người chan chứa và độ lượng...

HgUehMbb.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh Hải, 56 tuổi, lượm lặt đồ đạc còn sót lại trong ngôi nhà của mình bị bão đánh sập ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Cả nhà ông có sáu người may mắn thoát chết - Ảnh: Thuận Thắng

20g ngày 14-10, ngoài trời tối đen như mực, gió rít từng cơn ớn lạnh, biển vẫn gào thét ầm ào. Căn nhà cộng đồng của khu dân cư văn hóa Kim Liên (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chật kín, nồng nặc hơi người. Bà già, trẻ con nheo nhóc, người đứng ngồi la liệt... Năm bảy người tụm nhau hóng tai bên chiếc radio để nghe tin bão.

Sống trong sợ hãi

Càng khuya, tiếng gió quật càng mạnh khi cơn bão đang đến gần. Trừ bọn trẻ đã ngon giấc, còn lại người lớn tuổi, thanh niên đều chống cằm nhìn vào bóng đen cuồng nộ rồi thở dài. Bởi hơn ai hết, người dân làng Kim Liên từng chứng kiến siêu bão Xangsane tàn phá giữa ban ngày. Cơn bão Nari được dự báo có sức tàn phá tương đương, lại đổ bộ vào ban đêm nên nỗi sợ hãi càng ghê rợn.

Khuya, ông Nguyễn Ba, bí thư chi bộ khu dân cư văn hóa Kim Liên, cầm chiếc đèn pin chạy lên chạy xuống, hết rọi ngoài sân đến soi các mái nhà. Ông Ba bảo đa số người dân đến đây là hộ nghèo, nhà tạm bợ, người già, trẻ em và phụ nữ nên mọi thứ phải tuyệt đối an toàn. Ông Ba cho biết trong hơn 200 người đến hội trường tối nay, thôn đã chuẩn bị sẵn cho họ 20 thùng mì gói, 12 thùng nước, cả chén, tô, ly uống nước cũng để sẵn đó. Các chiến sĩ biên phòng gần đó cũng mang thuốc tây và cắt cử các chiến sĩ quân y túc trực.

Ông Huỳnh Cát, 59 tuổi, ngồi lặng lẽ dưới chân cầu thang ung dung châm thuốc, đôi mắt vẫn hướng về bóng đêm dưới màn mưa gió dày đặc. Ông như tiên đoán được căn nhà nhỏ của gia đình mình sẽ không chịu được cơn thịnh nộ của đất trời lần này. “Cả đời tôi chưa chứng kiến cảnh cơn bão nào dai dẳng và khó chịu như cơn bão này. Gió quật từ 10g đêm mà dự báo đến tận 8g sáng ngày hôm sau bão mới vào. Con người sao chịu thấu!?” - ông Cát nói. Lặng lẽ ngồi ở góc nhà, vợ ông Cát gạt nước mắt khi tài sản tích cóp cuối đời của gia đình có nguy cơ chẳng còn gì sau một đêm đất trời vần vũ.

Chia mì gói, nhường chỗ nằm

Có trắng đêm cùng người dân vùng bão mới thấy hết cuộc sống nhọc nhằn của bà con nơi quanh năm nắng gió. Trong căn phòng hàng trăm người đợi bão, mọi thứ diễn ra rất nhẹ nhàng. 2g sáng, ngoài trời mưa gió không ngừng, gió mưa như xé toạc cả màn đêm hung dữ. Những tô mì gói được các cô cậu thanh niên chế nước, mời từ người già đến trẻ nhỏ khiến lòng người như ấm lại. Những chai dầu gió được chuyền tay nhau thoa chút hơi ấm cho qua đêm lạnh. Phòng vệ sinh rộng nhưng rất trơn, từng cô tình nguyện viên dìu các cụ già lom khom tay gậy lọt thọt đi vệ sinh trong đêm tối.

Nguyễn Thị Thảo, tình nguyện viên của thôn Kim Liên, mệt rã rời sau một ngày di dời dân, vẫn hồn nhiên chia sẻ: “Thấy các cụ già lui cui trong gió bão em rất thương. Cũng giống như ông bà của em ở nhà vậy thôi. Người già rất yếu, nếu mình buông tay, gió lùa kiểu này các cụ sẽ ngã khuỵu ngay...”.

Chân cầu thang ở góc nhà là nơi duy nhất ấm áp mà gió bão không thể lùa vào, cũng là nơi nhiều thanh niên chọn nằm lúc chập choạng tối. Thế nhưng khi thấy những cụ già hom hem bước vào, nhiều cô cậu đã nhường hẳn chỗ nằm của mình cho người mới đến. “Xóm ngư dân mà, nghèo nhưng thương nhau lắm. Ở đây bao đời nay là vậy, chia nhau cái đói, giúp nhau chút nghèo mới quý, khi anh giàu rồi cho nhau tiền bạc thì cũng thường thôi...” - ông Ba bí thư tự hào chia sẻ.

3WM4Sy3z.jpgPhóng to
Cụ Đặng Hoan với vết thương trên đầu - Ảnh: Đ.Cường

Trong lúc cơn bão số 11 đang quần thảo dữ dội, giữa đêm tối mịt mù, các hộ dân P.Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vội vã rời nhà tìm nơi trốn tránh bão. Giữa lúc hiểm nguy đó, ông lão gần 80 tuổi tên Đặng Hoan - người trông coi nhà thờ họ Đặng trong phường - đã tìm cách mở cửa cho các hộ dân vào trú. Đưa các hộ dân vào nhà thờ xong, ông Hoan cẩn thận kê giường nằm, chỗ ngủ một cách tươm tất với ý nguyện giúp cho họ có giấc ngủ thật sâu khi bên ngoài bão vẫn gào thét.

Càng về sáng, khi cơn bão càng lúc càng dữ dội, không yên lòng, ông Hoan cùng người con trai là Đặng Ô bắc ghế ngồi trước cửa để canh giữ cửa. Hai cha con ông còn cẩn thận dùng dây thừng neo cửa lại. Họ cố giữ cánh cửa thật vững chãi để hàng chục con người mà phần lớn là trẻ em, phụ nữ đang nằm tránh bão bên trong được yên giấc. Nhưng đến gần 4g sáng bất ngờ bão “giở chứng” giật ngược khiến cánh cửa kính đổ loảng xoảng tới tấp vào mặt mũi cha con ông Hoan. Nghe tiếng kính vỡ, các hộ dân trú bão vội thức dậy tìm cách sơ cứu cho hai cha con, đồng thời gọi điện cầu cứu chính quyền. Bão lớn gió giật từng hồi không thể di chuyển bằng xe thường được nên chính quyền địa phương phải dùng xe thiết giáp vào tận nhà thờ chở cha con ông Hoan đi cấp cứu.

Trưa cùng ngày, cha con ông Hoan lại được đưa trở lại với đầy vết thương trên đầu, tay và chân. Bị thương là vậy, nhưng ông Hoan vẫn hào sảng: “Hai cha con tui bị thương... còn hơn là để mấy chục con người toàn phụ nữ, trẻ em nguy hiểm. Bị như vậy cũng là may mắn rồi”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên