Năm 2002, bà Trần Thị Uông mua một phần căn nhà số 140/38 Phan Văn Trị (nay là 24/15 Nguyễn Khuyến, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) của ông Phùng Văn Dũng và bà Phạm Chu Trang Đài với giá 38,5 lượng vàng SJC bằng giấy tay.
Bà Uông trả trước 36,5 lượng vàng, hai bên thỏa thuận khi nào ông Dũng, bà Đài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) sẽ ra phòng công chứng ký hợp đồng mua bán, sang tên cho bà Uông, bà Uông sẽ thanh toán hết số vàng còn lại.
Năm 2003, gia đình bà Uông được UBND Q.Bình Thạnh cấp số nhà mới, đóng thuế đất và đăng ký tạm trú. Nhiều lần bà Uông nhắc ông Dũng, bà Đài ra phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở cho bà nhưng ông Dũng, bà Đài cứ hẹn lần lữa.
Năm 2010, cả gia đình bà Uông phát hoảng khi nhận được giấy mời đến TAND Q.Bình Thạnh để giải quyết về việc liên quan căn nhà đã mua. Lúc đó, gia đình bà Uông mới phát hiện ông Dũng, bà Đài không làm thủ tục sang tên cho bà Uông như đã hứa mà đem giấy chứng nhận thế chấp cho Ngân hàng TMCP Nam Á từ năm 2008 để vay 600 triệu đồng.
Ngân hàng TMCP Nam Á đã làm đơn kiện ông Dũng, bà Đài vì đến thời gian đáo hạn hợp đồng mà không có khả năng trả nợ. Bản án sơ thẩm ngày 31-3-2011 của TAND Q.Bình Thạnh chấp nhận yêu cầu của đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á, đề nghị phát mãi căn nhà để đảm bảo thi hành án. Theo án sơ thẩm, giữa ông Dũng, bà Đài và gia đình bà Uông chưa hợp thức hóa việc mua bán nhà tại văn phòng công chứng. Trong khi việc thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng của ông Dũng, bà Đài tuân thủ đúng quy trình. Vì vậy, gia đình bà Uông không đồng ý cho phát mãi căn nhà nói trên để đảm bảo thi hành án là không có cơ sở. Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên y án bản án trên.
Theo luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc ông Dũng, bà Đài đã nhận gần hết tiền của bà Uông rồi cố tình không ra công chứng làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất cho bà Uông, lại đem căn nhà này thế chấp vay tiền ngân hàng và không có khả năng thanh toán là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các luật sư cho biết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Uông nên làm đơn khiếu nại lên TAND tối cao và Viện KSND tối cao xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm, hoặc người mua nhà trực tiếp nộp đơn khởi kiện người bán nhà ra tòa án.
Luật sư Lê Phước Trung (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai): Nên cẩn thận khi mua nhà - Khi mua nhà phải xem xét hiện trạng, bản vẽ thật kỹ, kiểm tra giấy tờ nhà có bị thế chấp, cầm cố hay không. Nên đến phòng công chứng để kiểm tra thông tin căn nhà mình muốn mua có bị ngăn chặn, thế chấp..., đồng thời liên hệ UBND quận huyện nơi căn nhà tọa lạc kiểm tra thông tin nhà đất có nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa... - Nếu bước trên không có gì trở ngại thì lập hợp đồng (giấy) đặt cọc (nên đặt cọc ít) và hẹn ngày hai bên ra phòng công chứng tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng. - Sau đó tiến hành thủ tục cấp đổi, đăng bộ, cập nhật thông tin tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Khi hồ sơ được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thụ lý, cấp giấy hẹn thì phải buộc người bán giao nhà và quản lý, đừng để người bán tiếp tục ở thêm vì bất cứ lý do gì (đây là cái cớ họ không muốn giao nhà và kéo dài để ở). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận