Đêm nay, tôi sẽ mơ một giấc sáng suốt

TRỌNG NHÂN 27/12/2023 07:57 GMT+7

TTCT - Mơ thấy đang làm việc chẳng phải là cơn ác mộng hay sao, mà giờ người ta còn muốn chủ động cho nó xảy ra?

"Ý thức trong vô thức”.  Tác giả: Clare R. Johnson

"Ý thức trong vô thức”. Tác giả: Clare R. Johnson

Số người ước mình có thể tiếp tục công việc dang dở trong giấc ngủ không biết có nhiều không, nhưng một công ty có tham vọng phát triển công nghệ để biến điều này thành hiện thực.

Khái niệm "giấc mơ sáng suốt" (lucid dream) do bác sĩ tâm thần người Hà Lan Frederik van Eeden (1860-1932) lần đầu đề cập, chỉ một trạng thái mơ nhưng người ngủ vẫn biết mình đang mơ, đồng thời "lèo lái" được cả giấc mơ. 

Các nhà khoa học thần kinh ước tính khoảng 70% chúng ta sẽ trải qua giấc mơ sáng suốt ít nhất một lần trong đời. Nhưng nếu muốn chủ động mơ sáng suốt thì sao? Start-up công nghệ Prophetic (Mỹ) theo đuổi ý tưởng này.

Hồi tháng 10, Prophetic đã huy động được hơn 1 triệu USD để phát triển Halo - một chiếc mũ đội đầu, đeo vào là sẽ mơ theo ý muốn. Halo phát ra sóng âm vào vùng não chịu trách nhiệm về những giấc mơ sáng suốt, kích hoạt các phần của não đang nắm kiểm soát nhận thức và ra quyết định. Prophetic cũng hợp tác với công ty giao diện máy tính não Neuralink của tỉ phú Elon Musk để phát triển phần cứng.

Trước nay, nhiều người tin rằng giấc mơ sáng suốt có sức mạnh vô biên giúp xử lý những vấn đề phức tạp một cách sáng tạo. Những câu chuyện về các nhà khoa học, toán học và nghệ thuật lừng danh từng có những khám phá vĩ đại trong giấc mơ. Prophetic vì thế quảng bá Halo sẽ giúp người dùng theo dấu người xưa, dẫu không có phát hiện để đời thì chí ít có thể làm nốt bài tập hay công việc dang dở khi ngủ.

Đêm nay, tôi sẽ mơ một giấc sáng suốt- Ảnh 2.

Prophetic không phải là công ty khởi nghiệp đầu tiên hứa hẹn khả năng can thiệp vào những giấc mơ sáng suốt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào cung cấp sản phẩm hữu hình có thể mang lại trải nghiệm ổn định cho người dùng.

Năm 2017, các nhà khoa học từ Đại học Adelaide (Úc) thử nghiệm các cách thức để tăng xác suất xảy ra các giấc mơ sáng suốt. Một cách là khuyến khích mọi người đặt báo thức 5h sau khi đi ngủ và ngủ lại để xúc tác REM (mắt chuyển động nhanh) - một trong bốn giai đoạn của giấc ngủ. 

Cách khác là yêu cầu mọi người phải lặp đi lặp lại "lần sau tôi mơ, tôi sẽ nhớ rằng tôi đang mơ". Các thí nghiệm cho thấy 46% người tham gia có những giấc mơ sáng suốt khi tự nói với chính mình như trên, chứng tỏ rằng về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gia tăng tần suất "mơ mà không mơ".

Eric Wollberg và Wesley Berry - giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ của Prophetic - cũng là những người có nhiều tìm hiểu về thần kinh. Wollberg từ lâu theo đuổi ý tưởng sử dụng những giấc mơ sáng suốt để khám phá ý thức, trong khi Berry từng làm việc với một nhạc sĩ để chuyển các tín hiệu thần kinh thành nghệ thuật. Họ gặp nhau vào tháng 3-2023 và chính thức đưa ra ý tưởng về chiếc vòng đeo Halo.

Theo tạp chí Fortune, Halo dự kiến sẽ có giá từ 1.500-2.000 USD khi ra mắt vào năm 2025, nhưng khách hàng đã có thể đặt cọc từ bây giờ với 100 USD. Công ty cũng lên kế hoạch giới thiệu bản mẫu bán hoạt động (semi-working prototype) trong cuối năm 2023. 

Bản mẫu sẽ được thử nghiệm đầy đủ vào quý 3 hoặc quý 4-2024, sau khi kết thúc một nghiên cứu kéo dài một năm về hình ảnh não do Prophetic kết hợp với Viện não, nhận thức và hành vi Donders thuộc Đại học Radboud (Hà Lan).

Eric Wollberg so sánh công ty của mình với OpenAI, nhấn mạnh vòng đeo Halo cũng sẽ mang tới một cuộc cách mạng như ChatGPT đã gây bão trong năm 2023. Ông mạnh miệng rằng: "Prometheus đã đánh cắp lửa từ các vị thần, chúng tôi sẽ đánh cắp giấc mơ từ các nhà tiên tri". 

Nếu như vậy, giấc mơ về một giấc mơ hoàn hảo thật đáng chờ đợi. Nhưng hượm đã. Mơ thấy đang làm việc chẳng phải là cơn ác mộng hay sao, mà giờ người ta còn muốn chủ động cho nó xảy ra? Cứ chờ xem doanh số thực tế của Prophetic rồi đoán định, ấy là nếu sản phẩm thật sự ra đời.

Quảng cáo trong mơ

Năm 2020, khi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại MIT, Adam Haar Horowitz dùng một thiết bị có tên Dormio để ký gửi hình ảnh đến não bộ của người đang rơi vào trạng thái ngủ hypnagogia (nửa tỉnh nửa mê), hòng "gieo cấy" giấc mơ. Các tác giả đã thành công khi kích thích cho người ngủ mơ thấy cây cối bằng cách họ nghĩ đến những tán cây xanh trong giai đoạn hypnagogia.

Giới marketing thấy vậy thì nghĩ ngay đến chuyện thay những hình ảnh cây cối đó bằng những thông điệp quảng cáo. Năm 2021, hãng bia Molson Coors đã tiến hành thử nghiệm cho 18 tình nguyện viên xem đoạn video kỳ lạ có nhạc nền tổng hợp và hình ảnh tự nhiên xen kẽ với hình ảnh thoáng qua của lon Coors Light.

Sau đó, những người tham gia được yêu cầu đi ngủ, trong khi vẫn nghe một bản nhạc dài 8 giờ có âm thanh từ video. Mục đích quá rõ ràng: họ muốn "mồi" để những người này mơ thấy bia. Kết quả: 30% người tham gia cho biết đã thực sự thấy bia Coors trong mơ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận