22/08/2017 13:52 GMT+7

Đem Cà Mèn 'đặc sệt' quê nhà lên Sài Gòn khởi nghiệp

HỒNG LY
HỒNG LY

TTO - Từ khi quán ăn mang tên “Cà Mèn” của Nguyễn Đức Nhật Thuận mở ra cách đây gần 2 năm, con hẻm 33/44/10 đường Gò Dầu, quận Tân Phú (TP.HCM) cũng nghiễm nhiên trở thành “Hẻm Cà Mèn”.

Quán ăn nhỏ nằm tận cuối con hẻm cụt nhưng khách tìm đến ăn rất đông - Ảnh: HỒNG LY

"Ủ mưu" từ thời sinh viên

Quán ăn nhỏ của chàng trai 27 tuổi này nằm trong con hẻm cụt nhưng mọi người tìm đến ăn rất đông. Chủ quán thì nói chuyện bằng chất giọng Quảng Trị đặc sệt.

Năm 2009, Thuận đậu vào trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM. Vốn 18 năm ăn cơm nhà, lên Sài Gòn chân ướt chân ráo, khác khẩu vị, Thuận nhớ quay quắt món ăn ở quê nhưng không biết kiếm ở đâu ra.

“Khi về nhà, bà con trong xóm cứ bảo vô trong đó học được là tốt, nhưng mà làm răng để giới thiệu được sản phẩm quê hương thì còn hay hơn, nên mình có ý tưởng mở một quán ăn bán đặc sản Quảng Trị ở đây”, Thuận kể.

“Nuôi” ý tưởng này suốt thời sinh viên, trải qua một năm làm nhân viên công ty xuất nhập khẩu, tích lũy được chút vốn liếng và kinh nghiệm, Thuận mạnh dạn mở quán lấy tên "Cà Mèn". Tất cả các món ăn, nguyên liệu đều được "nhập nguyên chất” từ quê nhà Quảng Trị.

"Mình vốn là con nhà nông, ngày xưa ba mẹ đi làm, ở nhà nấu cơm mang ra đồng cho ba mẹ bằng cái cà mèn, mỗi khi nghĩ về nhà nhớ quá nên lấy đó làm tên quán, nghe vừa thân thương lại gần gũi”, Thuận vừa cười vừa kể.

Gọi là quán cho sang, nhưng thực chỉ là vài cái bàn nhỏ đặt trước mảnh sân của căn nhà Thuận đang thuê, nằm sâu trong hẻm 33 của đường Gò Dầu, quận Tân Phú.

“Lúc mới mở quán mọi người xung quanh cũng không ưa lắm, vì sợ quán có ăn nhậu gây ồn ào. Họ cũng kêu mở quán ở đây thì bán cho ai. Nhưng dần mọi người cũng quen và ghé nhiều hơn, nhiều người còn trở thành khách 'ruột' của quán. Nhiều người đặt gà, vịt sống về ăn nguyên tuần, trong xóm đa số dùng nước mắm do mình cung cấp”, Thuận tâm sự.

Có những khách hàng là đồng hương, ban đầu ghé chỉ là ủng hộ anh em, nhưng rồi ghé mãi vì tìm được một chốn để "lâu lâu thèm đồ quê thì ăn cho đỡ nhớ”.

Nguyễn Đức Nhật Thuận (bìa phải) cùng nhân viên phục vụ khi có khách đặt tiệc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cay đúng chất miền Trung

Ban đầu, Thuận chỉ kinh doanh bánh ướt, về sau nhận được sự ủng hộ của mọi người, anh mở rộng thêm gà, vịt và cả những gia vị của miền Trung như củ nén, nước mắm... Mọi thứ đều được chuyển từ quê lên qua đường hàng không hoặc xe khách. Nhờ hơn một năm làm công việc xuất nhập khẩu, Thuận có nhiều “mối quen” ở sân bay Phú Bài (Huế), việc vận chuyển hàng hóa cũng tương đối thuận lợi.

Tất cả các món ăn của Thuận cũng giữ nguyên độ cay đúng chất miền Trung. "Thường người miền Trung vào đây mở quán hay hạ bớt độ cay để khách hàng dễ ăn nhưng mình thì không. Mình muốn giữ nguyên hương vị đặc trưng. Lúc đầu nhiều người ăn không quen, nhưng vẫn ghé quán thường xuyên”.

Chú Nhật (52 tuổi, ngụ tại Q. Tân Phú, TP. HCM) cũng vì "ở nhà vẫn ăn như vậy" mà thích quán ăn này. Cùng cậu con trai ghé quán ăn thử, ban đầu hai ba con chỉ gọi một phần bánh ướt và một tô cháo vịt. Ăn xong, hai ba con kêu thêm một tô cháo vịt, còn kèm hai phần gói mang về, thêm một phần gà kho củ nén hẹn giao hàng trưa hôm sau.

“Đồ ăn lạ miệng nhưng ngon, tuy cay thiệt nhưng với chú thì không sao”, chú Nhật chia sẻ.

Trên chiếc xe máy thân quen, Thuận giao hàng ở mọi nơi khi có khách đặt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tới tấp điện thoại đặt hàng

Từ chỗ chỉ có một mình Thuận lo toan những ngày đầu mở quán, nay Cà Mèn đã có 10 người làm, không chỉ có dịch vụ giao hàng mà còn chú trọng quảng cáo, tương tác trên mạng xã hội. Chưa kể “hậu phương” vững chắc chính là bố mẹ Thuận ở quê, mỗi ngày đều đều lên cho con 30-40kg bánh ướt cùng gà, vịt.

“Ngày đầu thì khó khăn đủ bề, không có nhân lực, chưa có khách hàng nhiều, một phần mình cũng tự đi giao để tạo uy tín với khách. Bạn bè cũng biến thành shipper hết, cứ có điện thoại là chạy. Ba bốn đứa chạy suốt ngày, tối về nằm bệt ra vì mệt nhưng mà vui, bây giờ thì đỡ nhiều rồi”, Thuận nhớ lại.

Đến nay Thuận còn nhận những đơn hàng lớn cho các công ty, đơn vị tổ chức tiệc. Các cuộc điện thoại đặt hàng vẫn tới liên tục.

Với 60-70% khách của quán là nhân viên văn phòng, Thuận xác định giao hàng là chính, đồng thời tìm kiếm mặt bằng để mở thêm chi nhánh, vừa đáp ứng thực khách vừa giới thiệu đặc sản quê nhà.

HỒNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên