08/09/2013 17:29 GMT+7

Đêm "lên ngôi" của Jazz Trần Mạnh Tuấn

HOÀNG KHÁNH
HOÀNG KHÁNH

TTO - Hơn 1.000 khán giả đã có mặt tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (TP.HCM) để thưởng thức các nhạc phẩm jazz mang đậm phong cách Trần Mạnh Tuấn trong chương trình Dấu ấn được tổ chức vào đêm qua 7-9

0cgW5P5w.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mở màn đêm diễn bằng tác phẩm Hạ trắng (Trịnh Công Sơn) - Ảnh: Gia Tiến

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, khán giả dù có phải là fan “ruột” của anh hay không cũng đều nhớ đến những bản nhạc jazz phóng khoáng qua tiếng kèn saxophone. Và ngược lại, khi nói đến nghệ sĩ chơi saxophone ở Việt Nam thì người ta lại nhắc ngay đến Trần Mạnh Tuấn. Ít ai biết rằng hai tri âm tri kỷ này đã gắn bó với nhau hơn 30 năm, cùng nhau trải qua biết bao thăng trầm, sinh tử của cuộc đời.

Bởi thế, đêm Dấu ấn dài hai giờ với sự tham gia của các ca sĩ hàng đầu Việt Nam và hai nhạc công quốc tế: tay guitar Bertrand Fournier (Pháp) và nghệ sĩ bộ gõ Scott Brantley (Mỹ) đã không chỉ là một đêm nhạc đầy tính nghệ thuật cao mà còn là nơi nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn trải lòng mình với khán giả bằng những dấu ấn âm nhạc chở nặng tâm sự của cuộc đời mình.

Bất ngờ xuất hiện từ hàng ghế khán giả, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng tiếng kèn saxophone nổi tiếng trong tình khúc bất hủ Hạ trắng (Trịnh Công Sơn) tiến dần về phía sân khấu. Tiếng kèn nồng nàn, da diết của anh đã mở màn đêm nhạc hết sức “vừa ý” khán giả. Để rồi từ đó, người nhạc sĩ mà suốt cuộc đời mình đã cùng cây kèn saxophone đi khắp năm châu bốn biển này lần lượt đưa khán giả đi hết từ ngạc nhiên này đến thú vị khác.

Sự kết hợp của Trần Mạnh Tuấn và cô con gái yêu An Phúc (chỉ mới 9 tuổi) trong bài dân ca Bèo dạt mây trôi đã hoàn toàn gây bất ngờ, đặc biệt là khi bé An Phúc chỉ mới học kèn có… hai tháng!

Là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng của trường âm nhạc nổi tiếng Berklee (Mỹ), năm 1999, Trần Mạnh Tuấn tốt nghiệp và trở về nước với nhiều hoài bão nhưng anh đã “đụng” ngay phải thất bại. Đĩa nhạc đầu tiên Lời ru trong mắt em đã không được khán giả ủng hộ, “in 2.000 đĩa mà tặng người ta mấy năm không hết, tặng ai họ cũng chỉ nghe một lần bởi vì tôi ỷ vào kiến thức đã học, chỉ muốn khoe những kỹ thuật tiên tiến mà quên đi cảm xúc và tôi đã thất bại”, anh chia sẻ.

Có lẽ bài học đầu tiên này đã giúp Trần Mạnh Tuấn tìm thấy con đường riêng của mình để chinh phục khán giả quê nhà.

Anh bắt đầu thổi hồn mình vào những bản “jazz hóa” âm nhạc dân gian và những tình khúc Trịnh Công Sơn. Tác phẩm Qua cầu gió bay được Trần Mạnh Tuấn phối lại trong chương trình Dấu ấn và được ca sĩ Tùng Dương thể hiện cũng trên tinh thần đó. Phần đối đáp đầy ngẫu hứng giữa tiếng kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn và “giọng ca ma quái” Tùng Dương đã làm cho khán giả như bị “thôi miên”.

Tiết mục “tam tấu” của Trần Mạnh Tuấn, Tùng Dương và Thanh Lam trong ca khúc Ôi quê tôi lại càng mang đến cho người xem những cảm xúc thăng hoa cao hơn. Tiếng kèn điêu luyện, đầy kỹ thuật của Trần Mạnh Tuấn hòa quyện cùng hai giọng ca vàng của nhạc Việt, làm cho ca khúc vốn rất đỗi quen thuộc này trở nên mới lạ, đầy tính phóng khoáng.

Không dừng lại ở đó, Trần Mạnh Tuấn đã đến với âm nhạc bằng tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ, khám phá đến tận cùng những nét đẹp của âm nhạc dân tộc. Đây là lần đầu tiên Trần Mạnh Tuấn “chọn mặt gởi vàng” khi mời Thanh Lam hát ca khúc Mưa rơi do chính anh sáng tác (trước giờ anh chỉ “chuyên trị” nhạc hòa tấu). Chưa hết, anh bắt đầu thử nghiệm saxophone với những bản nhạc bolero quen tai.

Tiếng kèn đến nao nức lòng người của anh trong Thành phố buồn ngay tại sân khấu của Dấu ấn đã làm cho khán giả không thể không trông chờ vào những bức phá mới của anh trong âm nhạc theo kiểu vừa quen vừa lạ này. Trần Mạnh Tuấn còn táo bạo hơn nữa khi trổ tài thổi hai loại kèn saxophone cùng lúc, đưa những nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng và cồng chiêng vào một tác phẩm theo phong cách world music - Ru rừng.

Khi đã ở cái độ “chín muồi” của sự nghiệp, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn dường như muốn cống hiến nhiều hơn nữa. Anh thành lập Saigon Bigband gồm khoảng 20 thành viên với ước muốn có một ban nhạc jazz đúng tầm với quy mô một thành phố lớn như TP.HCM. Con đường thực hiện nguyện vọng này còn ở phía trước nhưng từ khi thành lập năm 2012 đến nay, Saigon Bigband đã nhận được những tín hiệu đón nhận tích cực từ phía khán giả. Và Trần Mạnh Tuấn cũng đã lui về phía sau làm chỉ huy dàn nhạc, dành hẳn 1/4 thời lượng đêm nhạc của chính mình cho “đứa con” do anh tâm huyết nhào nặn ra. Những nhạc phẩm jazz kinh điển như Mercy Mercy, Moondance, Georgia on my mind được Saigon Bigband thể hiện rất tròn trịa trong phần biểu diễn phóng khoáng cùng giọng ca không lẫn vào đâu được của “nữ hoàng nhạc jazz” Tuyết Loan.

Thưởng thức nhạc của Trần Mạnh Tuấn và nghe kể về cuộc đời anh mới thấu hiểu hết nghị lực sống phi thường và khả năng làm việc không mệt mỏi của người nhạc sĩ chỉ sống với một con mắt và một quả thận được ghép này. Kể từ khi lần đầu tiên biết đến cây saxophone là lúc 8 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã âm thầm và nghiêm túc với niềm đam mê của mình. Dù là trong những cơn thập tử nhất sinh của cuộc đời, anh vẫn cứ lặng lẽ tìm tòi và cống hiến cho khán giả những tác phẩm độc đáo nhất. Tình cảm đáp trả của khán giả cũng thế - nhẹ nhàng và thủy chung dành cho anh.

fp3WuIgE.jpgPhóng to
con gái Trần Đàm An Phúc song tấu cùng cha Trần Mạnh Tuấn tác phẩm Bèo dạt mây trôi - Ảnh: Gia Tiến
21sjkHwT.jpgPhóng to
Các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Thanh Lam, Tùng Dương trình diễn tác phẩm Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn) - Ảnh: Gia Tiến
pPfDH969.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng Saigon Big band đã trình diễn một loạt các tác phẩm: Mercy, Mercy (Don Covay, Ronald Dean Miller), Georgia on my mind (Hoagy Carmichael, Stuart Gorrell), Con mắt còn lại (Trịnh Công Sơn) - Ảnh: G.T
HOÀNG KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên