Đêm kinh hoàng ở Trung Đông

DANH ĐỨC 05/10/2024 14:07 GMT+7

TTCT - Đêm 1-10 rạng sáng 2-10 là đêm "lịch sử" không chỉ trong quan hệ giữa hai đối thủ không đội trời chung từ 1979 tới nay là Iran và Israel, mà còn của khu vực Trung Đông, thậm chí là cả thế giới.

Tình hình cho thấy nguy cơ về một cuộc chiến châm ngòi cho mọi cuộc chiến có cơ trở thành hiện thực.

Tất cả bắt đầu bằng việc Iran bắn hàng trăm tên lửa đạn đạo vào các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng sau một loạt vụ không kích của Israel hôm 27-9 nhằm vào chuẩn tướng Iran Abbas Nilforoushan, cố vấn quân sự Iran tại Lebanon, và thủ lĩnh Hezbollah người Lebanon Sayyed Hassan Nasrallah, chưa kể vụ ám sát thủ lĩnh Hamas người Palestine Ismail Haniyeh ngay tại Tehran trước đó, hôm 31-7.

Trả đũa và trả thù

Theo Tehran Times 2-10, "quyết định trả đũa Israel được đưa ra bởi Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC), sau hai tháng "kiềm chế", lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) cho biết trong một tuyên bố". 

Quyết định trả đũa được quân đội Iran thực thi bằng cách phóng khoảng 400 tên lửa đạn đạo từ Isfahan, Tabriz, Khoramabad, Karaj và Arak vào Israel.

Cần biết, khoảng cách đường chim bay giữa Tel Aviv tới Istafan là 1.586km, Tabriz là 1.239km, Khoramabad là 1.277km, Karaj là 1.548 km và Arak là 1.405km, nên ít nhất Iran cũng phải sử dụng tên lửa có tầm bắn tối thiểu trên 1.800km như Emad hoặc hơn nữa, từ 2.000km như Safir, thậm chí tới từ 3.000km như Khorramshahr 1, 2 và 4 (sử dụng nhiên liệu lỏng), hay Sejjil có tầm bắn 2.000km (sử dụng nhiên liệu rắn, thời gian nạp nhiên liệu nhanh và tác chiến thuận tiện hơn). Tầm bắn và đặc tính kỹ thuật của các tên lửa này đều theo Iran Watch.

Phỏng định được tầm bắn sẽ giúp khoanh vùng các điểm bắn tên lửa của Iran. Nghiên cứu công bố năm 2012 của Shea Cotton và Jessica C. Varnum, hai chuyên gia cấp cao về chống phổ biến vũ khí, đưa ra một nhận xét khá hữu ích: 

"Các vụ phóng tên lửa chiến đấu của Iran chủ yếu xuất phát từ căn cứ không quân Kermanshah gần biên giới, càng gần mục tiêu dự kiến càng tốt".

Tehran Times trích lời một công dân Israel đăng trên báo Mỹ New York Times (NYT) nói: "Tôi thấy một loạt vụ nổ lớn gần nhà tôi ở phía bắc Tel Aviv, không xa trụ sở của Mossad, cơ quan tình báo nước ngoài và đơn vị 8200, cơ quan tình báo tín hiệu và mạng của Israel. Cả ngôi nhà rung chuyển". 

Mở ngoặc đơn: Mossad là cơ quan tình báo của Nhà nước Israel, còn 8200 là cơ quan thu thập tín hiệu tình báo của Bộ Quốc phòng Israel. Cách đưa tin trên, trích "báo địch", của Tehran Times tạo cảm nhận "thông thoáng": chính NYT, chớ không phải Tehran Times, xác nhận các vụ nổ xảy ra gần trụ sở Mossad và đơn vị 8200. Mẩu tin cũng cho thấy tình báo Iran đã sục sạo suốt hai tháng qua để lên kế hoạch báo thù ra sao.

Tin Tehran Times được tiếp nối bằng một bài tổng hợp tình hình mang tựa đề: "Chúng ta sẵn sàng (chiến đấu)". 

Bài báo cho biết IRGC đã đưa ra hai loan báo trong vòng vài giờ, thừa nhận tin tức về các cuộc tấn công bằng tên lửa vào "chế độ Israel", và cho biết mục tiêu là ba căn cứ quân sự Israel gần Tel Aviv. "Đây là lần thứ hai Iran phóng tên lửa vào các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng từ lãnh thổ của mình", Tehran Times nhận xét.

Đêm kinh hoàng ở Trung Đông - Ảnh 1.

Tên lửa Iran trên bầu trời thành phố Ashdod, Israel. Ảnh: AFP

Lần thứ nhất chính là chiến dịch "Lời hứa chân thực", diễn ra hồi giữa tháng 4 năm nay, khi Tehran tấn công một số mục tiêu quân sự, đáp trả việc Israel tấn công Đại sứ quán Iran tại Damascus. 

Trong cuộc tấn công vào Israel lúc đó, IRGC sử dụng khoảng 300 máy bay không người lái công nghệ cũ và một số tên lửa đạn đạo. Còn cuộc tấn công hôm 1-10 (tên gọi là "Lời hứa chân thực II") có trình độ công nghệ cao và triển khai nhiều loại vũ khí hơn, theo Tehran Times. 

Báo này cũng trích tuyên bố từ quân đội Israel nói Iran lần đầu tiên triển khai tên lửa siêu thanh kể từ khi tuyên bố sở hữu chúng trong vụ tấn công vừa qua.

Tất nhiên, với những vụ tấn công từ xa thế này, tầm bắn mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là độ chính xác. Xét góc độ này, dòng tên lửa Khoramabad có bán kính sai lệch khả dĩ (CEP) là 30m, chính xác hơn nhiều so với máy bay không người lái, hay nói ví dụ, tên lửa Emad với CEP lên tới khoảng 500m. 

Nghiên cứu nêu trên cũng đưa ra kết luận nay có thể tham khảo sau những vụ tấn công vào Isarel mới nhất:

"Chương trình tên lửa của Iran vẫn là mối lo ngại về phổ biến vũ khí, nhưng về cơ bản là chương trình vũ khí thông thường và mang tính khu vực, phù hợp với chính sách lâu dài của Iran là sử dụng tên lửa đạn đạo để đạt được các mục tiêu an ninh khu vực". 

Nghĩa là Iran sản xuất tên lửa dù là đạn đạo, song mục tiêu vẫn chỉ là bắn trong khu vực.

Phản ứng của Mỹ và đồng minh

Khác biệt này là cơ sở cho thái độ của Mỹ với Iran - không quá căng thẳng. Điều này thể hiện trong họp báo trưa 1-10 ở Bộ Quốc phòng Mỹ (rạng sáng 2-10 ở Việt Nam). 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, thiếu tướng Pat Ryder, tóm tắt tình hình: "Iran đã tiến hành một cuộc tấn công đáng kể vào Israel hôm nay, phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo, nhắm vào một số địa điểm ở Israel".

Chi tiết "khoảng 200 tên lửa đạn đạo" này nhằm chấm dứt những mông lung trong tin tức trước đó trên báo chí, "hàng trăm tên lửa đạn đạo", hoặc thông tin "quá xá" từ phía Iran: khoảng 400 tên lửa. 

Ông Ryder nêu quan điểm từ phía Mỹ: "Chúng tôi lên án những cuộc tấn công liều lĩnh này của Iran và kêu gọi Iran dừng mọi cuộc tấn công tiếp theo, kể cả từ lực lượng ủy nhiệm của nước này. Trong cuộc tấn công, quân đội Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) để giúp bảo vệ Israel. Các tàu khu trục của hải quân Hoa Kỳ được triển khai đến khu vực Trung Đông đã hỗ trợ phòng thủ cho Israel bằng cách bắn khoảng một chục tên lửa đánh chặn vào tên lửa Iran đang bay tới".

Phản ứng này nói chung không khác so với vụ tấn công vào tháng 4. Khi đó, Mỹ đã cùng các đồng minh Anh và Pháp bảo vệ Israel. 

Lần này, Mỹ sử dụng hai tàu khu trục USS Bulkeley và USS Cole (từng bị khủng bố dùng xuồng cao tốc chở chất nổ húc lủng bên hông hôm 12-10-2000 trong cảng Aden của Yemen), làm lá chắn phòng thủ tên lửa cho Israel. Tướng Ryder cho biết thành tích của hai tàu khu trục này: "Tên lửa đánh chặn phóng đi từ hai tàu khu trục đó".

Có lẽ câu hỏi "đắt giá" nhất là so sánh lực lượng hai vụ tấn công vào Israel của Iran: "Ông có thấy rằng lần này Hoa Kỳ có ít đối tác tham gia hơn trong nỗ lực bắn hạ tên lửa Iran so với hồi tháng 4 không?". Tướng Ryder chỉ có thể trả lời: "Đúng". 

Câu hỏi đó cũng vén màn một sàn diễn khác ở Trung Đông: Nếu hồi tháng 4, Anh và Pháp có tham gia đánh chặn tên lửa Iran thì giờ đây, chỉ còn Mỹ với Israel. Tại sao các nước kia "bỏ cuộc chơi"? 

Bị hỏi dồn, thiếu tướng Ryder nổi cáu: "Tôi sẽ để các quốc gia khác tự nói về mình... Một lần nữa, như quý vị đã biết, bất kỳ sự phối hợp hoặc hợp tác nào của châu Âu với Israel thì đó là chuyện của từng nước riêng lẻ".

Chính vì Mỹ giờ chỉ có một mình, ông Ryder đã nói rõ quan điểm của Washington: "Chúng tôi không muốn thấy vụ việc này mở rộng thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, nhưng hiểu rằng những gì Israel đang thực hiện là các hoạt động hạn chế nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng tấn công họ và sau đó cho phép công dân ở cả hai bên biên giới trở về nhà. Chúng tôi nghĩ rằng một giải pháp ngoại giao là cách duy nhất để đạt được sự ổn định và an ninh lâu dài trên khắp biên giới Israel - Lebanon... Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu đó". Có thể hiểu: Bấy nhiêu là đủ rồi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận