Ảnh chụp ngày 12-7 cho thấy cảnh ngập lụt ven hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây - Ảnh: Tân Hoa xã
Tối qua (11-7) lại là một đêm không ngủ với Wu Sheng Song. Đây là đêm thứ năm liên tiếp ông Wu - một quan chức địa phương - làm nhiệm vụ đi tuần tra ở hai bờ một con sông ở huyện Bà Dương thuộc thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây.
Tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, là tỉnh vừa nâng mức cảnh báo khẩn cấp nhằm phòng chống lũ lụt từ cấp 2 lên cấp 1 (cấp cao nhất).
Ngay sau khi ông Wu bắt đầu vào ca trực, sấm chớp xuất hiện trên bầu trời. Ông Wu đứng trong lo sợ, vừa sợ mưa dông trên đầu vừa lo cho sự vững chắc của đất bên dưới chân ông. "Tôi hơi lo. Theo dự báo thời tiết, sẽ có mưa trong vài ngày" - báo South China Morning Post ngày 12-7 dẫn lời ông Wu.
Ông Wu hiện là quan chức tại một ngôi làng gần hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc nằm ở tỉnh Giang Tây.
Đến sáng 12-7, mực nước đo được tại trạm Tinh Tử thuộc hồ Bà Dương đã vượt 22,52m - mức gây lũ lớn năm 1998 ở Trung Quốc.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, tính tới cuối tuần này tổng cộng 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 33,85 triệu người và 27 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng.
Lực lượng vũ cảnh Trung Quốc hỗ trợ công tác chống lũ ở làng Giang Gia Lĩnh thuộc huyện Bà Dương hôm 11-7 - Ảnh: Tân Hoa xã
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng dọc sông Trường Giang. Theo Hãng tin Tân Hoa xã, tại tỉnh Giang Tây có 2.242/2.545km đê sông và đê hồ đã chứng kiến mực nước vượt mức cảnh báo. Những người như ông Wu luôn giám sát nhiều con đê như vậy.
Hôm 8-7, nước lũ vượt qua con đê mà ông Wu theo dõi, gây ngập lụt cho các ngôi làng nằm ở vùng trũng thấp và khiến 20.000 người sống trong cảnh mất điện hoặc không có nước ngọt.
Ông Wu kể lại rằng vào ngày trước đó, ông đã nhận được lệnh sẵn sàng đi tuần tra khi nước lũ đổ về. Ông cùng người dân trong làng thay nhau theo dõi khu vực, mỗi người giám sát một đoạn bờ sông dài vài trăm mét.
Ông Wu dùng đèn pin để kiểm tra xem có dấu hiệu nào cho thấy nước lũ gây hư hại cho đê hoặc có vấn đề gì có thể sẽ phát sinh hay không. Ông Wu và mọi người dành ra cả đêm để đi tuần quanh những con đê, chỉ nghỉ ngơi được chốc lát.
Nếu họ phát hiện dấu hiệu cho thấy nước xâm nhập qua đê, họ sẽ báo lên cấp trên để cử người tới xử lý, lấp các lỗ hổng. "Nếu có sai sót sẽ khá nguy hiểm" - Wu nói.
Dân làng vẫn còn nhớ cảnh tượng hôm 8-7, khi nước dâng cao. Huang Di Qun, một người khác theo dõi đê, hôm đó đứng canh trên một cây cầu thì một bên bờ sông bị vỡ. Nước nhanh chóng tràn vào từng nhà và dân làng phải chạy lên cầu hoặc leo lên nóc nhà để giữ an toàn.
Tất cả ruộng lúa của Wu đều bị nước lũ nhấn chìm. Ông nói rằng nếu nước rút nhanh thì may ra còn cứu vớt được một chút, nhưng ông cho rằng tình trạng mưa lũ như thế này có thể kéo dài thêm 2 hay 3 tháng nữa.
Dọc sông Trường Giang, nước trên nhiều hồ và nhánh sông vẫn đang tăng, không còn chỗ để đi. Giờ đây, ông Wu chỉ có thể cố gắng ngăn nước lũ gây vỡ bờ một lần nữa và cầu nguyện điều tốt đẹp nhất sẽ đến. "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là theo dõi" - ông chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận