Một trẻ đang chơi game trên điện thoại - Ảnh: REUTERS
Đọc những chia sẻ về cách dạy con dùng điện thoại trên báo Tuổi Trẻ, tôi nhớ đến anh hàng xóm phải qua nhờ tôi cất giùm điện thoại và máy tính bảng vì "ở nhà anh giờ giấu chỗ nào thằng nhóc cũng tìm thấy. Nó xem điện thoại cả ngày, chả chịu học hay làm gì hết".
Tôi tự hỏi phải chăng đã đến lúc các bậc phụ huynh phải có ứng xử phù hợp với con cái mình trong việc sử dụng các thiết bị thông minh?
Ai cũng biết, việc để trẻ con tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, máy tính… sẽ gây nhiều tác hại. Từ việc ảnh hướng đến sức khỏe thể chất cho đến sức khỏe tinh thần. Đó là các bệnh béo phì, cận thị, rối loạn hành vi, và điều nguy cấp nhất chính là tạo ra "khoảng cách" giữa con cái và bố mẹ, ông bà, khiến cho trẻ em mất đi sự hồn nhiên, trong sáng vốn có.
Thế nhưng, trước những tác hại đó, trên thực tế nhiều bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ. Thậm chí, có nhiều ông bố bà mẹ còn tỏ ra tự hào vì con mình mới ít tuổi mà biết xài hết chức năng của điện thoại, máy tính. Trên mạng xã hội Facebook nhiều phụ huynh còn "khoe" con cái mình ngoan với hình ảnh cháu vừa uống sữa vừa chăm chăm vào màn hình điện thoại.
Hình ảnh trẻ em gắn với chiếc điện thoại giờ đây rất phổ biến. Ra công viên, đến sân bay, thậm chí ngoài đường cũng thấy hình ảnh trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại. Nhiều gia đình còn dùng điện thoại thông minh như một cách để con cái tập trung, để dỗ dành. Và những thiết bị thông minh này trở thành "bảo mẫu" cho trẻ em, không cần bố mẹ nữa. Đó là một thực tế mà tôi nghĩ rất kinh khủng.
Anh hàng xóm của tôi trước đó còn rất tự hào về việc con anh "sành" hết điện thoại đến Ipad. Tôi nhớ có lần anh bảo thời này rồi trẻ em cũng phải biết công nghệ. Nhưng dần dà anh tâm sự chính "công nghệ" lại đang khiến con anh trở nên khó bảo hơn. Và minh chứng gần nhất chính là việc anh phải "đi gửi điện thoại", vì giấu ở đâu con cũng tìm cho bằng được.
Chúng ta đều biết những ông hoàng về công nghệ như Bill Gates đều cấm con cái mình dùng điện thoại và các thiết bị thông minh cho đến 14 tuổi. Và chúng ta cũng biết những tác hại của các thiết bị đó với trẻ nhỏ. Nhưng rõ ràng, từ câu chuyện trên cùng thực tế tôi thấy, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa đưa ra cách ứng xử phù hợp, đa số vẫn thờ ơ.
Có lẽ, ngay bây giờ các bậc phụ huynh cần phải "mạnh tay" hơn trong việc con cái mình sử dụng thiết bị thông minh. Nếu không, sẽ có ngày như anh hàng xóm gần nhà tôi phải đi "nhờ giữ hộ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận