23/08/2015 10:17 GMT+7

​Đêm dài tăm tối

QUỐC VIỆT  (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
QUỐC VIỆT ([email protected])

TT - “Hơn 95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì cả”. Đó là kết luận lạnh lùng trong tập kỷ yếu Nha học chính Đông Pháp xuất bản vào năm 1930.

Một cảnh tận cùng đói khổ của người Việt đầu năm 1945 - Ảnh: Võ Anh Ninh

Và đó là cuộc trường chinh đặc biệt để vượt qua đêm dài tăm tối của dân tộc Việt.

“Nhiều năm đã qua rồi, những ngày đen tối ấy không còn nữa, nhưng tôi vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ lại thời tận đáy khốn khổ của dân mình. Một dân tộc bị đày đọa trong bần cùng đến mức phải chết đói hàng triệu người, khi phải đơn từ gì thì người dân chỉ biết lấy ngón tay điểm chỉ”.

Đã tuổi 90, giáo sư sử học Văn Tạo vẫn ứa nước mắt kể lại những chuyện buồn mà mình là chứng nhân.

Những giấc mơ khủng khiếp

Quê ông Tạo ở làng La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, vùng đất có tiếng học hành với 47 người đỗ đạt tiến sĩ... Nhưng đến những năm 1930 - 1940, tình trạng mù chữ quốc ngữ ở đây vẫn hết sức nghiêm trọng.

Nhiều xóm làng chỉ vài người biết chút chữ. Nhiều nhà không thể có một ai viết nổi cái tên ngắn ngủi của mình.

“Tôi còn nhớ khi bắt đầu phát động phong trào xóa dốt, chợ làng làm cái cổng tre, bên trên có bảng gỗ viết vài chữ cái tiếng Việt thông dụng A, B, C... Ai ê a nổi được vào chợ. Ai không biết phải quay về. Vậy mà rất nhiều ông bà, kể cả đám trẻ đang tuổi ăn học cũng phải lủi thủi về.

Có người nhờ vả ai đó chỉ vội vài chữ để lắp bắp cho được vào chợ. Nhưng cũng có người hậm hực nói chợ hàng chứ đâu phải chợ học đâu mà bắt đọc chữ” - giáo sư Văn Tạo nhớ lại hình ảnh tăm tối hồi ấy.

Gạt nước mắt ứa ra trên gương mặt hằn dấu thời gian, ông trầm giọng: “Tôi vẫn bị lặp đi lặp lại giấc mơ khủng khiếp.

Làng quê tôi ở Hải Dương không bị đói nặng như Thái Bình, nhưng có xóm cũng chết đến hai phần ba dân trong nạn đói bi thảm năm 1945. Nhà trưởng chi họ tôi chết hết, chỉ còn một bé gái duy nhất nhờ lết ra chợ ăn xin được người tốt bụng đưa về nuôi.

Nhà bà Trưng cứ chết dần vì đói, đến bà chết sau cùng thì không còn ai để chôn. Hàng xóm chưa chết cũng lả đi, chỉ cố đưa bà ra được cánh đồng vùi tạm xuống. Đến vụ người ta cày trồng lúa vẫn còn thấy thi thể bà còng queo, không có cả tấm chiếu bó xác”.

Ông Tạo kể trong tình cảnh dân tộc bi thảm đến cả vỏ trấu trộn đất cũng phải ngấu nghiến nuốt để rồi bục bao tử đến chết thì làm sao nghĩ nổi chuyện học.

Đi đến đâu cũng chỉ thấy những hình nhân tiều tụy không còn ra dáng con người lê lết vạch cỏ bới đất tìm miếng ăn. Cha mẹ chịu chết trước để nhường chút gì còn ăn được cho con nhỏ, rồi đến con cũng chết. Trường lớp vốn rất hiếm hoi lúc ấy càng xác xơ tiêu điều vì vắng bóng học sinh.

Cụ Nguyễn Văn Tố và Hội Truyền bá quốc ngữ từ nhiệt huyết xóa mù chữ cho dân phải chuyển sang lo cả chuyện cứu tế.

Việc đi nhặt xác người chết đầy đường để ngăn ngừa bệnh dịch và chén cháo loãng từ thiện cho dân đói cầm hơi lúc này khẩn cấp hơn rất nhiều... Vào xóm làng, ra đường phố, đường quê đâu đâu cũng chỉ nghe tiếng rên rỉ xin ăn thay cho tiếng ê a học bài.

Gíáo sư Văn Tạo, chứng nhân lịch sử, vẫn ám ảnh thời kỳ này - Ảnh: Quốc Việt

Khắp nơi thất học

Một người bạn đồng hương rất thân của ông Văn Tạo là nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành cũng không thể quên tháng ngày tăm tối ấy.

Quê ông ở thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, Hải Dương. Làng ông ở nối liền với thôn Lai Khê, có quốc lộ 5, đường sắt và gần đó có Trường tiểu học Pháp - Việt (École Primaire) mở từ năm 1924, được tiếng là “hiện đại” hơn các nơi khác.

Nhưng hầu hết dân làng ông Thành vẫn chịu cảnh mù chữ, không được đến trường vì quanh năm đầu tắt mặt tối, rau cháo đắp đổi qua ngày.

Nhà ông Thành gốc gác nho học, trọng chữ nghĩa cho con cái mà hai em gái ông vẫn phải chịu thất học vì không đủ điều kiện cho tất cả đến trường. Cả làng ông chỉ được một cô gái là con lý trưởng đến trường. Làng Lai Khê bên cạnh cũng chỉ có hai cô gái con thợ đường sắt học được ít chữ.

Bắc bộ, miền đất sâu dày văn hóa vẫn bị vậy, tình trạng mù quốc ngữ ở địa phương khác còn nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Kiều Xuân Cư khi còn sống ở tuổi ngoài 90 đã tâm sự rằng: “Chính cảnh dốt nát, cùng khổ đã thúc đẩy tôi tham gia cách mạng. Rồi về sau khi có điều kiện, tôi lại tiếp tục đi học trở thành bác sĩ trong nỗi ám ảnh dốt nát là hèn khổ”.

Quê hương bác sĩ Cư ở Khánh Hòa, mảnh đất tương đối phát triển của miền Trung mà cũng chỉ có rất ít trường học chữ quốc ngữ cho người dân những năm đầu thế kỷ 20.

Ngay từ nhỏ, ông đã thành người viết đơn từ giúp cho cả làng mình, vì nhiều người mù chữ đến nỗi còn không biết dùng ngón tay lăn mực điểm chỉ thế nào cho đúng chỗ. Ở Nha Trang, bác sĩ Yersin mở một tủ sách hồng cho trẻ em vào đọc tự do nhưng không mấy em đọc được.

“Tôi còn nhớ nhiều đứa trẻ, người lớn xóm chài Nha Trang chỉ biết cầm đúng chiều cuốn sách nhờ nhìn hình ảnh, còn nội dung phải đợi người biết chữ đọc cho nghe” - ông Cư tâm sự.

Miền Nam trù phú không bị đói kém gay gắt như miền Bắc, nhưng tình trạng mù quốc ngữ vẫn lan tràn.

Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn, 88 tuổi, chứng nhân thời kỳ này, kể làng ông ở Tân Tạo, gần trung tâm Sài Gòn thế mà đâu cũng thấy người mù chữ. Dân nghèo quần đùi đen nhẻm, lay lắt kiếm sống trên đồng, trong bưng.

Nhà ông cũng rất khổ, ráng lo các con đi học một thời gian rồi mấy người anh ông cũng phải nghỉ học để cầm cày, vì không có đủ đồng bạc Đông Dương giá trị bằng 20 giạ lúa đóng học phí cho từng người. Cả nhà ráng dè sẻn lo cho mình ông đi học, phải mắc nợ đến 10 năm mới trả hết nổi...

“Nạn thất học phơi bày trước con mắt bất cứ người dân Việt Nam nào một thảm trạng xã hội không thể tưởng tượng được, thì thảm trạng ấy lại càng ghê rợn khi bọn độc tài, phát xít quân phiệt chuẩn bị ráo riết chiến tranh. Họa diệt vong của các dân tộc tiến hóa chậm chạp hiện ra sờ sờ.

Những người có chút ít học thức càng thấy rõ nguyên nhân của sự yếu hèn ở thời đại bây giờ là sự dốt nát của quần chúng, tất nhiên tạm gạt sang bên nguyên nhân ngoại lai là chính sách ngu dân man rợ của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc bị chinh phục.

Căn cứ vào con số thống kê chính thức của Phủ toàn quyền Đông Dương, năm 1940, số trẻ con đến tuổi đi học khoảng 3,5 triệu.

Số học sinh ở cấp tiểu học, cả trường công lẫn trường tư được 605.000 người, nghĩa là trong 100 đứa trẻ mới được non 18 đứa đi học. Trong khi đó, cả chính phủ lẫn các tổ chức xã hội từ thiện không ai lo đến việc học của người lớn mù chữ.

Bởi vậy có thể khẳng định rằng trong suốt thời gian Pháp thuộc, từ 95 đến 98% dân tộc Việt Nam sống chìm đắm trong cảnh tối tăm đầu óc...” - trích hồi ký của ông Vũ Đình Hòe, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục.

__________

Kỳ tới: Một dân tộc dốt là dân tộc yếu

QUỐC VIỆT ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên