05/04/2020 09:30 GMT+7

Death in Venice: Cái đẹp và sự tàn phá của ham muốn

CHÂU TRẦN-VI
CHÂU TRẦN-VI

TTO - Death in Venice (Chết ở Venice) - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của Thomas Mann - đang được khán giả yêu điện ảnh tìm xem lại trong bối cảnh thành phố Venice của Ý đối mặt với dịch COVID-19.

Death in Venice: Cái đẹp và sự tàn phá của ham muốn - Ảnh 1.

Björn Andrésen (vai Tadzio) trong phim Death in Venice - Ảnh: IMDb

Tác phẩm của chủ nhân giải Nobel văn học 1929 và tác phẩm điện ảnh của Luchino Visconti là một sự khám phá cái đẹp, sự tinh tế và lãng mạn trong một giai đoạn đau khổ và suy tàn.

Cũng giống như các nhân vật của Jean Renoir và Stefan Zweig, giới quý tộc sang trọng trong Death in Venice đứng giữa lằn ranh của một châu Âu xưa cũ đang chuẩn bị biến mất một cách tàn khốc để nhường chỗ cho thời kỳ hiện đại.

Death in Venice: Cái đẹp và sự tàn phá của ham muốn - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Death in Venice - Ảnh: IMDb

Cái đẹp ám ảnh

Theo lời khuyên của bác sĩ, nhạc sĩ già Gustave Aschenbach tới Venice để nghỉ ngơi, dưỡng bệnh và tìm nguồn cảm hứng sáng tác.

Nhưng kẻ đang chạy trốn cái chết lại tìm thấy cái chết đang chờ đợi mình. Một cậu thiếu niên đẹp như một bức tượng thần La Mã làm cho một người có phẩm giá như Aschenbach bị thu hút và say mê đến mức tê liệt.

Bất cứ lúc nào ông cũng có thể rời đi, nhất là khi điềm báo về thứ bệnh dịch truyền nhiễm đang bao vây Venice trở thành thực tế. Ông biết rõ về căn bệnh đó, những người khác cũng biết điều đó, rằng cả thành phố đã bị bệnh.

Nhưng giống như một cơn nghiện, Aschenbach luôn kiếm tìm nhiều hơn và nhiều hơn nữa từ cuộc gặp gỡ với cậu bé mang vẻ ngoài mà ông cho là mẫu mực của vẻ đẹp cổ điển. Venice vẫn luôn ở đó - đẹp như tranh vẽ - nhưng Aschenbach không và không thể rời đi.

Với xuất thân cao quý của mình, Visconti hiểu quá rõ giới quý tộc sang trọng của châu Âu. Ông cũng là bậc thầy trong việc tạo ra những khung hình lộng lẫy, xa hoa, gợi cảm một cách hoàn hảo. Điểm chung của tất cả các bộ phim của Visconti là sự nhạy cảm, tinh tế.

Death in Venice: Cái đẹp và sự tàn phá của ham muốn - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Death in Venice - Ảnh: IMDb

Và trong Death in Venice, giữa những con người phô trương và hoa mỹ ngồi ở khán phòng khách sạn trong một trạng thái vĩnh viễn của ngắm nhìn và chờ đợi, có một cậu bé lọt vào ánh nhìn chăm chú không rời rồi trở thành nỗi ám ảnh của Aschenbach.

Tadzio là hiện thân của sắc đẹp, của tuổi trẻ, của sự thuần khiết. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, cậu đã như một vị thần bất khả xâm phạm không thuộc về cõi trần gian. Vẻ đẹp này khiến Aschenbach lúng túng và hoàn toàn choáng ngợp. Một bộ phim về sự trao đổi giữa những ánh mắt.

Dần dần Aschenbach bị chôn vùi bởi ham muốn của mình, nhưng ông tiếp tục ngưỡng mộ Tadzio từ xa, luôn có một khoảng cách giữa họ, không có bất kỳ một khoảnh khắc giao tiếp hay chia sẻ nào, không có sự vượt giới hạn tội lỗi kiểu Lolita.

Tất cả gói gọn trong những ánh mắt. Bản thân Tadzio cũng không có lời thoại trong phim, khiến cậu bé giống như một "vật thể của sự khao khát" - hơn là một con người. Nhân vật của Visconti là một nhạc sĩ - thay vì là một nhà văn như trong nguyên tác của Thomas Mann.

Điều này tạo ra thêm một lớp ẩn dụ và ý nghĩa điện ảnh sâu sắc hơn. Aschenbach không có một "giọng nói", bất lực và vụng về trong việc giải trình các cảm xúc hỗn loạn và suy nghĩ đày đọa của mình. Visconti chọn âm nhạc - là cảm xúc, thay vì ngôn từ - là diễn giải.

Death in Venice: Cái đẹp và sự tàn phá của ham muốn - Ảnh 4.

Cảnh trong phim Death in Venice - Ảnh: IMDb

Sự giằng co giữa các giá trị

Cho đến bây giờ, người ta vẫn còn tiếp tục tranh cãi về sự mơ hồ, nhập nhằng trong cách Visconti khắc họa mối quan tâm của Aschenbach đối với một người là trẻ vị thành niên như Tadzio. Suy cho cùng, Tadzio luôn đáp trả lại ánh nhìn của Aschenbach, cho dù những khoảnh khắc này là ảo mộng hay thực tế.

Có lẽ tốt hơn hết là không nên cố "gán nhãn" cho sự say mê này. Bởi ngôn ngữ, hình ảnh đã thể hiện sự thờ ơ, mơ hồ, không thể giải thích vốn có của ham muốn, sức mạnh vừa khơi gợi vừa tàn phá của nó. Aschenbach chấp nhận rơi vào hố sâu của sự điên dại vì có lẽ bản chất tự hủy hoại cũng có sự hấp dẫn riêng của nó.

Phần lớn đoạn hội thoại của bộ phim là những bài diễn văn cao siêu, những tranh luận về đạo đức và vẻ đẹp nghệ thuật của Aschenbach và người bạn đồng nghiệp. Triết lý của Aschenbach là sự trang nghiêm, tôn kính, giá trị đạo đức.

Death in Venice: Cái đẹp và sự tàn phá của ham muốn - Ảnh 5.

Cảnh trong phim Death in Venice - Ảnh: IMDb

Ông ghê tởm và phủ nhận trắng trợn sự theo đuổi bản năng và khía cạnh nhục cảm, lên án sự xuống cấp của thẩm mỹ. Thế nhưng, sự toàn tâm toàn ý theo đuổi lý thuyết thực hành của mình lại dẫn dắt Aschenbach đến sự sụp đổ nhục nhã. Ông không thể nhìn ra bóng tối bên trong những khát khao mà ông cho là "chân chính" của mình.

Rồi tới khi nhận ra những gì mình đang làm ở Venice - lén lút theo dõi một gia đình qua những con đường ngoằn ngoèo, mù mờ buổi hoàng hôn - khác xa với kế hoạch ban đầu đã định, Aschenbach đã đầu hàng bản chất của ham muốn và sự phân biệt của xã hội về những gì đáng xấu hổ và những gì trái tự nhiên trong khuôn khổ của nó. Kỳ lạ thay, phải chăng luôn có một phần "không đứng đắn", một phần "sai trái", suy đồi đáng sợ trong cái đẹp?

Bộ phim kết thúc với một cú máy dài chăm chú theo dõi cơ thể Aschenbach dần trở thành một đốm nhỏ và vô nghĩa giữa đại dương mênh mông. Visconti sử dụng sự tuyệt vọng và suy đồi cá nhân để tạo nên một phép ẩn dụ cho xáo trộn, mất mát lịch sử của giới quý tộc châu Âu cuối thế kỷ 19.

Nhưng trên hết, cả tiểu thuyết và bộ phim là sự giằng co giữa các giá trị xã hội - đạo đức và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đối với cái đẹp.

Liệu một nghệ sĩ có thể duy trì một cuộc đời cống hiến và sự hi sinh bản thân trong việc theo đuổi những thành tựu nghệ thuật vĩnh cửu hay không, và liệu sự phá vỡ quy tắc và chuẩn mực có làm giảm giá trị của nghệ thuật hay không?

Chết ở Venice được xem là một kiệt tác của văn học thế giới thế kỷ 20, được đưa vào tham khảo trong chương trình học phổ thông tại Đức. Tại VN, tác phẩm vừa được Tủ sách Cánh cửa mở rộng (NXB Trẻ) tái bản vào năm 2018 qua bản dịch của Nguyễn Hồng Vân.

Bộ phim Chết ở Venice đoạt 4 giải Bafta (Oscar của Anh), được đề cử Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1971 và đề cử Thiết kế phục trang đẹp nhất tại Oscar năm 1972.

Cinema chủ nhật: Những cuộc truy tìm sự thật Cinema chủ nhật: Những cuộc truy tìm sự thật

TTO - Không hẹn mà gặp, hai bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam cuối tuần qua đều có hơi hướng của những câu chuyện trinh thám kể về những cuộc truy tìm và những sự thật bị ẩn giấu.

CHÂU TRẦN-VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên