Nói xấu rần rần tuy tốn thời gian, công sức nhưng mà theo họ là vui, hấp dẫn.
"Sơ sơ tôi cũng phải hơn 10 nhóm nói xấu"
"Nấu xói" là từ nói ngược, chỉ hành động nói xấu, tố ai điều gì đó. Hiện nay từ này phổ biến trong giới trẻ, hiểu rộng hơn là nói tùm lum thứ để giải trí, buôn chuyện là chính.
Trời chiều mưa xối xả, bên trong văn phòng, đã dằn bụng bằng bịch trái cây nên anh Minh H. (30 tuổi) tha hồ bận rộn với mấy nhóm chat Facebook cùng lúc.
Anh H. nổi tiếng trong các nhóm bạn vì hay "thảy" tin mới vèo vèo. Anh cười: "Về chuyện chat nhảm, nói xấu giải trí thì tôi có nhiều nhóm chat trên mạng lắm. Sơ sơ phải hơn 10 nhóm.
Từ nhóm bạn học cũ, nhóm hàng xóm, nhóm đi phượt… Nhưng chat thường xuyên và náo nhiệt nhất vẫn là mấy nhóm đồng nghiệp".
Lý do các nhóm đồng nghiệp của anh - cả cùng công ty và bên ngoài - luôn sôi động xanh nick Facebook để nói xấu: "Do làm việc chung hằng ngày, phát sinh đủ thứ chuyện, gặp đủ loại người nên không bao giờ hết chủ đề. Có khi ban ngày nói chưa đã, tối về nhà nói tiếp".
Với anh H., "nấu xói" cũng là một nghệ thuật. Anh tiết lộ săn tin cần có kỹ năng cũng như sự nhạy cảm.
"Khi nhìn một sự việc gì hay hành động người nào đó, mình phải đoán được vừa có việc gì xảy ra, rồi từ đó mới "triển khai" hành động, đi dò hỏi thông tin".
Ví dụ có đồng nghiệp vừa nói chuyện với sếp mà thái độ khác lạ, anh cử ngay người nào thân thiết với sếp hoặc thân với người đó để dò hỏi. Hoặc có hai người nào bỗng dưng hay "mất tích" cùng thời điểm, anh và nhóm phải đặt dấu chấm hỏi liền.
Mỗi nhóm chat của anh H. sẽ có mối quan tâm riêng. Chẳng hạn có nhóm thích buôn chuyện về tình cảm như ngoại tình, thất tình, lăng nhăng. Có nhóm lại thích nói chuyện công việc.
Hay có nhóm chỉ nói xàm những chuyện vu vơ. Từ chuyện trưa nay ăn gì, thời tiết, đau lưng, tại sao mình nghèo… để xả stress, mua vui cho bạn trong nhóm.
Nói xấu do "Chúng tôi nói về họ, và họ xấu"
Không thạo tin như anh Minh H., nhưng chị Hoài T. (28 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) cũng thuộc dạng trùm hóng hớt, đặc biệt là các phốt gay cấn của đồng nghiệp công ty hoặc cùng ngành.
Chị có 4 - 5 nhóm chat luôn sáng nick, chỉ trừ nửa đêm về sáng vì mắc ngủ. Các bạn chị chia các nhân vật mình nói xấu thành hai nhóm: nhóm quen biết, và nhóm không quen, hoặc chỉ nghe tên chứ chưa va vào đời nhau.
Với những người quen biết, thông tin về họ luôn đầy tràn vì thường tiếp xúc. Cứ có gì mới là các đồng nghiệp hoặc chị chủ động "rin sọt" (screen shot - chụp màn hình), hoặc chuyển tiếp tin nhắn, hình ảnh vào nhóm. Kèm theo những bàn luận, cập nhật.
Cái gì chưa rõ thì nhóm chị chờ hỏi thêm trong cảm giác nôn nao, cứ ngó khung chat xem có ai nhắn gì không.
Có những chuyện gấp mà mắc kể quá và đang buổi tối ở nhà không sợ ai biết, nhóm chị sẽ gọi Facebook messenger kể liền, sợ nhắn tin lâu lắc.
Với những người không quen, các nhóm của chị cũng chia sẻ những thông tin chấn động nghe được về họ. Thường là về chuyện chuyển việc, nhân sự, chuyện tình cảm, hôn nhân gia đình… Tò mò, chị và các bạn thường đòi "nguồn tin" gửi đường dẫn trang Facebook của nhân vật đó để ngó thử.
Đôi khi, chị T. cảm thấy mình hơi bị khẩu nghiệp. Nhưng cộng đồng mạng truyền nhau trên TikTok những clip hài hước về điều này. "Tôi xin hứa từ giờ tôi sẽ không nấu xói ai nữa. Tôi sẽ nói những sự thật mà mắt tôi thấy, tai tôi nghe những điều về họ".
Hoặc "Chúng tôi không hề nói xấu ai cả. Chúng tôi chỉ nói về họ, và họ xấu. Lỗi của chúng tôi à?".
Kỳ diệu: Nói xấu ào ào vẫn xong việc, nhưng mất tập trung
Tuy nhiên, các nhân vật trên cũng có giới hạn việc nói xấu. Nói theo kiểu mua vui, hóng hớt từ những gì thu thập được, bàn luận với nhau.
"Mình không đặt điều về người nào cả. Ví dụ bữa sau mà biết thông tin khác, đối lập… thì tụi tôi cũng thảy vào nhóm để mọi người cập nhật", chị nói.
Nhiều nhóm chat như vậy nhưng anh H. vẫn cho rằng mình hoàn thành tốt công việc. Anh nói: "Mình phải biết canh chừng sao để vừa làm việc, vừa nhiều chuyện cho hiệu quả.
Những lúc công việc gấp quá thì phải tắt các nhóm chat, ưu tiên công việc thôi. Dù sao đi làm thì công việc vẫn là trên hết".
Theo anh, việc nhiều chuyện chủ yếu để mua vui, giải trí những lúc căng thẳng. Đó cũng là niềm vui công sở, mỗi ngày đi làm đều có chuyện vui đem về.
"Có nhiều nhóm chat, nhưng tôi chưa bị tình trạng chat nhầm. Tính tôi cẩn thận nên chưa từng để xảy ra hậu quả nào.
Nhưng cũng có lúc mình chủ động chat nhầm, nhằm mục đích săn tin hoặc báo tin", anh hóm hỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận