Một góc huyện Cần Giờ, TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vậy cụ thể sân bay nhỏ là sân bay ra sao?
Hướng tới giao thông hiện đại
Trao đổi với Tuổi Trẻ về góp ý đề xuất sân bay nhỏ ở Cần Giờ, ông Vương Quang Hưng, trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết đây là một ý tưởng được đưa ra thảo luận tại cuộc họp lấy ý kiến về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của khu vực TP.HCM.
Đề xuất này xuất phát từ thực tiễn hiện Cần Giờ đang quy hoạch khu sinh thái, dịch vụ du lịch cao cấp. Do đó, các loại hình giao thông cần xây dựng theo hướng hiện đại, trong đó cần tính đến có sân bay cỡ nhỏ để đáp chuyên cơ riêng của các doanh nhân, tỉ phú...
Theo ông Hưng, sân bay này không phải là sân bay quốc tế, sân bay đề xuất ở Cần Giờ chỉ có thể đáp được chuyên cơ tư nhân, thủy phi cơ, trực thăng, các thiết bị bay cỡ nhỏ phục vụ cho một nhóm người, ví dụ như tỉ phú hay các đại gia, trực thăng cứu hộ, cứu nạn...
Ngoài ra, ông Hưng cho rằng sau này các khu đô thị Thủ Đức, Củ Chi cũng cần phải có sân bay trực thăng sử dụng cho việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
"Chúng ta bàn và góp ý về quy hoạch nên phải tính trước các phương án trong tương lai. Việc đưa ra ý tưởng để các chuyên gia thảo luận, nghiên cứu nhằm hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông của TP ngày càng hiện đại và tốt hơn", ông Hưng nói.
Còn ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP - nhận định trên thực tế quỹ đất ở Cần Giờ không thể xây dựng sân bay tương tự như Tân Sơn Nhất được. Tuy nhiên, ông Trường cũng đồng tình với các ý kiến đề xuất có thể xây dựng sân bay phục vụ cho trực thăng hoặc thiết bị bay nhỏ... để hướng tới phát triển du lịch trong tương lai.
Ngửa mặt lên không thấy trực thăng?
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, cho rằng chúng ta đang bàn đến đô thị Thủ Đức, hướng tới trung tâm tài chính trong khu vực thì chắc chắn cần phải xây dựng sân bay trực thăng.
"Còn ở Cần Giờ đang phát triển du lịch cao cấp, chắc chắn phải có sân bay trực thăng. Không có sân bay trực thăng thì các ông siêu tỉ phú sau này muốn đi máy bay tới đây du lịch làm thế nào?", ông Nam nói.
Theo ông Nam, sân bay chuyên dùng đường băng chỉ 2km, tư nhân có thể đầu tư được thì nên ủng hộ để xây dựng. Do đó, cơ quan nhà nước cần thống nhất với nhau hình thành quy hoạch, cấp phép cho sân bay chuyên dùng. Ở Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm từ 2015-2020, họ đã xây hơn 2.800 sân bay như thế để đảm bảo nơi nào cũng có sân bay.
"Hiếm có một trung tâm tài chính thế giới nào mà lại không có sân bay trực thăng cả. Hiện TP.HCM chỉ có hai điểm đậu trực thăng trên nóc nhà. Tôi thấy ở TP ngửa mặt lên trời không thấy cái trực thăng nào hết bởi không có sân bay trực thăng", ông Nam nói.
Vấn đề sân bay chuyên dùng cũng đã được các chuyên gia đề cập tại hội thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây. Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc mà Bộ GTVT đang lập thiếu vắng hoàn toàn sân bay chuyên dùng.
Trong khi đó, nhu cầu trong tương lai về máy bay trực thăng, máy bay doanh nhân, máy bay taxi, bay phục vụ nông lâm nghiệp, địa chất, huấn luyện, thể thao, du lịch... sẽ rất lớn. Dự báo trong tương lai các sân bay chuyên dùng phục vụ cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ điện, hoặc đường băng ngắn sẽ trở nên cấp thiết ở châu Á và Việt Nam.
Từ đó sẽ xuất hiện nhu cầu phát triển mạng đường bay ngắn 300-400km thu gom khách đến các sân bay khác. Hoạt động taxi bay, ôtô bay sẽ dẫn đến nhu cầu có thêm các sân bay với quy mô và tính chất hoàn toàn khác sân bay hiện nay.
Giải thích thắc mắc trên, ông Nguyễn Bách Tùng - phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết: Luật hàng không dân dụng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay Việt Nam trình Thủ tướng phê duyệt. Do Bộ Quốc phòng phê duyệt, quản lý sân bay chuyên dùng nên Bộ Giao thông vận tải không đưa loại sân bay này vào trong đồ án quy hoạch.
Ông Tùng cho biết thêm hiện nay tất cả cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam đều là lưỡng dụng dùng chung cả dân dụng, quân sự. Năm 1997 quân đội có làm quy hoạch hệ thống sân bay quân sự toàn quốc, bản thân ông từng là chủ nhiệm đồ án này nhưng không phê duyệt được.
"Luật quy định hệ thống sân bay quân sự, chuyên dùng giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện quy hoạch, quản lý nhưng hơn 15 năm nay quân đội không triển khai hệ thống này. Việc đưa hệ thống hàng không chung, sân bay chuyên dùng vào quy hoạch hàng không lần này không thể đi đến kết thúc được vì không thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện" - ông Tùng cho biết.
Sân bay Tenzing-Hillary ở Lukla, Nepal - Ảnh: AFP
Sân bay chuyên dùng như thế nào?
Tùy theo đặc tính cấu trúc và vị trí, sân bay chuyên dùng được phân thành 5 loại: sân bay chuyên dùng trên mặt đất; sân bay chuyên dùng trên mặt nước; bãi cất, hạ cánh trên mặt đất; bãi cất, hạ cánh trên mặt nước; bãi cất, hạ cánh trên các công trình nhân tạo bao gồm tòa nhà, boong tàu, nhà giàn, giàn khoan dầu khí.
Theo quy định của nghị định số 42/2016/NĐ-CP, bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phê duyệt vị trí xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh nơi xây dựng sân bay chuyên dùng và thống nhất với Bộ GTVT. Tổng tham mưu trưởng quyết định phê duyệt thiết kế chi tiết xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi đã thống nhất với Bộ GTVT.
H.LỘC
Xây mới bệnh viện phải có thiết kế sân bay trực thăng
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Bệnh viện Quân y 175, khẳng định với vai trò là thành viên trong hệ thống y tế của thành phố, sân bay trực thăng của bệnh viện sẽ trở thành điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ - đường thủy - đường không trong tương lai.
Ngoài các sân bay lớn, sân bay trực thăng hiện có, có cần các sân bay vừa để phục vụ đa dạng các nhu cầu của xã hội hay không? Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho rằng điều này sẽ đáp ứng được sự "cơ động". Tuy nhiên điểm quan trọng nhất là phải đặt ra bài toán trong công tác quản lý, điều hành, khai thác.
"Tính cơ động cao là yếu tố thúc đẩy xã hội phát triển, điều này kéo theo việc cung cấp đa dạng các dịch vụ cho nhu cầu con người", thiếu tướng Sơn khẳng định.
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết thành phố đã có "kế hoạch cho tương lai" khi các cơ sở y tế xây dựng mới đều phải có thiết kế sân bay trực thăng. Theo ông, trong tương lai gần việc cấp cứu bằng đường hàng không rất cần thiết trong bối cảnh kẹt xe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng cao và đặc biệt là mô hình y tế du lịch phát triển.
HOÀNG LỘC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận