04/04/2017 16:59 GMT+7

Đề xuất xây chung cư cao cấp khi cải tạo chung cư cũ

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Đó là đề xuất của ông Nguyễn Trần Nam - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - tại hội thảo về cải tạo chung cư cũ do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức sáng 4-4 tại Hà Nội.

Chung cư D2 Giảng Võ sau khi được xây dựng lại (bên trái) nay đã trở thành một tòa chung cư hiện đại và khang trang, bên cạnh là tòa chung cư D5 Giảng Võ hiện đã xuống cấp - Ảnh: Nguyễn Khánh
Chung cư D2 Giảng Võ sau khi được xây dựng lại (bên trái) nay đã trở thành một tòa chung cư hiện đại và khang trang, bên cạnh là tòa chung cư D5 Giảng Võ hiện đã xuống cấp - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cụ thể, theo ông Nam, có thể chuyển dự án cải tạo chung cư cũ thành dự án trung, cao cấp để tận dụng vị trí, bù đắp chi phí tài chính mà không tăng mật độ dân số quá cao.

Tránh việc thay chung cư cũ bằng chung cư mới xây nhưng chất lượng thấp do thỏa thuận với người dân về diện tích mà không cam kết rõ về chất lượng và mức độ hoàn thiện.

Thậm chí, có thể cho phép tăng mật độ dân số ở mức độ nhất định bằng cách cho phép tăng số tầng của dự án.

Chủ tịch VNREA cũng đồng ý đưa các chung cư hết niên hạn vào cải tạo ngay không cần kiểm định, đồng thời tính toán đề án thực hiện cải tạo đồng bộ trên toàn bộ một khu vực.

Ngoài ra, ông Nam kiến nghị Nhà nước hoặc chủ đầu tư có thể mua lại các căn hộ của người dân theo giá thị trường (giá thỏa thuận). Người dân có nhu cầu, nếu không mua suất tái định cư/nhà ở xã hội, có thể mua nhà ở vị trí bất kỳ trong dự án mới theo giá thị trường hoặc có ưu đãi.

Trong khi đó, TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - cũng đề xuất cần xã hội hóa việc lập quy hoạch chi tiết và dự án thông qua lựa chọn chủ đầu tư hoặc đấu thầu.

“Cần thí điểm mô hình “Doanh nghiệp cộng đồng” với sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp về xây dựng”, ông Nghiêm nói.

Nhấn mạnh việc cần phải tuân thủ quy hoạch của thành phố về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, TS Nghiêm lưu ý khi quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ cần phải được lập quy hoạch cho toàn khu vực, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch.

Tại hội thảo, giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay năm 2015, Chính phủ đã ban hành nghị định xác định rõ trách nhiệm của các chủ sở hữu nhà chung cư trong việc cải tạo lại nơi ở của mình, đồng thời cơ bản tháo gỡ những bất cập, tồn tại trong thực tế cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ độc lập. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tế tại Hà Nội, đặc biệt là khi cải tạo, xây dựng lại toàn khu chung cư cũ.

Từ đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 cơ chế chính sách khung trên cơ sở quy định của nghị định gồm bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà chung cư cũ đưa vào kế hoạch; cơ chế về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về lựa chọn chủ đầu tư; chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư; cơ chế tài chính cho dự án và phân cấp thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Mới cải tạo được 14 chung cư cũ

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.273 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990.

Đa số các tòa nhà chung cư cũ này đều hết niên hạn sử dụng và phân bố chủ yếu tại 4 quận nội ô (quận Ba Đình có 214 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà và quận Hai Bà Trưng có 244 nhà).

Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn rất hạn chế, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng.

Đáng chú ý là có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên