25/06/2020 18:20 GMT+7

Đề xuất xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ quốc lộ 91

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ quốc lộ 91 (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) bằng phương án nạo vét mở rộng khoảng 3km lòng sông đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ.

Đề xuất xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ quốc lộ 91 - Ảnh 1.

Đoạn sông Hậu nơi xảy ra 2 vụ sạt lở có chiều rộng khoảng 300m, trong khi phía thượng lưu và hạ lưu rộng trên 600m, khiến nơi này như một nút thắt cổ chai - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Tô Hoàng Môn, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang, đã kiến nghị như vậy tại cuộc họp về "Chủ trương chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang" do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 25-6.

Theo ông Môn, ngày 27-7-2019, mặt đường quốc lộ 91 rạn nứt với chiều dài trên 60m, ăn sâu vào 1/3 mặt đường chạy dọc theo bờ sông Hậu.

Đầu tháng 8-2019, một nửa mặt đường quốc lộ 91 (đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang) đã bị sạt xuống sông Hậu.

Đến ngày 20-8-2019, khi thi công hệ thống kè bằng bao cát bảo vệ quốc lộ 91 đã bị trôi ra sông, đồng thời vết sạt lở lan rộng vào quốc lộ 91 thêm 0,6-1m với chiều dài sạt lở khoảng 6-10m. Đến ngày 27-5-2020 tiếp tục sạt thêm một đoạn khoảng 60m.

Về nguyên nhân sạt lở, ông Môn cho rằng sự xuất hiện dòng chảy xoắn với lưu lượng và lưu tốc lớn qua vị trí này là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng xói lở bờ phải quốc lộ 91 và gây bồi lắng bờ trái, qua đó thu hẹp mặt cắt lòng sông khu vực này. Hơn nữa khu vực bị sạt lở như nút thắt cổ chai nên có tới tốc độ dòng chảy lớn.

Để khắc phục tình trạng sạt lở, tỉnh An Giang đã xử lý cấp bách đoạn sạt lở bằng phương pháp dùng bao tải cát lập hố xói và hàn khẩu vết vỡ. Đồng thời xây dựng 2 đoạn kè mái nghiên.

Về giải pháp lâu dài, ông Môn cho biết chỉnh trị dòng chảy sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ quốc lộ 91 (chi phí gia cố Bộ Giao thông vận tải đề xuất là khoảng 500 tỉ đồng, trong khi chi phí trung ương dự toán hỗ trợ là 160 tỉ đồng).

"Do ngân sách tỉnh An Giang còn nhiều khó khăn, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bằng phương án nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3km (đoạn bị thắt hẹp còn khoảng 300m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m)" - ông Môn nói

Đề xuất xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ quốc lộ 91 - Ảnh 2.

Ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng, để triển khai chỉnh trị dòng chảy thì tỉnh An Giang cần có những nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để mang lại hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng, tác động đến thượng, hạ lưu - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ông Tô Văn Thanh, phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cho rằng về lâu dài tỉnh phải có đánh giá toàn tuyến dòng chảy từ thượng nguồn và phân lưu để có giải pháp chỉnh trị.

"Cần nghiên cứu giải pháp giảm lưu tốc qua đoạn nút thắt cổ chai tại vị trí sạt lở bằng cách cứng hóa toàn bộ khu vực này hoặc mở rộng lòng sông để giảm lưu tốc. Đồng thời phải chỉnh trị được dòng sông cong ở phía thượng lưu" - ông Thanh nói.

Ông Đào Quang Tuynh, phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ), cho rằng chủ trương chỉnh trị dòng sông là cần thiết bởi nếu chỉ kè bên bờ phải thì lòng sông sẽ tiếp tục xoáy sâu và kè chưa chắc đã ổn định. Nếu mở rộng lòng sông bên bờ trái thì mở đến mức nào, mở bao nhiêu để có hiệu quả thì đề nghị tỉnh An Giang phải có tính toán cụ thể.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), nhắc lại về sạt lờ bờ sông Hậu tại quốc lộ 91, Chính phủ đã rất quan tâm và ngày 31-12-2019 Thủ tướng đã có quyết định hỗ trợ 140 tỉ đồng để khắc phục khẩn cấp vị trí sạt lở tại quốc lộ 91. Tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa triển khai. Ông Hoài đề nghị tỉnh An Giang khẩn trương sử dụng kinh phí này để xử lý cấp bách phòng chống sạt lở.

Về giải pháp khắc phục lâu dài, theo ông Hoài, với diễn biến phức tạp của thượng, hạ lưu và lòng dẫn, cộng với độ cong,… thì cần thiết phải xem xét cho việc chỉnh trị dòng chảy cho sông Hậu.

"Để triển khai chỉnh trị thì tỉnh An Giang cần có những nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để mang lại hiệu quả khi chỉnh trị, hạn chế ảnh hưởng, tác động đến thượng, hạ lưu.

Về đề xuất xã hội hóa, ông Hoài đề nghị địa phương phải tuân thủ quy định của luật pháp về xã hội hóa, về khai thác tài nguyên khoáng sản liên quan đến lòng dẫn, môi trường, nguồn nước.

Dựa trên các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia, tổng cục sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định việc chỉnh trị dòng chảy sông Hậu" - ông Hoài nói.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên