Đề xuất vị trí việc làm tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học được nhắc lại tại hội thảo tham vấn chính sách về hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Ông Trần Văn Đạt - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lý của bộ về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học được quy định.
Trong đó có nội dung hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh sẽ được chú trọng.
Trước đó, đề xuất vị trí việc làm tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Dự thảo đã được lấy ý kiến công khai từ năm 2022 nhưng hiện chưa ban hành.
Việc đề xuất trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh cả nước phải cắt giảm biên chế và ngành giáo dục còn thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều môn học, cấp học.
Trên thực tế, ở nhiều trường học hiện nay, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý hướng nghiệp thuộc diện kiêm nhiệm. Những người này cũng chỉ được tham gia tập huấn để choàng gánh nhiệm vụ này mà chưa được đào tạo bài bản.
Trong khi đó, những bất ổn tâm lý trong học sinh là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua với những biểu hiện tiêu cực: Bạo lực học đường, tình trạng bắt nạt trên mạng, học sinh bị rối nhiễu tâm lý dẫn tới các hành vi lệch lạc, tiêu cực…
Tại hội thảo trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận việc triển khai các chính sách về tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn gặp hạn chế. Các quy định, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phối hợp giữa các bên liên quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Nguồn kinh phí triển khai hạn hẹp.
Nhưng điểm bất cập nhất vẫn là vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ làm công việc này chưa có quy định rõ ràng, cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận