Cơ bản Công đoàn không có chức năng kinh doanh
Bởi theo ông Hòa, Tổng liên đoàn là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh.
“Nhà ở xã hội cho công nhân sẽ được đầu tư để cho thuê nên nếu giao Tổng liên đoàn Lao động đầu tư sẽ phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc. Nếu vậy nên giao UBND tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện”, ông Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Hòa đặc biệt nhấn mạnh dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân có số lượng lớn, trong khi nguồn lực theo đề xuất lấy từ nguồn thu phí công đoàn nên sẽ có hạn.
“Tổng liên đoàn Lao động lo cho công dân nhiều mặt khác chứ không riêng chuyện nhà ở. Cần nghiên cứu lại, không khéo mất cán bộ”, ông Hòa lưu ý.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng việc quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là rất khó khả thi.
Bà nói mặc dù Tổng liên đoàn là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng không nhất thiết phải quy định là chủ đầu tư.
Bà Phúc lý giải cơ bản Công đoàn không có chức năng kinh doanh. Do vậy, nếu dự thảo luật này đưa ra quy định như vậy sẽ không phù hợp, và có thể gây ra những quan ngại như đại biểu Hòa đã phân tích trước đó.
Nên coi là trách nhiệm của Công đoàn
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị giữ quy định Tổng liên đoàn là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của Công đoàn.
Ông nói Tổng liên đoàn có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên Công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.
"Trong giai đoạn trước mắt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. Đối với việc đầu tư xây dựng nhà xã hội để bán, đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn và có thể thực hiện trong tương lai", ông Nghĩa nêu.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cũng cho hay có cơ sở để đưa ra quy định Tổng liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, để đảm bảo giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động.
Theo ông, việc quy định Tổng liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.
Một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở.
Cùng với đó, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết chỗ ở, tuy nhiên chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này.
Ông nhấn mạnh vấn đề nhà ở kéo theo một loạt vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe…
Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Vì vậy, nếu giải quyết tốt sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc.
"Trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng liên đoàn. Việc để Tổng liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực.
Từ đó, giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động", ông Tuấn nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận