Cần dự án đột phá cho TP.HCM
Tại tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển" do báo Người Lao Động tổ chức hôm nay, 16-5, nhiều chuyên gia đã tỏ ra sốt ruột khi tốc độ tăng trưởng của TP.HCM những năm gần đây chậm dần.
Quý 1 vừa qua GRDP của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Dự báo trong quý 2 và những quý tiếp theo, kinh tế TP.HCM tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng những vấn đề mà TP.HCM đang đối mặt hiện nay không chỉ là của thành phố, mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. "TP.HCM gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì mới kéo cả đoàn tàu đi lên", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Do đó, ông đưa ra quan điểm cần loại bỏ suy nghĩ "xin - cho", "ơn huệ". Đồng thời tập trung gỡ vướng cho TP.HCM. Còn hiện nay có tâm lý không dám hành động do vướng quá nhiều. Theo đánh giá của ông Thiên, TP.HCM cũng đề xuất nhiều cơ chế rất hay nhưng ít được áp dụng.
"Chúng ta cần nhận diện để giải quyết vấn đề dài hạn. Đây là thời điểm mang tính cơ hội, mở ra tầm nhìn khác để TP.HCM lấy lại vị thế, tăng trưởng" - ông Thiên nói và cho biết kinh tế TP.HCM suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào. Do đó, phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP.HCM.
"TP.HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế, có những dự án đột phá như cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại để kéo thế giới vào đây. Cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn" - ông Thiên gợi ý.
Bên cạnh đó, ông Thiên cũng đề xuất TP.HCM cùng với Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy rủi ro sẽ giảm đi và cộng hưởng sức mạnh của vùng tăng lên, khả năng bứt phá cao hơn rất nhiều.
Phải giảm thuế VAT mạnh hơn để kích cầu
Theo TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, TP.HCM với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế TP.HCM thuận lợi, còn khi bất lợi thì thành phố cũng bị bất lợi theo.
Để kinh tế sớm phục hồi, phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của Nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.
Công cụ của Nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo từng ngành, giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ, mà cần giảm xuống 5-6%. Đồng thời cần đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.
Còn về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu hiện nay, nếu không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó. Do vậy cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt. Đồng thời tạo niềm tin cho doanh nghiệp để họ tự vươn lên.
Kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% lên 30%
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng TP.HCM là đầu tàu cả nước nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuyện cũ chưa được giải quyết thì những vấn đề lớn mới phát sinh.
"Vì sao hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm. Một phần do sự chồng chéo, xung đột của pháp luật. Mà khi pháp luật xung đột thì dễ "chết" nên họ sợ, họ e dè là điều dễ hiểu" - bà Phạm Phương Thảo chia sẻ.
Bà Thảo kỳ vọng trong thời gian tới, khi nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết 54 được thông qua sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho TP.HCM. Cùng với đó, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM kiến nghị trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP.HCM, đồng thời tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM từ 18% lên 30% để thành phố đầu tư, phát triển.
Về lâu dài, bà Phạm Phương Thảo kiến nghị nên có Luật Đô thị đặc biệt dành cho TP.HCM, có như vậy mới tháo gỡ được những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận