Đề xuất trên được ông Lê Quang Mạnh - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nêu khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 17-6.
Ông Mạnh cho biết dự thảo luật bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trên thực tế việc miễn thuế nhập khẩu đối với quà biếu, quà tặng đang được quy định tại nghị định số 134 năm 2016 hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đặc biệt việc miễn thuế giá trị gia tăng gắn với miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện còn đang được điều chỉnh bởi quyết định số 78 năm 2010 của Thủ tướng.
Cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu, đồng thời với việc miễn thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu.
Dù vậy thẩm tra quy định này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thường dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Trước đây số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều, nên tác động tổng thể tới số thu không đáng kể.
Tuy nhiên với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Theo số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3-2023, có trung bình 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng.
Hằng ngày trung bình có 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Mặt khác hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Vì vậy Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.
Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm cơ sở pháp lý của quyết định số 78 liên quan đến quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Ngoài ra có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá các tác động để cân nhắc phù hợp đối với việc bổ sung quy định cho phép không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa mua bán của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế xuất nhập khẩu (quy định tại điểm đ khoản 26 điều 5 dự luật) để tránh các trường hợp lợi dụng chính sách.
Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng còn nhiều
Trước đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Theo báo cáo này, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của luật hiện hành còn nhiều so với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và thông lệ quốc tế đã có nhiều thay đổi.
Việc quy định một số hàng hóa không chủ yếu phục vụ tiêu dùng cuối cùng, mà là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% đã tạo ra hiệu ứng chuyển thuế làm giảm tác động ưu đãi của thuế, giảm cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và gây phức tạp cho quản lý.
Dự luật bổ sung quy định tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (nội dung quy định tại điểm b khoản 26 điều 5 dự thảo luật).
Mặt khác bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận